Thu hẹp những thách thức trong cân bằng giới về kỹ năng số

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo phân tích mới của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam nằm trong top các quốc gia đạt được cân bằng giới về kỹ năng số.

Báo cáo "Thu hẹp khoảng cách số: Thách thức và kêu gọi hành động khẩn cấp để phát triển kỹ năng số công bằng" do UNICEF công bố đã nghiên cứu khoảng cách giới về kỹ thuật số ở các thanh, thiếu niên độ tuổi từ 15-24 thông qua phân tích dữ liệu ở nhiều tiêu chí như khả năng sử dụng Internet, sở hữu điện thoại di động... Các kết quả cho thấy trẻ em gái đang bị bỏ lại phía sau trong một thế giới ngày càng có tốc độ số hóa cao.

Do đó, nâng cao các kỹ năng trên môi trường số cho trẻ em gái là rất quan trọng. Ông Robert Jenkins - Giám đốc Giáo dục Toàn cầu của UNICEF nhận định, thu hẹp khoảng cách số giữa trẻ em gái và trẻ em trai không chỉ dừng ở khả năng tiếp cận Internet và công nghệ, mà còn là sự trao quyền để trẻ em gái trở thành những người đổi mới, sáng tạo và lãnh đạo.

Ông cho biết: "Nếu muốn thu hẹp khoảng cách giới trong thị trường lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), chúng ta cần phải bắt đầu ngay bằng cách giúp những người trẻ tuổi, đặc biệt là nữ giới có được kỹ năng số".

Thu hẹp những thách thức trong cân bằng giới về kỹ năng số - ảnh 1
Các chính phủ cần chung tay thu hẹp khoảng cách số giữa trẻ em gái và trẻ em trai.

Theo báo cáo, cân bằng giới về kỹ năng số không đồng nghĩa với việc các kỹ năng này đã được phổ biến trong toàn dân. Báo cáo của UNICEF nêu dẫn chứng tại Việt Nam cho thấy, mặc dù có đến 83% trẻ trong độ tuổi từ 7-14 có kỹ năng đọc hiểu các nền tảng số, nhưng chỉ có khoảng 36% dân số trong độ tuổi từ 15-24 có các kỹ năng số cơ bản. Do đó, ở Việt Nam mặc dù đã tồn tại cân bằng giới về kỹ năng số, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước cho tới khi tất cả thanh, thiếu niên có thể đạt được các kỹ năng cần thiết để có việc làm cũng như mức thu nhập cao hơn.

Ở góc độ toàn cầu, trẻ em gái thường có ít cơ hội hơn trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết cho học tập và làm việc. Nghiên cứu được thực hiện trên 32 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, cơ hội tiếp cận kỹ năng số ở trẻ em gái ít hơn 35% so với trẻ em trai cùng độ tuổi, bao gồm các hoạt động đơn giản như sao chép tệp tin hay thư mục, gửi thư điện tử hoặc chuyển tệp. Cũng theo báo cáo, rào cản đối với trẻ em gái trên môi trường số không chỉ nằm ở thiếu khả năng truy cập Internet, mà còn có nhiều nguyên nhân sâu xa hơn. Trong đó, môi trường giáo dục và gia đình đóng vai trò quan trọng trong vấn đề khoảng cách giới về kỹ thuật số. Ví dụ, ngay trong cùng một gia đình, trẻ em gái có ít khả năng tiếp cận, tận dụng tối đa mạng Internet cũng như các công nghệ số hơn so với trẻ em trai. Rào cản tiếp cận các cơ hội học lên cao và thị trường lao động, các định kiến và chuẩn mực phân biệt đối xử phổ biến về giới, cũng như những lo ngại về sự an toàn trên không gian mạng cũng là các nguyên nhân gây hạn chế việc hòa nhập kỹ năng số và phát triển kỹ năng của trẻ em gái.

Thậm chí, ngay cả khi trẻ em gái có quyền được tiếp cận bình đẳng để học tập, không phải mọi kiến thức mà các em được học đều có thể chuyển đổi thành kỹ năng số. Do đó, để phá bỏ những rào cản đang kìm hãm trẻ em gái, các em cần được tiếp xúc, tiếp cận sớm với công nghệ, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng sống, cũng như các nỗ lực giải quyết những định kiến giới có hại, đặc biệt là trong gia đình, cũng như bạo lực mạng. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng các cách tiếp cận giảng dạy nhấn mạnh vào bình đẳng giới mới có thể thực sự phá bỏ những rào cản và nâng cao sự tiến bộ của trẻ em gái trong lĩnh vực STEM, cũng như đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng cho mọi học sinh.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ các nước và đối tác thu hẹp khoảng cách giới, đảm bảo trẻ em gái có cơ hội để thành công trong thế giới số, với nhiều khuyến nghị như tăng cường thời lượng giảng dạy kỹ năng số và bình đẳng cho trẻ em gái, trẻ em trai trong và ngoài trường học; bảo vệ sự an toàn trên không gian mạng của trẻ em gái thông qua các không gian mạng an toàn, chính sách và luật, cùng hoạt động giáo dục; cũng như thúc đẩy khả năng tiếp cận của trẻ em gái với các hoạt động tư vấn và thực hành tìm hiểu công việc trong thế giới số.

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.