Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thăm cấp nhà nước tới Indonesia

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và Singapore từ ngày 9-13/3.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và Singapore từ ngày 9 đến 13/3.

Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Tổng thống Indonesia, Chủ tịch Đảng Phong trào Indonesia Vĩ đại (Gerindra) Prabowo Subianto; Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn; Thủ tướng Singapore, Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân Singapore (PAP) Lawrence Wong.

Trả lời báo chí trước chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng Bí thư Việt Nam tới Indonesia sau gần 8 năm (kể từ tháng 8/2017) và tới Singapore sau gần 13 năm (kể từ tháng 9/2012). Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên một Tổng Bí thư Việt Nam thăm Ban Thư ký ASEAN, đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và tổ chức khu vực này.

Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thăm cấp nhà nước tới Indonesia - ảnh 1
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Indonesia, 30 năm gia nhập ASEAN và 52 năm quan hệ ngoại giao với Singapore, hứa hẹn sẽ mở ra những bước phát triển mới trong hợp tác song phương và đa phương, đồng thời củng cố vai trò của Việt Nam trong khu vực.

Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch thương mại hai nước đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2024, tăng 21,6% so với năm 2023. Hai nước đặt mục tiêu nâng con số này lên 18 tỷ USD vào năm 2028.

Về hợp tác an ninh - quốc phòng, Indonesia là một trong những nước thiết lập quan hệ sớm nhất với Việt Nam khi mở phòng tùy viên quân sự từ năm 1964. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn, ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương và tham gia tích cực vào các hoạt động chung trong khuôn khổ ASEAN.

Nổi bật trong quan hệ hai nước là Hiệp định phân định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được ký kết vào tháng 12/2022 sau 12 năm đàm phán. Đây là cột mốc quan trọng giúp mở ra nhiều cơ hội hợp tác biển, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ về việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Về du lịch, năm 2023, Việt Nam đón 105.000 lượt khách Indonesia, tăng gần 200% so với năm 2022. Năm 2024, con số này ước tính đạt 184.000 lượt khách, tăng 1,74 lần so với năm trước.

Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Singapore đang phát triển mạnh mẽ. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Singapore, Tổng Thư ký PAP Lawrence Wong nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.

Singapore là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam trong ASEAN và đứng thứ 14 trên thế giới. Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10,3 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng đáng chú ý so với các đối tác khác trong khu vực.

Về đầu tư, Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất từ ASEAN vào Việt Nam và đứng thứ hai trên tổng số 147 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 3.915 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 83 tỷ USD.

Trong lĩnh vực du lịch, năm 2024, Việt Nam đón 347.495 lượt khách Singapore, tăng 6% so với năm trước. Hợp tác trên các lĩnh vực khác như tài chính - ngân hàng, tài nguyên - môi trường, pháp luật - tư pháp giữa hai nước cũng tiếp tục được mở rộng.

Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995 và từ đó đến nay, đã tham gia sâu rộng vào mọi lĩnh vực hợp tác của tổ chức theo phương châm "chủ động, tích cực và có trách nhiệm". Những đóng góp của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và củng cố vai trò của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế.
Tham gia hợp tác ASEAN mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Việt Nam, bao gồm việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam hiện đứng thứ tư trong ASEAN và thứ 65 trên 129 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn cầu. Kim ngạch xuất nhập khẩu với ASEAN đã tăng 18 lần từ năm 1995 đến 2024, đưa ASEAN trở thành đối tác xuất khẩu lớn thứ tư và nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là cam kết nhất quán của Việt Nam

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là cam kết nhất quán của Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 3/7, Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2025 với chủ đề: “Phụ nữ: Khôi phục giá trị trong thời đại số” đã khai mạc tại thủ đô Berlin, CHLB Đức. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị.
Việt Nam kiên quyết phản đối hoạt động khảo sát trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế

Việt Nam kiên quyết phản đối hoạt động khảo sát trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế

(PNTĐ) - Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng đã cung cấp thông tin chính thức về ba vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm: phản ứng của Việt Nam trước việc tàu Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ); tình hình hỗ trợ công dân Việt Nam tại Iran và Israel; và diễn biến tiếp theo sau điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump liên quan đến chính sách thuế đối ứng giữa hai nước.
AI có thể “tống tiền”, dọa tiết lộ đời tư

AI có thể “tống tiền”, dọa tiết lộ đời tư

(PNTĐ) - Trong bối cảnh cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng gia tăng tốc độ, một làn sóng lo ngại mới đang xuất hiện trong giới công nghệ: các hệ thống AI tiên tiến nhất hiện nay bắt đầu thể hiện hành vi lừa dối, thao túng, thậm chí đe dọa chính những người tạo ra chúng.