Thế giới lo lắng khủng hoảng lương thực gây thảm họa y tế toàn cầu

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo cảnh báo của các chuyên gia, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do chiến tranh ở Ukraine có thể sẽ gây ra thảm họa y tế trên toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng mới sau Covid-19

Giám đốc điều hành của Quỹ toàn cầu phòng chống dịch bệnh, bệnh lao và bệnh sốt rét, ông Peter Sands nhận định, tác động trực tiếp của tình trạng thiếu lương thực không chỉ khiến nhiều người chết đói mà còn chết vì bệnh tật do sức đề kháng suy yếu. 

“Tôi cho rằng loài người có thể đã bắt đầu một cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo sau Covid-19. Nó không phải là một dạng mầm bệnh mới, tuy nhiên sẽ có nhiều người mắc các căn bệnh truyền nhiễm thông thường hơn do suy giảm sức đề kháng”- ông Sands phát biểu bên lề hội nghị Bộ trưởng Y tế G20.

 Đặc biệt, vị chuyên gia này cảnh báo tác động kép từ các bệnh truyền nhiễm, tình trạng thiếu lương thực và khủng hoảng năng lượng có thể dẫn đến cái chết của hàng triệu người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loài người đã tiêu tốn nhiều nguồn lực vốn dùng để chống lại bệnh lao trong cuộc chiến ngăn chặn Covid-19. Điều này đã khiến khoảng 1,5 triệu người trên thế giới khó có thể tiếp cận với các phương pháp điều trị lao, từ đó làm gia tăng nguy cơ tử vong.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 mới chỉ tạm lắng xuống thì khủng hoảng lương thực lại nổi lên khi chỉ trong vài tháng, hàng loạt thực phẩm đã trở nên đắt đỏ hoặc khó tìm một cách bất thường ở nhiều quốc gia như rau diếp ở Úc, hành tây và xúc xích Ý ở Nhật Bản. Tại Hoa Kỳ, Huy Fong Foods - nhà sản xuất tương ớt nổi tiếng đã buộc phải tạm ngừng sản xuất do thiếu ớt. Thông tin này đã khiến người tiêu dùng đổ xô tích trữ.

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cũng đưa ra cảnh báo về việc giảm xuất khẩu lúa mì và các mặt hàng thực phẩm khác từ Ukraine và Nga có nguy cơ đẩy thêm khoảng từ 11-19 triệu người vào cảnh bị đói trong năm 2023.

Thế giới lo lắng khủng hoảng lương thực gây thảm họa y tế toàn cầu - ảnh 1
Việc bà Ngụy Thị Khanh bị điều tra, truy tố là do đã vi phạm các tội danh kinh tế. Ảnh: goldmanprize.org

Những chính sách đối phó với khủng hoảng lương thực

Dưới góc độ y tế, ông Sands khuyến cáo các chính phủ trên thế giới nên giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tuyến đầu cho các cộng đồng nghèo nhất bởi đó là những người sẽ dễ bị tổn thương nhất. Còn tiến sĩ Madhav Durbha, Phó Chủ tịch chiến lược chuỗi cung ứng tại Coupa Software lại cho rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải suy nghĩ lại về cách thức sản xuất và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, nhằm quản lý tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm trên toàn cầu. 

Nhằm giúp đỡ những cộng đồng khó khăn nhất ở châu Phi, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đã thông qua một chương trình trị giá 2,3 tỷ USD để giúp đỡ các quốc gia phía Đông và Nam châu Phi chống lại tình trạng mất an ninh lương thực.
Cụ thể, WB cho biết khoản ngân sách này sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống lương thực trong khu vực cũng như khả năng giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, vốn đang ngày càng gia tăng trong khu vực. 

Hàng loạt quốc gia khác cũng bắt đầu quan tâm hơn tới vấn đề khủng hoảng lương thực như Tây Ban Nha khi quốc gia này ban hành bộ luật cho phép phạt tới 60.000 Euro (57.000 USD) hoặc cao nhất là 500.000 Euro đối với những người tái phạm trong việc để lãng phí thức ăn. Ở Pháp, nếu các siêu thị có ý định vứt bỏ thực phẩm không bán được sẽ bị phạt nặng bởi đó là hành vi bất hợp pháp. Nếu không bán hết, thực phẩm từ các siêu thị sẽ được quyên góp, cung cấp cho các tổ chức từ thiện hoặc ngân hàng thức ăn. Tương tự, Italia cũng đã ban hành một đạo luật vào năm 2016 giúp các công ty quyên góp thực phẩm dễ dàng hơn, bao gồm cả việc bỏ quy định thực phẩm quá hạn không được cho tặng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục