Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025 tại Hà Nội, sáng 19/7/2025, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có buổi gặp gỡ với hơn 70 đại biểu là trí thức trẻ Việt Nam từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về dự Diễn đàn.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu - ảnh 1
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi gặp mặt.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao chào mừng các đại biểu kiều bào trẻ về dự Diễn đàn, đồng thời đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Trung ương Đoàn trong việc duy trì tổ chức đều đặn hoạt động này với những nội dung, chủ đề thảo luận rất thiết thực, bám sát vào những vấn đề cấp thiết của đất nước.

Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới - với khát vọng đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang trở thành động lực trung tâm của sự phát triển. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để khơi dậy mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao luôn coi trọng và quan tâm sâu sắc tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có lực lượng chuyên gia, trí thức thanh niên người Việt Nam ở nước ngoài. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành “bộ tứ trụ cột” (Nghị quyết 57, 59, 66, 68), trong đó Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đưa ra những chủ trương đột phá nhằm thu hút, trọng dụng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, sinh sống. Quốc hội vừa ban hành hàng loạt Luật mới như Luật Quốc tịch sửa đổi, trong đó nới lỏng quy định nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài; Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, trong đó trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học. Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã yêu cầu các bộ, ngành đề xuất những chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc. Những chủ trương, chính sách trên ngày càng tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu - ảnh 2

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo khuôn khổ, chủ trương, chính sách pháp lý thuận lợi để các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó và đóng góp cho đất nước; xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, thông thoáng, hấp dẫn với kiều bào, cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, chế độ đãi ngộ phù hợp, không phân biệt khu vực công - tư để phát huy tối đa khả năng nghiên cứu, sáng tạo của kiều bào; có những đặt hàng cụ thể đối với kiều bào trong các nhóm công nghệ chiến lược (đối với kiều bào về nước làm việc, cũng như làm việc từ xa).

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các bạn trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đoàn kết, hội nhập tốt vào xã hội sở tại, phát huy vai trò hạt nhân tích cực trong cộng đồng, là cầu nối trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước; đồng thời, tiếp tục đóng góp nguồn lực, trí tuệ cho công cuộc phát triển đất nước thông qua nhiều hình thức: đóng góp từ xa thông qua việc giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những bí quyết công nghệ, kết nối với các tập đoàn, cơ sở nghiên cứu của nước ngoài, hỗ trợ đào tạo nhân lực… hoặc trực tiếp về nước nghiên cứu, làm việc, khởi nghiệp, tham gia những dự án quan trọng của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu - ảnh 3
Các đại biểu tham dự buổi gặp chụp ảnh kỷ niệm.

Tại cuộc gặp, các đại biểu trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã trao đổi, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực, đầy trách nhiệm về cơ chế, chính sách liên quan đến triển khai cụ thể Nghị quyết 57; các ưu tiên trọng điểm về khoa học, công nghệ; phương thức thu hút nhân tài; tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp lý; chế độ làm việc ở trong nước…

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là hoạt động thường niên do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tạo không gian để đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước đề xuất sáng kiến, giải pháp, khuyến nghị chính sách để hỗ trợ quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới” với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia trẻ Việt Nam tiêu biểu trong đó có 72 đại biểu đang học tập, nghiên cứu, làm việc từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam hợp tác bền bỉ giúp Mỹ tìm kiếm quân nhân mất tích thời chiến tranh

Việt Nam hợp tác bền bỉ giúp Mỹ tìm kiếm quân nhân mất tích thời chiến tranh

(PNTĐ) - Chính nhờ sự hợp tác bền bỉ giữa Việt Nam và Mỹ đã giúp Mỹ kiểm kê được 752 trường hợp người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam, đưa hài cốt của họ trở về với gia đình, qua đó mang lại những câu trả lời được chờ đợi từ lâu và phần nào giúp vơi đi nỗi đau.
Việt Nam truyền đi thông điệp mạnh mẽ về vai trò nhà giáo

Việt Nam truyền đi thông điệp mạnh mẽ về vai trò nhà giáo

(PNTĐ) - Phát biểu trực tuyến chúc mừng nhân dịp Luật Nhà giáo của Việt Nam chính thức được thông qua, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Khi đặt nhà giáo ở vị trí cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp, Việt Nam đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng: Giáo dục đóng vai trò then chốt và trong đó những người nuôi dưỡng trí tuệ thế hệ trẻ là quan trọng nhất.