Việt Nam tiếp tục tỏa sáng, truyền cảm hứng cho thế giới

Chia sẻ

"46 năm trước, đất nước Việt Nam thống nhất đã sáng ngời trong biên niên sử đấu tranh giải phóng các dân tộc trên thế giới. Từ đó đến nay, Việt Nam tiếp tục tỏa sáng và truyền cảm hứng cho thế giới".

Cộng đồng quốc tế nể phục

Hướng tới kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), “Việt Nam vượt qua đại dịch, phát triển kinh tế” là chủ đề của hội thảo do Hiệp hội Hữu nghị Canada - Việt Nam (CVFS) tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào ngày 24/4.

Trong thời điểm làn sóng thứ ba của đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại Canada - khiến Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ phải đưa Canada vào danh sách cảnh báo đi lại cấp độ 4 (cấp độ cảnh báo cao nhất của Mỹ đối với việc du lịch đến một quốc gia) - hơn 100 đại biểu tham gia hội thảo đặc biệt quan tâm đến những biện pháp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh tại nước ta.

Ông Steve Rutchinski, đại diện của CVFS nhấn mạnh: "46 năm trước, đất nước Việt Nam thống nhất đã sáng ngời trong biên niên sử đấu tranh giải phóng các dân tộc trên thế giới. Từ đó đến nay, Việt Nam tiếp tục tỏa sáng và truyền cảm hứng cho thế giới".

Vị học giả cũng khẳng định: “Việt Nam cho thấy ngay cả một nước nhỏ cũng có thể phát triển mạnh, giữ vững chủ quyền, độc lập và những giá trị quốc gia.

Chỉ với 35 trường hợp tử vong do COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch, Việt Nam được cộng đồng quốc tế nể phục. Nền kinh tế Việt Nam ngay cả trong thời kỳ đại dịch vẫn tăng 2,91%  - một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới.

Nền dân chủ của Việt Nam được thể hiện khi thu hút nhân dân cả nước tham gia đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng – vạch ra lộ trình để đưa cách mạng khoa học - công nghệ phục vụ một tương lai tươi sáng”.

Là diễn giả chính tại hội thảo, ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã chia sẻ 10 bài học kinh nghiệm phòng chống dịch ở Việt Nam – quốc gia gần 98 triệu dân, nơi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả với 2.833 ca nhiễm COVID-19 tính đến thời điểm hiện nay./.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã vô cùng ấn tượng với con số này, trong bối cảnh 7 ngày qua, Canada đã ghi nhận gần 59.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 ở quốc gia Bắc Mỹ này lên hơn 1,1 triệu.

Trong khi đó, bà Margaret Villamizar, phụ trách hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản Canada (Marxist Leninist) - CPCML, nhận định xã hội Việt Nam nổi bật với sự quan tâm dành cho người dân, đề cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong cuộc chiến với COVID-19 và vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế, là một kỳ tích.

Giới học giả Canada nhận định Chính phủ Việt Nam đã sớm “trấn áp” COVID-19 bằng các biện pháp cách ly, truy dấu tiếp xúc và các chiến dịch truyền thông xã hội để giáo dục cộng đồng.

Những tinh thần đáng quý được thể hiện trong quá khứ, đã một lần nữa được dân tộc Việt Nam thể hiện trong cuộc chiến với đại dịch COVID -19, chống đói nghèo, biến đổi khí hậu, để vươn lên hùng cường, giàu mạnh.

Kết quả chống dịch COVID-19 của Việt Nam được cộng đồng quốc tế nể phục.Kết quả chống dịch COVID-19 của Việt Nam được cộng đồng quốc tế nể phục.

Rất ít quốc gia có thể đạt thành quả như Việt Nam

Trang mạng vox.com của Mỹ ngày 23/4 đã đăng bài viết về các biện pháp hiệu quả của Việt Nam trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19 thời gian qua. Tác giả bài báo khẳng định các biện pháp được triển khai sớm và quyết liệt như đóng cửa biên giới đã giúp Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh mà vẫn duy trì phát triển kinh tế.

Khi dịch bùng phát năm 2020, biện pháp hạn chế đi lại đã nhanh chóng được áp đặt trên diện rộng ở nhiều nước. Theo một đánh giá, chưa bao giờ trong lịch sử, việc đi lại trên toàn cầu bị hạn chế "một cách mạnh tay" như vậy: giảm khoảng 65% hoạt động đi lại trong nửa đầu năm 2020.

Hơn một năm sau, khi các nước bắt đầu thử nghiệm mở cửa trở lại các đường biên giới với "hộ chiếu vaccine", các chiến dịch kích cầu du lịch cũng như một loạt các biện pháp mới nhằm ngăn chặn các biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan, một loạt các hạn chế vẫn tiếp tục được thực thi.

Nhưng rất ít quốc gia có thể đạt thành quả như Việt Nam trong thời đại dịch: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình đầu người đạt 2.700 USD. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt 2,91%, nằm ngoài mọi dự báo của các chuyên gia kinh tế và Việt Nam vượt Trung Quốc trở thành nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á trong năm ngoái.

Theo bài báo, các chuyên gia y tế toàn cầu nhận định chính các biện pháp hạn chế đi lại một cách nghiêm ngặt kết hợp với cách ly bắt buộc và truy vết tiếp xúc đã giúp Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch.

Giáo sư về y tế cộng đồng Kelley Lee, trường Đại học Simon Fraser, người nghiên cứu về tác động của các biện pháp hạn chế đi lại, nhận định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Chính phủ Việt Nam ứng phó nhanh hơn và đồng bộ trong cả nước so với các nước khác.

Các biện pháp quyết liệt của Việt Nam được thực hiện rất sớm. Ngay  từ đầu tháng 1/2020, khi Trung Quốc thông báo dịch bệnh lạ, Bộ Y tế Việt Nam đã công bố hướng dẫn tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại khu vực biên giới với Trung Quốc.

Đến cuối tháng này, lệnh cấm mọi chuyến bay đến và từ Vũ Hán và các địa phương khác có dịch bệnh tại Trung Quốc chính thức có hiệu lực, mọi tuyến giao thông vận tải với Trung Quốc cũng tạm ngừng.

Việt Nam cũng là nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á không nhập cảnh người tới từ Trung Quốc. Đến giữa tháng 3, Việt Nam đã ngừng cấp thị thực cho mọi khách nước ngoài và sau đó ngừng toàn bộ các chuyến bay thương mại.

Theo giáo sư chuyên ngành y tế công Karen Grepin, Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cách xử lý của Việt Nam là bài học về giá trị của các biện pháp kiểm soát biên giới.

Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Y học nhiệt đới và dịch tễ London, ông Mark Jit khẳng định các biện pháp hạn chế dường như phát huy tác dụng tốt nhất khi được thực thi vào lúc chúng có vẻ đang gây hậu quả quá mức, tức là trước hoặc sau khi xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng. Theo ông, các biện pháp hạn chế đi lại trên chính là giải pháp để ngăn chặn kịch bản tồi tệ xảy ra.

Chuyên gia kinh tế Sarah Bales người Mỹ, sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1992, nhận định "Việt Nam có cách tiếp cận rất khoa học và phù hợp" trong phòng dịch. Quan sát tình hình dịch bệnh ngày một nghiêm trọng tại Mỹ và châu Âu, bà Bales bày tỏ sự yên tâm khi được sống tại Việt Nam. 

Cũng như nhiều người nước ngoài khác đang sống ở Việt Nam, bà nhấn mạnh việc phải bớt đi quyền riêng tư và một phần tự do cá nhân để có được một cuộc sống tương đối thoải mái và an toàn ở Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành là hoàn toàn thỏa đáng.

P.V

Tin cùng chuyên mục

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.