Thành tựu nhân quyền của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hướng tới 74 năm ngày “Nhân quyền thế giới” (10/12/1948-10/12/2022), những thành tựu của Việt Nam trong công tác nhân quyền một lần nữa được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao.

Thành tựu nhân quyền của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao - ảnh 1
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc)

Nhiều chính sách hướng đến con người 
Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua bản “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” vào ngày 10/12/1948. Bản Tuyên ngôn được coi là nền tảng cho Bộ luật Nhân quyền quốc tế. Bộ luật này bao gồm "Công ước cơ bản về quyền con người" và "Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa" được Liên hiệp quốc thông qua vào năm 1966. Mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả, "Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền" đã trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân loại và ngày 10/12 hàng năm được chọn làm ngày “Nhân quyền thế giới”. Ngày “Nhân quyền thế giới” hàng năm được kỷ niệm ở nhiều quốc gia với các cấp độ, quy mô khác nhau. 

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra chủ trương rất rõ ràng về việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Thậm chí, vấn đề này còn được thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn độc lập, được đưa lên Nghị trường và thể hiện rõ trong các bản Hiếp pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013. Theo đó, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định lấy con người làm trung tâm, lấy quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, do đó, việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người cũng là yếu tố rất quan trọng của sự phát triển bền vững. 

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 bao gồm 11 chương, 120 điều, trong đó riêng Chương II đã có đến 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đồng thời, các nội dung liên quan đến quyền con người còn được đưa vào các chương khác của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người được thụ hưởng, thực hiện và bảo vệ quyền con người của mình. Điểm đáng chú ý là khi quy định quyền con người, quyền công dân, các điều của Hiến pháp luôn xác định rõ: “Mọi người có quyền”, “công dân có quyền” để khẳng định tính pháp lý của các quyền được Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ. Đồng thời, để bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hệ thống pháp luật về quyền con người cũng đã được bổ sung, hoàn thiện như việc ban hành Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng…

Bên cạnh đó, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu bảo vệ con người, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người như: Công ước về quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước chống tra tấn về các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người… Đặc biệt, Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và mới đây nhất, Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Tất cả những thành công này đã thể hiện mong muốn, ý chí của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng LHQ yêu cầu các thành viên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền (HRC) phải duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền với tỷ lệ phiếu bầu rất cao là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo đảm và thực thi các quyền con người, đồng thời khẳng định tiếng nói cũng như vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc
Mặc dù những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao, nhưng các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá, xuyên tạc, làm sai lệch nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là của kiều bào về các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công dân nói chung, kiều bào nói riêng với mục đích bôi nhọ, làm mất uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như phá hoại các chủ trương, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy các thế lực này kích động những phần tử bất mãn chế độ, khiến họ trở thành "nhà đối lập" với mục tiêu gây bất ổn chính trị, làm ảnh hưởng đến an ninh xã hội, sự bình yên của đất nước. Tất cả các động thái này đều được núp bóng dưới chiêu bài kêu gọi dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên, những hành động này đều nhanh chóng thất bại bởi những thành tựu của Việt Nam đã được cả thế giới và bạn bè quốc tế ghi nhận.

Nhân dịp Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định: “Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, đồng thời cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên để tiếp tục có thêm nhiều đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, cũng như thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau để thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục