Từ chối tiêm vaccine COVID-19 có thể bị phạt tiền

Chia sẻ

Theo quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 vừa được Tổng thống Indonesia Joko Widodo ký ban hành thì những người đủ điều kiện tiêm vaccine song từ chối tiêm chủng có thể bị phạt tiền, bị ngừng hoặc cắt giảm các khoản trợ cấp xã hội, cũng như không được tiếp cận các dịch vụ công.

Quy định sửa đổi mới được ban hành cho phép các bộ, ban ngành chính phủ, chính quyền tỉnh và thành phố thực thi các biện pháp xử phạt hành chính. Quy định này cũng cho phép chính quyền các địa phương ban hành các mức hình phạt cụ thể.

Người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi nhấn mạnh “mọi quốc gia đều có quyền ban hành các quy định thuộc thẩm quyền của mình”, song không xác nhận liệu Indonesia có phải là quốc gia đầu tiên bắt buộc tiêm chủng hay không.

Indonesia đã triển khai giai đoạn 1 của chương trình tiêm chủng quốc gia vào ngày 13/1 vừa qua với mục tiêu tiêm 2 mũi vaccine cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này. Giai đoạn 2 được khởi động ngày 17/2, bằng lễ ra quân tại Tanah Abang, khu chợ dệt may lớn nhất Đông Nam Á. Giai đoạn 2 này sẽ kéo dài đến hết tháng 5, bao gồm các đợt tiêm chủng tại các khu chợ, trung tâm thương mại trên khắp thủ đô Jakarta và các địa phương khác trên 2 hòn đảo Java và Bali, trước khi mở rộng sang các tỉnh, thành phố khác.

Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tương đương 2/3 trong số hơn 270 triệu dân của nước này trong vòng 15 tháng.

Tổng thống Indonesia, Joko Widodo tiêm vaccine Covid-19.Tổng thống Indonesia, Joko Widodo tiêm vaccine Covid-19.

Đáng chú ý, Chính phủ Indonesia cũng sẽ cho phép khu vực tư nhân tham gia tiêm chủng bằng các loại vaccine tự chi trả - một sự thay đổi lớn so với kế hoạch cung cấp vaccine miễn phí cho tất cả người dân trước đó. Chương trình tiêm chủng tư nhân này dự kiến sẽ tập trung cho hàng triệu công nhân trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như công nghiệp ô tô và dệt may.

Chương trình tiêm chủng tư nhân sẽ phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó có việc bảo đảm công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma là nhà phân phối độc quyền và cấm các công ty cạnh tranh với chính phủ trong việc mua sắm vaccine của nước ngoài.

Ngoài ra, các công ty tư nhân phải sử dụng các loại vaccine khác với những loại được sử dụng trong chương trình tiêm chủng miễn phí, cũng như không được phép triển khai tại bất kỳ cơ sở y tế nhà nước nào ngay cả khi tham gia chương trình tiêm vaccine miễn phí do chính phủ điều hành.

Hiện Indonesia vẫn phụ thuộc vào nguồn cung vaccine do hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc cung cấp. Dự kiến, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này sẽ bắt đầu nhận được các loại vaccine khác cho chương trình tiêm vaccine miễn phí vào cuối tháng này.

Theo Bộ Y tế Indonesia, các loại vaccine có thể được chương trình tiêm chủng tư nhân sử dụng bao gồm Sinopharm và Anhui (Trung Quốc), Moderna (Mỹ), Sputnik V (Nga) và Johnson & Johnson (Mỹ).

Ngày 17/2, Indonesia ghi nhận thêm 9.687 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca dương tính tại nước này lên 1.243.646 ca. Với số ca nhiễm mới được ghi nhận này, Indonesia hiện là nước có số ca nhiễm trong ngày cao nhất Đông Nam Á, trong khi xét trên toàn châu Á, số ca nhiễm mới tại nước này chỉ xếp sau Ấn Độ - nước có tổng số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới.

PHAN HẢI

 

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.