“Thiên thần hộ mệnh” của những nạn nhân AIDS bị ruồng bỏ

Chia sẻ

Vượt bao trở ngại, kỳ thị để chăm sóc những mảnh đời xấu số bị bỏ rơi trong giai đoạn đen tối nhất của đại dịch AIDS tại Mỹ, một phụ nữ dũng cảm đã truyền cảm hứng về tinh thần nhân đạo vô điều kiện.

Ở Arkansas, miền trung Mỹ, nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, thời điểm AIDS bắt đầu “gieo rắc” nỗi sợ hãi khắp nơi với vô số trường hợp tử vong chỉ sau vài tuần chẩn đoán, Ruth Coker Burks, một phụ nữ Công giáo bất chấp định kiến xã hội để góp sức giúp đỡ những bệnh nhân.

Suốt gần một thập niên, từ năm 1984 đến giữa những năm 90, trước khi nền y học phương Tây cải tiến thuốc men và phương pháp điều trị AIDS, Burks đã tình nguyện chăm nom cho hàng trăm bệnh nhân phải chống chọi “căn bệnh thế kỷ”. Phần lớn họ là người đồng tính, bị gia đình ruồng bỏ sau khi nhiễm bệnh.

Burks bên những vật phẩm kỷ niệm bà lưu giữ từ nhiều người bạn xấu số qua đời vì AIDS.Burks bên những vật phẩm kỷ niệm bà lưu giữ từ nhiều người bạn xấu số qua đời vì AIDS.

Không có nghiệp vụ y khoa hay dư dả tài chính, Burks vẫn sẵn lòng đưa đón những bệnh nhân bà quen biết đến mỗi buổi kiểm tra sức khỏe, giúp họ điền từng mẫu đơn, lấy thuốc điều trị và sau cùng, trò chuyện với họ về sự ra đi.

Với những người nghèo qua đời vì AIDS, Burks tình nguyện trả toàn bộ chi phí hỏa táng. Bà tự tay làm tang lễ cho hơn 40 trường hợp, khi gia đình người bệnh từ chối tiếp nhận thi thể. Nhiều số phận bi đát có lẽ đã vĩnh viễn nằm dưới những phần mộ vô danh nếu không nhờ nỗ lực hỗ trợ hết lòng từ Burks. 

Cánh cửa đỏ 

Mọi thứ bắt đầu năm 1984, ở hành lang một bệnh viện. Burks, bấy giờ 25 tuổi, là một bà mẹ trẻ đến chăm sóc người bạn đang điều trị ung thư dài ngày tại Bệnh viện Đại học Little Rock (thủ phủ Little Rock, bang Arkansas). Ngày nọ, Burks chợt để mắt đến một cánh cửa được phủ tấm bạt lớn màu đỏ. Một phòng bệnh lẻ loi gần như không người ra vào. 

Khi ấy, đã ít nhiều nghe về một căn bệnh mới liên quan đến cộng đồng LGBT và nửa vì tò mò - nửa vì một sự thúc giục vô hình, Burks quyết định lẻn vào căn phòng có cánh cửa đỏ. Trên giường bệnh, bà trông thấy một thanh niên trẻ dáng hình hốc hác, liên tục yêu cầu được gặp mẹ anh.  “Nghe anh ta nói thế, tôi liền bước ra ngoài, hỏi thăm người y tá đầu tiên tôi gặp”, Burks hồi tưởng. 

Họ nói: “Chẳng ai đến đâu thưa chị. Bệnh nhân đã ở đây sáu tuần. Không có ai ở cạnh anh ta, cũng sẽ chẳng có ai đến cả”.

Không bỏ cuộc dễ dàng, Burks kiên trì nài nỉ để có được số điện thoại liên hệ. Tuy nhiên, khi gọi cho mẹ người thanh niên nọ, bà nhận về lời hồi đáp lạnh lùng. “Bà ấy cho rằng cậu con trai là kẻ tội lỗi. Bà ấy không quan tâm anh ta sống chết ra sao”, Burks nói.

Sự ruồng bỏ của gia đình những nạn nhân qua đời vì AIDS - bất kể do đức tin tôn giáo hay nỗi sợ vi-rút - là thực trạng Burks phải làm quen cả thập niên tiếp theo, khi giúp đỡ nhiều số phận bất hạnh tương tự. 

 “Cúp máy rồi, tôi không biết nên nói gì với người đang hấp hối trên giường bệnh. Tôi trở vào phòng nhưng chưa kịp lên tiếng, anh ta đã nhầm lẫn tôi là mẹ. Anh ta giơ tay để tôi nắm. Tôi có thể làm gì khác hơn? Nên tôi nắm tay anh ta và nói: mẹ đến rồi đây”, bà kể. Burks kéo ghế ngồi bên giường bệnh. Bà nói chuyện với người thanh niên, giúp anh lau mặt và không rời đi cho đến khi anh qua đời 13 tiếng sau đó. 

Một ngôi mộ trong khu nghĩa trang Files (Hot Springs, Arkansas), nơi an nghỉ của hàng trăm bệnh nhân AIDS được Burks giúp đỡ.Một ngôi mộ trong khu nghĩa trang Files (Hot Springs, Arkansas), nơi an nghỉ của hàng trăm bệnh nhân AIDS được Burks giúp đỡ.

Khối “gia tài” kỳ lạ 

Burks sinh ra và lớn lên ở thành phố Hot Springs, phía tây Arkansas. Bà là một trong những người bạn gắn bó thời thơ ấu của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. 

Khi bà còn bé, có lần mẹ bà xung đột nảy lửa với người chú ruột trong gia đình. Giữa lúc nóng giận, như một cách “trả đũa”, mẹ Burks lặng lẽ mua lại toàn bộ phần đất trống trong khu nghĩa trang 
dòng họ. 

“Tất cả là 262 mẫu đất. Dắt tôi đi ngang nghĩa trang mỗi chủ nhật, sau buổi lễ nhà thờ, mẹ tôi vẫn hay chỉ tay vào khoảng đất ấy. Bà luôn nói, theo cách đầy mỉa mai: ngày nào đó con sẽ thừa hưởng nơi này”, Burks hồi tưởng. 

Burks bày tỏ: “Ban đầu, tôi không chắc có thể làm gì với một món “gia tài” kỳ quặc như thế. Ai ngờ, chính cơn nóng giận của mẹ tôi lại giúp ích cho nhiều mảnh đời không may”. 

Đây là nơi Burks chôn cất người thanh niên qua đời vì AIDS bà tình cờ gặp gỡ năm 1984. Burks bỏ tiền túi làm hỏa táng, tang lễ và đích thân chôn tro cốt người đã khuất xuống khu nghĩa trang gia đình. Từ đó, một “truyền thống” ra đời. 

Về sau, tại khu nghĩa trang được thừa kế, Burks chôn cất hàng chục trường hợp bệnh nhân AIDS xấu số, không người thân hay nơi nương tựa. 

“Thỉnh thoảng con gái tôi đến nghĩa trang phụ giúp. Chúng tôi cùng chôn những lọ đựng tro cốt, cùng làm một đám tang nhỏ, cùng cầu nguyện cho người vừa mất. Khi ấy, không linh mục hay dịch vụ tang lễ nào chịu giúp tôi”. 

Là giáo dân Công giáo nhưng Burks phải tự học quy tắc tiến hành một tang lễ chỉn chu. “Khi không linh mục nào muốn giúp đỡ, tôi tự mày mò mọi việc. Duy tôi chưa từng dao động về đức tin. Tôi hiểu mình đang làm đúng. Tôi hiểu điều đó từ sâu thẳm trong tim”.

“Huy chương” tưởng niệm

Tin về Burks chăm sóc một thanh niên hấp hối vì AIDS tại Bệnh viện Little Rock nhanh chóng lan truyền. Số người gọi điện đến tìm bà, hỏi xin giúp đỡ ngày càng nhiều. “Ai đó đồn về tôi như một phụ nữ điên rồ, chẳng sợ hãi điều gì”, Burks cười, kể lại.

Burks bắt đầu hành trình hỗ trợ người bệnh, qua lại nhiều bệnh viện địa phương trong vùng. Tích cóp tiền từ thiện và cả những khoản dành dụm riêng, bà giúp đưa đón bệnh nhân đến phòng khám, chăm nom khi họ quá yếu, nhắc nhở họ dùng thuốc điều trị và đơn giản là ở bên như một người bạn khi cái chết hiển hiện trước mắt họ. 

Burks chia sẻ bản thân bà không thể toàn tâm giúp bệnh nhân AIDS mà không có viện trợ tích cực từ những câu lạc bộ LGBT địa phương, nổi bật là quán bar Discovery tại Little Rock. “Họ tổ chức show ca nhạc của nghệ sĩ giả nữ mỗi tối thứ bảy. Chúng tôi quyên tiền, hỗ trợ bệnh nhân chi phí thuốc men, ăn ở bằng cách ấy”, bà tiết lộ. 

Năm 2010, Burks suýt qua đời vì đột quỵ. Sau khi may mắn thoát chết, bà phải tự học lại tất cả, từ việc đi lại, nói chuyện, ăn uống. 

Giờ đây, vẫn sống tại Arkansas bên con cháu, Burks bày tỏ mong mỏi sau cùng của bà là được nhìn thấy một đài tưởng niệm trên khu nghĩa trang gia đình. 

“Ngày nào đó, tôi muốn thấy một công trình tưởng niệm, một “huy chương” bằng đá giúp kể lại những gì đã diễn ra. Nó bắt đầu từ năm 1984. Dẫu đáng buồn là có nhiều mộ phần tại đây nhưng tôi biết, chí ít họ nằm xuống sau khi cảm nhận được tình yêu thương, trân trọng. Và đã có ai đó dành cho họ những lời tử tế khi họ ra đi”.

ANH PHONG

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.