Việt Nam là thành viên tích cực của Hội đồng Hòa bình thế giới

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa Bình thế giới do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Hội đồng Hòa bình thế giới phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 21-26/11/2022 tại Hà Nội và Quảng Ninh. Đây là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, hình ảnh của Việt Nam nói chung và của công tác đối ngoại nhân dân nói riêng.

Việt Nam là thành viên tích cực của Hội đồng Hòa bình thế giới - ảnh 1
Các chiến sĩ Lực lượng GGHB thực hiện nhiệm vụ diễn tập tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 trên địa bàn Bentiu (CH Nam Sudan) Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình

Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng
Hội đồng Hòa bình thế giới được thành lập tháng 4/1949, là cơ quan lãnh đạo phong trào hòa bình thế giới, tập hợp đại diện của 135 tổ chức bảo vệ hòa bình thuộc các Đảng cộng sản và Đảng cánh tả các nước. Việt Nam được coi là một trong những nước đã tham gia sáng lập Hội đồng bởi ngay từ thời điểm đó, đoàn Việt Nam đã cử 11 đại biểu tham dự Hội nghị những người bảo vệ hòa bình thế giới năm 1949, trong đó có Giáo sư Phạm Huy Thông và nhà toán học Lê Văn Thiêm.

Trong suốt hành trình hơn 70 năm tồn tại và phát triển, Hội đồng đã có những đóng góp quan trọng đối với phong trào hòa bình thế giới, thúc đẩy sự đoàn kết và ủng hộ các dân tộc đấu tranh giành và giữ gìn độc lập. Là thành viên tích cực, Việt Nam đã luôn chủ động tham gia, tổ chức nhiều hoạt động quan trọng ủng hộ cho phong trào hòa bình thế giới nói chung và các hoạt động của Hội đồng nói riêng, được Hội đồng và các thành viên đánh giá cao.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký VUFO, Trưởng ban tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới Phan Anh Sơn, Đại hội là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tri ân bạn bè quốc tế, cũng như giới thiệu về công tác đối ngoại, vai trò, sứ mệnh, nhiệm vụ của VUFO, Ủy ban Hòa bình Việt Nam và các lực lượng, cơ quan, tổ chức làm công tác đối ngoại nhân dân. Thông qua Đại hội, Việt Nam khẳng định vai trò là thành viên có trách nhiệm, tích cực của cộng đồng quốc tế. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam được tín nhiệm bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch và thành viên Ban Thư ký của Hội đồng trong nhiều nhiệm kỳ qua.

Ngoài ra, Đại hội còn nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa VUFO và Ủy ban Hòa bình Việt Nam với Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng. Từ đó, thúc đẩy tuyên truyền, quảng bá về Việt Nam và phong trào hòa bình Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của Hội đồng và các thành viên đối với các vấn đề phù hợp với lợi ích của Việt Nam như Biển Đông, nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.

Đại hội đã thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu, trong đó có gần 100 đại biểu quốc tế đến từ 49 quốc gia thuộc 60 tổ chức thành viên của Hội đồng Hòa bình Thế giới. 

Tích cực trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, an ninh
Theo báo cáo của Ủy ban Hòa bình Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2013 - 2020, Ủy ban đã chủ động bám sát tình hình trong nước và quốc tế, triển khai nhiều hoạt động đóng góp chung cho công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam nói riêng, thúc đẩy, bảo vệ hình ảnh, lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam nói chung, cũng như cho phong trào nhân dân khu vực và quốc tế. 

Một trong những hoạt động nổi bật của Ủy ban Hòa bình Việt Nam là tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng chống bom Nguyên tử và Khinh khí Nhật Bản (GENSUIKYO) thu thập chữ ký phản đối vũ khí hạt nhân. Theo đó, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã phối hợp với VUFO và các tổ chức nhân dân Việt Nam thu thập hơn 1,5 triệu chữ ký (năm 2015), gần 1 triệu chữ ký (các năm 2019-2020) trên phạm vi cả nước, đóng góp cho phong trào hòa bình thế giới trong cuộc chiến chống vũ khí hạt nhân, khẳng định được lòng tin cũng như tranh thủ sự ủng hộ từ bạn bè quốc tế. Tiếp đó là các hoạt động đồng chủ trì một số hội thảo về hòa bình và an ninh, giới thiệu về Việt Nam với bạn bè khu vực và quốc tế, thúc đẩy những vấn đề phù hợp với lợi ích của Việt Nam như vấn đề Biển Đông, chất độc da cam, an ninh nguồn nước sông Mekong, đấu tranh với các lực lượng chống phá Việt Nam trên các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.

Đặc biệt, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ) từ tháng 6/2014. Tính tới tháng 8/2022 đã có 512 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia hoạt động GGHB tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở LHQ. Các lực lượng của Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, không chỉ được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ mà còn được LHQ cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới không chỉ đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, mà còn nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, VUFO và Ủy ban Hòa bình Việt Nam nói riêng trong các phong trào hòa bình thế giới, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực của cộng đồng quốc tế.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.