Việt Nam quyết tâm đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 20/9, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu; dự và phát biểu Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại trước những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu. Nhấn mạnh việc ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung, đại diện các nước kêu gọi giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch, chuyển đổi xanh công bằng, cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước phát thải nhiều cần đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C. Trong đó, các nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng 0 muộn nhất vào năm 2040 và các nền kinh tế lớn mới nổi là vào năm 2050.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc giải quyết biến đổi khí hậu cần phải có cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân, với các hành động khẩn trương hơn và mạnh mẽ hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất.

Việt Nam quyết tâm đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với đại dịch

Thủ tướng đề xuất xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng 0; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, xây dựng ngành năng lượng tái tạo…

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề xuất các nước phát triển và tổ chức quốc tế cần tăng gấp đôi tài chính cho các hoạt động thích ứng vào năm 2025 và đưa Quỹ tổn thất và thiệt hại vào hoạt động tại COP28 như đã cam kết nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.

Chiều 20/9, Thủ tướng Phạm Minh chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch.

Việc triệu tập Hội nghị cấp cao lần này là sáng kiến của Việt Nam phối hợp cùng một số nước chủ chốt đưa ra và được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất trí hồi tháng 9/2022. Việc tổ chức nhằm đề ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục thiếu sót ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu trong việc chuẩn bị, phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.

Từ kinh nghiệm COVID-19, các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, điều phối ở cấp cao nhất để đảm bảo tiếp cận công bằng, kịp thời các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch. Các đại biểu cũng đề nghị xóa bỏ các hàng rào thương mại, tăng cường chuỗi cung ứng để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển thuốc và các sản phẩm y tế công cộng.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước khẩn trương hành động để đẩy nhanh việc bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân ở tất cả các quốc gia, giải quyết các rủi ro sức khỏe trong tương lai, bao gồm cả tình trạng kháng kháng sinh, thông qua cách tiếp cận "Một sức khỏe" và tăng cường đầu tư xây dựng lực lượng lao động chăm sóc sức khoẻ và y tế toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hành động để thế hệ tương lai không phải chịu thảm họa đại dịch, có cách tiếp cận và các giải pháp mang tính toàn cầu và toàn dân. Thủ tướng cho rằng hợp tác và đoàn kết quốc tế về cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, nhất là ở các nước đang phát triển.

Thủ tướng đề nghị ưu tiên tăng cường khả năng tiếp cận vaccine kịp thời và bình đẳng, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng như đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất vaccine, thuốc điều trị và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, kém phát triển.

Đồng thời Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ đưa an ninh y tế toàn cầu thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự để sớm ngăn ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh; với tinh thần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết để phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Kết thúc buổi làm việc, Hội nghị đã nhất trí thông qua bằng đồng thuận nội dung tuyên bố chính trị về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch. Trong đó quyết định sẽ tổ chức hội nghị cấp cao vào năm 2026 để đánh giá toàn diện việc triển khai tuyên bố.

Tin cùng chuyên mục

ASEAN tiếp tục là ngọn hải đăng hòa bình giữa bối cảnh đầy biến động

ASEAN tiếp tục là ngọn hải đăng hòa bình giữa bối cảnh đầy biến động

(PNTĐ) - Chiều 9/7, tiếp tục chương trình làm việc tại Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự phiên họp hẹp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 với trọng tâm là kiểm điểm, định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN và trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Brazil

Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Brazil

(PNTĐ) - Sáng 9/7, sau gần 24 giờ bay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil từ ngày 4/7 theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Tự hào Việt phục: Một hành trình văn hóa xuyên thời gian trên đất nước xứ sương mù

Tự hào Việt phục: Một hành trình văn hóa xuyên thời gian trên đất nước xứ sương mù

(PNTĐ) - Giữa nhịp sống sôi động và hiện đại của thủ đô London, Vương quốc Anh hình ảnh đoàn người Việt Nam trong những bộ Việt phục truyền thống qua các thời kỳ lịch sử – từ áo viên lĩnh, giao lĩnh, áo tấc, nhật bình , ngũ thân, áo dài, áo yếm, cho đến những thiết kế cách tân tinh tế – đã tạo nên một khoảnh khắc thực sự đẹp đẽ và xúc động.
Lào sẽ cử lực lượng tham gia diễu binh 2/9 ở Việt Nam

Lào sẽ cử lực lượng tham gia diễu binh 2/9 ở Việt Nam

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) tại Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi ăn sáng, làm việc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn và Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongsavanh Phomvihane.