Việt Nam đang dần đạt kỳ tích kinh tế như trước đại dịch Covid-19

PHÚ ĐỖ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mới đây, ngân hàng toàn cầu HSBC đã ra báo cáo “Vietnam at a glance” tháng 5, nhận định nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có bước phát triển vượt bậc nhờ sự bùng nổ của ngành hàng điện tử.

Lấy xuất khẩu làm động lực chính

Báo cáo đánh giá Việt Nam đã lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất mới nổi của thế giới trong vòng 20 năm qua bất chấp việc đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã khiến động lực tăng trưởng của Việt Nam gặp phải nhiều sự biến động.

Việt Nam từng có thời gian khống chế dịch bệnh thành công nhưng lại phải chịu những tác động lớn từ gián đoạn chuỗi cung ứng trong nước do làn sóng dịch thứ 4 bùng phát vào mùa hè năm 2021. Tuy nhiên, nhờ vào việc mở cửa trở lại hoàn toàn hồi tháng 3, nhiều công nhân đã quay trở lại các thành phố để làm việc, qua đó giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực cho các nhà máy đang có lượng đơn hàng xuất khẩu rất lớn.

Cũng nói về xuất khẩu, báo cáo của HSBC ca ngợi: “Nền kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại hào quang” của trước đây. Dẫn chứng số liệu xuất khẩu quý I/2022 tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần 40% tăng trưởng đến từ các đơn hàng xuất khẩu linh phụ kiện, thiết bị điện tử.

“Từ một nước chủ yếu xuất khẩu hàng may mặc và da giày với giá trị cộng thêm thấp, Việt Nam đã vươn lên trong chuỗi cung ứng, trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ”, báo cáo viết. Xuất khẩu điện tử đạt mức kỷ lục 108 tỷ USD vào năm 2021, tương đương 32% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi con số này năm 2000 chỉ chưa tới 1 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam đang dần đạt kỳ tích kinh tế như trước đại dịch Covid-19 - ảnh 1
Báo cáo của HSBC ghi nhận Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ  

 

Còn đó những thách thức

Bên cạnh những thuận lợi, chuyên gia HSBC còn cảnh báo khó khăn có thể gây tác động lớn tới hoạt động thương mại và xuất khẩu của Việt Nam. Đó là sự dịch chuyển của nhu cầu tiêu dùng thế giới từ hàng hóa sang dịch vụ và những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai khi chuỗi cung ứng ở Trung Quốc gặp gián đoạn. “Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang đạt nhiều kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, cần lưu ý độ phụ thuộc rất cao vào nhập khẩu nguyên liệu của nền sản xuất của Việt Nam”, báo cáo lưu ý.

Thực tế nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%). Do đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai chắc chắn sẽ gặp khó nếu khâu vận chuyển ở Trung Quốc xảy ra tình trạng tắc nghẽn. HSBC cũng đưa ra các cảnh báo về thách thức gây cản trở hoạt động thương mại do những biến động ở Mỹ hay Trung Quốc. Cụ thể tại Mỹ, do tác động của đại dịch đã giảm nên nhu cầu tiêu dùng dần chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ, điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Báo cáo của HSBC nhận định, lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Theo HSBC, áp lực lạm phát của Việt Nam đang duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN. Lạm phát toàn phần chỉ tăng 0,2% so với tháng 4, kéo theo mức tăng so với cùng kỳ 2021 là 2,6%, vẫn nằm trong mức kỳ vọng của thị trường. Lý giải mức lạm phát này, HSBC cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là nhờ chi phí vận tải thấp, một phần do giá dầu thế giới giảm trong tháng 4, một phần do Việt Nam hạ thuế bảo vệ môi trường khi điều hành giá xăng dầu. Cùng với đó là chi phí thực phẩm giảm 0,1% so với tháng trước, giá nông sản nội địa ổn định so hơn so với các nước khác trong khu vực đang phải đối mặt với tình trạng giá thực phẩm tăng cao do thiếu hụt nguồn cung.

Tuy nhiên, một số nhóm ngành ghi nhận giá đã tăng như giáo dục, dịch vụ và bán lẻ, chi phí nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,6% so với tháng 3, cho thấy chi phí tiện ích và thuê nhà ở cao hơn khi công nhân quay trở lại các thành phố.

Trước nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7% trong năm 2022. Tuy nhiên ngân hàng này nhận định áp lực giá vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục