Trái Đất đang “nóng chưa từng thấy"

Chia sẻ

Nghiên cứu mới của Cơ quan hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chỉ ra lượng nhiệt trong bầu khí quyển Trái Đất đã tăng gấp đôi kể từ 2005, đây được cho là nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái Đất ngày càng tăng nhanh chóng.

Nhà khoa học Norman Loeb thuộc NASA, tác giả của nghiên cứu cảnh báo: “Trái Đất đang nóng lên nhanh hơn rất nhiều so với dự báo”.

Bằng các dữ liệu thu thập từ vệ tinh, nhóm nghiên cứu đã phát hiện sự mất cân bằng giữa lượng nhiệt Trái Đất hấp thụ từ Mặt Trời so với lượng nhiệt bức xạ trở lại không gian. Tỷ lệ này hiện đang ở mức dương, nghĩa là Trái Đất toả nhiệt kém hơn so với hấp thụ nhiệt, nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Nghiên cứu đã cho thấy sự mất cân bằng này tăng gần gấp đôi kể từ năm 2005 tới 2019.

Nhà hải dương học thuộc Phòng thí nghiệm Môi trường biển Thái Bình Dương của Cơ quan Khí quyển Đại dương Mỹ (NOAA), Gregory Johnson nhận định, mức nhiệt lượng mà Trái Đất đang hấp thụ tương đương với 4 quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima nổ cùng lúc trong mỗi giây, hoặc tương đương với 20 ấm điện đun nước được mỗi người dân trên Trái Đất bật cùng lúc.

Cụ thể, Trái Đất đang nhận khoảng 240W nhiệt lượng từ Mặt Trời trên mỗi mét vuông. Năm 2005, lượng nhiệt bức xạ lại không gian vào khoảng 239,5W, chênh 0,5W. Tuy nhiên, đến nắm 2019 mức chênh này đã tăng gấp đôi.

Những sông băng đang tan chảy ở Nam Cực.Những sông băng đang tan chảy ở Nam Cực.

Các đại dương trên Trái Đất chính là một “điều hoà” tự nhiên giúp làm “mát” hành tinh. Tuy nhiên, khi lượng nhiệt quá lớn khiến các đại dương nóng lên, như một kết quả tất yếu của quá trình “làm mát”, các cơn bão lớn hoặc siêu bão với sức gió mạnh hàng trăm km/h sẽ hình thành, gây thiệt hại khủng khiếp cả về tài sản lẫn nhân mạng.

Câu hỏi được đặt ra là, điều gì đã và đang khiến hành tinh của chúng ta tăng hấp thu nhiệt và ngày càng trở nên nóng hơn bao giờ hết? Nghiên cứu này cũng chỉ ra độ che phủ của mây giảm, băng tan cùng lượng khí hiệu ứng nhà kính như mê-tan, Co2 phát thải rất lớn từ con người đã gây tác động không nhỏ đến môi trường.

Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian Trái Đất xảy ra nhiều hiện tương biến động về khí hậu có thể đóng một vai trò nhất định trong việc làm lượng nhiệt gia tăng trong đó bao gồm cả hiện tượng El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương) mạnh từ năm 2014 tới 2016, dẫn tới nước biển nóng lên bất thường.

Tuy nhiên, nhà hải dương học Johnson nhận định, mặc dù vậy, điều này cũng không thể ngụy biện cho hành vi của con người: "Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho một số nguyên nhân”.

Theo dõi sự mất cân bằng nhiệt lượng của Trái Đất cũng giúp nhà khoa học hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu. Các chỉ số thông thường khác như nhiệt độ không khí chỉ phản ánh một phần nhỏ ảnh hưởng của nhiệt lượng Mặt Trời. Sự mất cân bằng nhiệt lượng Trái Đất thể hiện “tổng lượng nhiệt đi vào hệ thống khí hậu”.

Các nhà khoa học cảnh báo lượng nhiệt tăng đặc biệt ở các đại dương sẽ tạo ra các trận bão và sóng nhiệt ở biển sẽ dữ dội hơn.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục