Việt Nam phát triển và mở rộng các hoạt động bảo vệ biển

Chia sẻ

Trước sự mất mát của đa dạng sinh học, sự suy thoái của các hệ sinh thái, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi tổ chức, cá nhân. Trên hành trình đảo ngược đà suy thoái đó, Việt Nam không thể “đi một mình”.

Là một phần trong nỗ lực hợp tác với cộng đồng quốc tế và nghiêm túc bước vào Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái, Việt Nam đang tham gia vào các cuộc đối thoại đang diễn ra tại Công ước về Đa dạng sinh học liên quan đến việc thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành tại Geneva, Thụy Sĩ, bắt đầu từ ngày 14 -29/3 và sẽ đóng một vai trò ảnh hưởng trong việc định hình Bản cuối cùng của Khung kế hoạch sẽ được thông qua tại COP-15 ở Côn Minh, Trung Quốc vào cuối năm nay.

Chiến dịch Chiến dịch "Hãy làm sạch biển" và bảo vệ môi trường tại Móng Cái, Quảng Ninh.

Trong số 21 mục tiêu hành động được đưa vào Khung kế hoạch, thì Mục tiêu “30x30” (Mục tiêu 3) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt do tính cấp thiết và tham vọng của nó. Mục tiêu 3 nhằm giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học bằng cách thúc đẩy việc mở rộng quy mô lớn các khu bảo tồn và được bảo tồn trên thế giới nhằm bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất và biển trên toàn cầu vào năm 2030. Hơn 100 quốc gia đã cam kết thực hiện mục tiêu 30x30 này. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: "Mục tiêu 30x30 toàn cầu được nêu trong dự thảo Khung đa dạng sinh học toàn cầu là khá tham vọng và các quốc gia phải nỗ lực rất lớn để đạt được. Phát triển và mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển và các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác là giải pháp cần thiết để giải quyết vấn đề khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học trước mắt và lâu dài. Việt Nam sẽ nỗ lực cao nhất theo hướng này ”.

Việt Nam đã ủng hộ mục tiêu toàn cầu 30x30 ở cấp độ kỹ thuật tại Công ước và sẽ có những đóng góp để đạt được mục tiêu chung của toàn cầu. Việt Nam đã thực hiện một số bước quan trọng theo hướng này: Trong tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc Tăng cường hiệu lực quản lý các khu bảo tồn biển ở Việt Nam và trong tháng 01 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg, trong đó có kế hoạch mở rộng phạm vi bảo tồn vùng biển và ven biển lên gấp nhiều lần để đạt được các mục tiêu đến năm 2030 (16-27 lần so với diện tích bảo tồn biển hiện nay).

Ông Prasanna De Silva, Giám đốc Điều hành WWF Toàn cầu cho biết “WWF cam kết tiếp tục đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn là các Bộ đang giữ vai trò chủ chốt trong việc tham mưu và thực hiện các chính sách và kế hoạch về đa dạng sinh học của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi đầy thách thức và cơ hội này. Cần tập trung vào những thay đổi cần thiết cho khung chính sách và thực thi chính sách, đẩy mạnh sự tham gia của khối tư nhân và đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng cho các bên liên quan”.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục