Tiếng nói của Việt Nam tại Hội nghị hợp tác Á-Âu

Chia sẻ

Tối 16/11, Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ 11 (ASEP-11) do Quốc hội Vương quốc Campuchia chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến đã bế mạc sau hơn 6 giờ diễn ra với 2 phiên thảo luận toàn thể và 3 thảo luận chuyên đề đan xen.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn đã tích cực tham dự và chủ động đóng góp nhiều ý kiến tại các phiên thảo luận.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, phản ánh tầm nhìn chung, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, hợp tác chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu. Cụ thể về Tuyên bố chung tại ASEP-11 là việc khẳng định sự phù hợp của ngoại giao nghị viện và quan hệ đối tác liên nghị viện trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển bền vững và bao trùm.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu ​Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu ​Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Đồng thời khuyến khích tương tác hiệu quả giữa ASEP và Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM). ASEP-11 khẳng định cam kết củng cố chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại bao trùm, xây dựng lòng tin và sử dụng biện pháp ngoại giao trong ngăn chặn chiến tranh và xung đột.

Qua đó, ASEP-11 đề nghị các đối tác của ASEM hợp tác chặt chẽ hơn trong sản xuất và phân phối vaccine phòng COVID-19 nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine công bằng cũng như phối hợp đồng bộ, thúc đẩy tiêm chủng toàn diện, hiệu quả chống COVID-19 để phục hồi kinh tế-xã hội theo hướng nhanh, mạnh và toàn diện. 

Toàn cảnh hội nghị.Toàn cảnh hội nghị.

Hội nghị ASEP-11 khẳng định tầm quan trọng về hỗ trợ lập pháp đối với chiến lược của EU về Kết nối châu Âu và châu Á, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025, từ đó nỗ lực giải quyết vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển và hội nhập trên cả hai khu vực, các sáng kiến khác có khả năng mang lại lợi ích cho người dân, đóng góp vào thịnh vượng chung, sự phát triển bền vững của hai khu vực.

Đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận chuyên đề 2, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam Phạm Thị Hồng Yến đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội Campuchia với nội dung phiên thảo luận “Thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong và sau đại dịch COVID-19” trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới một lần nữa phải đối mặt với làn sóng tấn công mới và phức tạp của đại dịch.

Bà Phạm Thị Hồng Yến nhấn mạnh, chủ đề này rất thích hợp, mang tính thời sự bởi việc thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong và sau COVID-19 là một quá trình lâu dài đòi hỏi nỗ lực thường xuyên, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nghị viện các quốc gia thành viên, đặc biệt là khi thế giới đang bước vào trạng thái “bình thường mới”.

Bà Phạm Thị Hồng Yến cũng nêu một số đề xuất như: Tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ nguồn cung vaccine, thuốc điều trị COVID-19 giữa nghị viện các quốc gia thành viên của ASEP, coi đây là giải pháp căn cơ cho phục hồi kinh tế; Kêu gọi các quốc gia có thế mạnh sản xuất vaccine, thuốc điều trị tăng cường hỗ trợ để người dân các nước đang phát triển, các nước đang phải chịu những hệ lụy nặng nề của đại dịch COVID-19 được tiếp cận công bằng và kịp thời nguồn vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế hiện đại; Thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, nâng cao năng lực ứng phó với đại dịch.

Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác giữa ASEP và các tổ chức nghị viện khu vực, quốc tế trong ngăn ngừa, xử lý khủng hoảng, tình trạng khẩn cấp kết hợp tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục