Việt Nam - Kazakhstan: Quan hệ song phương bước vào “thời kỳ vàng”
(PNTĐ) - Từ ngày 5-7/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Kazakhstan theo lời mời của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Đây là chặng dừng chân đầu tiên trong hành trình công du châu Âu của Tổng Bí thư, đồng thời là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới Kazakhstan trong vòng 13 năm và là lần đầu tiên Tổng Bí thư Việt Nam thăm Kazakhstan.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đang phát triển tích cực, với nhiều hoạt động ngoại giao sôi động và hiệu quả trong thời gian qua. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992, hai nước đã có nhiều bước tiến quan trọng, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Tokayev vào tháng 8/2023.

Trước đó, từ ngày 2-3/3/2025, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có chuyến thăm Kazakhstan để tiến hành Tham vấn chính trị theo lời mời của Bộ Ngoại giao Kazakhstan. Sáng 3/3, bà Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan A. Bakayev đã đồng chủ trì phiên tham vấn trong bầu không khí chân thành, cởi mở và tin cậy. Hai bên đã rà soát tình hình hợp tác song phương, đánh giá kết quả triển khai các thỏa thuận cấp cao, và thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ cũng như tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực trong quan hệ song phương, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc ở mọi cấp, nhất là cấp cao, thông qua các kênh Đảng, Nhà nước và Quốc hội nhằm củng cố tin cậy chính trị. Hai Thứ trưởng cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao sắp tới.
Trong lĩnh vực kinh tế, dù kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên gần 1 tỷ USD trong năm 2024, cả hai bên vẫn cho rằng con số này còn khiêm tốn so với tiềm năng thực sự. Hàng hóa hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại. Hai bên cam kết tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), cũng như mở rộng kết nối thông qua các tuyến vận tải đa phương thức.
Về hợp tác du lịch, hai bên đánh giá cao hiệu quả của Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông, được ký vào tháng 8/2023 và có hiệu lực từ tháng 5/2024. Nhờ các chính sách thuận lợi và đường bay thẳng, lượng khách Kazakhstan đến Việt Nam đã đạt 150.000 lượt trong năm 2024, tăng hơn gấp đôi so với 62.500 lượt năm 2023.
Hai nước cũng xác định còn nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác như khoa học - công nghệ, vận tải - logistics, giáo dục và giao lưu văn hóa. Kazakhstan hiện có 6 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn hơn 500.000 USD, trong khi Việt Nam có hai doanh nghiệp sản xuất mỳ ăn liền tại Kazakhstan. Ngoài ra, Kazakhstan cũng dành ưu tiên đặc biệt cho dự án xây dựng trung tâm logistics rộng 100–200 ha phục vụ hợp tác với Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm tháng 3/2025, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cũng đã gặp bà A. Kuspan, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng và An ninh Kazakhstan. Hai bên nhất trí đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao giữa Quốc hội hai nước, khẳng định vai trò quan trọng của nghị viện trong việc thúc đẩy hợp tác song phương.
Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam, ông Kanat Tumysh, nhận định năm 2025 đánh dấu 66 năm chuyến thăm Kazakhstan của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 33 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông ví von rằng giai đoạn đầu là "nền móng", tiếp theo là "ngọc trai", và hiện nay là "thời kỳ vàng" của quan hệ song phương Việt Nam - Kazakhstan.
Nhiều chuyến thăm cấp cao đã được tổ chức trong thời gian gần đây như chuyến thăm Kazakhstan của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (2023), GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (11/2023) và các đoàn địa phương như Khánh Hòa, Bắc Ninh, TP.HCM. Từ phía Kazakhstan có các chuyến thăm của Tổng thống Tokayev (2023), Chủ tịch Cơ quan phòng, chống tham nhũng Zhumagali Askhat (2/2024), và tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao tại Astana (3/2025).
Hai nước cũng vừa ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng như Hiệp định miễn thị thực cho công dân hai nước (có hiệu lực từ 25/5/2024) và Hiệp định chuyển giao người bị kết án (có hiệu lực năm 2024). Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật cũng đã được nâng cấp từ cấp Thứ trưởng lên Bộ trưởng, với khóa họp lần thứ 11 tổ chức vào tháng 5/2024. Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ kết nghĩa như Bắc Ninh – Đông Kazakhstan và Đà Nẵng - Aktau.
Về kết nối hàng không, số chuyến bay giữa hai nước tăng từ 2 chuyến/tuần (năm 2022) lên 4 chuyến/tuần vào giữa năm 2025, với các đường bay từ Phú Quốc, Đà Nẵng đến Almaty do Vietjet và Air Astana khai thác. Tập đoàn Sovico và đối tác Kazakhstan đã mua lại hãng Qazaq Air và xúc tiến dự án sân bay tại Turkestan và Kyzylorda.
Ngoài ra, Kazakhstan mong muốn hợp tác về điện hạt nhân khi Việt Nam khởi động lại chương trình, cũng như mở rộng thương mại nông sản với gạo ST25, trà và cà phê từ Việt Nam, đồng thời xuất khẩu táo organic, lúa mì và thịt chất lượng cao.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ có ý nghĩa biểu tượng về mặt chính trị mà còn là dấu mốc quan trọng mở ra giai đoạn mới trong hợp tác thực chất giữa hai quốc gia, khẳng định vị thế Việt Nam là đối tác tin cậy và cầu nối của Kazakhstan với khu vực Đông Nam Á và ASEAN.