Tình trạng trẻ em mồ côi gia tăng trong đại dịch

Chia sẻ

Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 bùng phát mạnh khiến hệ thống y tế ở nhiều quốc gia lao đao. Số người tử vong gia tăng đồng nghĩa với nhiều trẻ em bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi.

Hai chị em song sinh tại Ấn Độ mất bố mẹ vì Covid-19 được chuyển đến sống cùng họ hàng tại tỉnh Bhopal vào tháng 6. Ảnh: AFPHai chị em song sinh tại Ấn Độ mất bố mẹ vì Covid-19 được chuyển đến sống cùng họ hàng tại tỉnh Bhopal vào tháng 6. Ảnh: AFP

“Đại dịch ngầm”

Cậu bé Arga, 13 tuổi ở Kalimantan, Indonesia và 3 người em của mình giờ đây phải tự chăm lo cho tương lai khi không còn cha mẹ. Arga học trường nội trú và thường được bố mẹ gửi đồ ăn nhà làm. Tuy nhiên giờ đây, không còn hộp đồ ăn nào được gửi tới nữa, cậu bé gửi thư cho bố mẹ mà không hề hay biết họ đã qua đời vì Covid-19.

Cũng giống như Arga, tại New Delhi, Ấn Độ, cậu bé Pratham, 5 tuổi, không ngừng hỏi về cha mẹ mình. Em không hề hay biết rằng mình cùng em trai Ayush mới 10 tháng tuổi đã phải xa cha mẹ vĩnh viễn do Covid-19 chỉ trong vài ngày.

Tổ chức cứu trợ trẻ em Save the Children (STV) hồi tháng 7 đã liên tục kêu gọi cộng đồng cung cấp các thông tin về trẻ mồ côi do Covid-19 nhằm trợ giúp kết nối với người thân của các em hoặc tìm kiếm cha mẹ nuôi các em. Theo nghiên cứu được thực hiện hồi tháng 7, đại dịch đã cướp đi ông bà, cha mẹ của khoảng hơn 1,5 triệu trẻ em toàn cầu.

Chuyên gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Susan Hillis, cảnh báo: “Diễn biến dịch càng tăng thì số trẻ mồ côi vì Covid-19 cũng tăng tương ứng khi cứ hai người tử vong trên thế giới là có thêm một đứa trẻ bị bỏ lại. Chúng cần được hỗ trợ trong nhiều năm tới về cả vật chất lẫn tinh thần”.

Đồng quan điểm, bà Lucie Cluver đến từ đại học Oxford cũng bày tỏ sự lo lắng khi cứ 12 giây lại có thêm một đứa trẻ mất đi người thân do dịch bệnh. Đặc biệt hơn cả là trong khi nhiều nước chỉ chú tâm vào các biện pháp phòng dịch, số trẻ em mồ côi này dường như đã bị “lãng quên”.

Tình trạng trẻ mồ côi và mất đi người nuôi dưỡng đã trở thành một “đại dịch ngầm”. Các biện pháp hạn chế ngăn virus lây nhiễm trong cộng đồng đã làm suy giảm đáng kể năng lực can thiệp và hỗ trợ trẻ em của chính quyền và các tổ chức liên quan. Giới chuyên gia bày tỏ sự lo ngại rằng số trẻ em mồ côi trong đại dịch trên thực tế có thể còn cao hơn con số trong nghiên cứu.

Cần quan tâm hơn tới trẻ em trong đại dịch

Bộ Phúc lợi Xã hội Indonesia yêu cầu các bệnh viện phải thực hiện ghi lại thông tin về các thành viên gia đình bệnh nhân nhằm mục đích hỗ trợ con cái họ khi cần thiết. Tuy nhiên mô hình này tỏ ra không hiệu quả khi số ca nhiễm tăng đột biến tại quốc gia Đông Nam Á này. “Chúng tôi chỉ nắm được một phần dữ liệu và chúng cũng không được hệ thống hóa”, Giám đốc cơ quan hỗ trợ trẻ em tại Bộ Phúc lợi Xã hội Indonesia Kanya Eka Santi cho hay. Giới chức nước này cũng tính đến việc đưa các bé mất người thân vào trại trẻ mồ côi trong trường hợp người thân không có đủ khả năng nuôi dưỡng.

Ở Ấn Độ, một trong các điểm nóng Covid-19, chính quyền nước này đã đưa vào hoạt động cổng thông tin để người dân có thể dễ dàng thông báo thông tin trẻ em mồ côi do Covid-19. Quốc gia Nam Á này trước đó cũng đã thành lập quỹ phúc lợi xã hội đặc biệt dành riêng cho trẻ em mồ côi vì Covid-19. Theo đó, mỗi trẻ em bị mất bố hoặc mẹ vì đại dịch sẽ được mở tài khoản trị giá 13.600 USD. Số tiền này sẽ chỉ được giải ngân khi người hưởng đủ 18 tuổi và được rút toàn bộ tiền mặt vào năm 23 tuổi. Mô hình này hiện đã được mở rộng cho toàn bộ trẻ em Ấn Độ mà không bị giới hạn điều kiện.

Ở bên kia bán cầu, Mỹ và nhiều nước phương Tây xác minh thông tin về trẻ em bị mất người nuôi dưỡng nhờ vào Cơ quan Bảo trợ Trẻ em (CPS). Cơ quan này sẽ trợ giúp các em bằng cách đưa đến nhà họ hàng để chăm sóc, hoặc chuyển đến các tổ chức kết nối với những vợ chồng muốn nhận con nuôi.

ĐỖ HỮU

 

Tin cùng chuyên mục