Bà tôi đồng hành cùng cháu thi đại học

Chia sẻ

Lại một mùa thi đại học nữa sắp tới, nghĩ lại ngày này năm ngoái, chủ đề được quan tâm nhất trong gia đình tôi chính là việc tôi sẽ thi đại học.

Bố tôi luôn nhắc: “Thi đại học quan trọng lắm, con nhớ học hành cho tử tế”. Rồi bố hỏi: “Năm nay con định thi khối nào?”. Tôi trả lời cho bố nghe đấy nhưng bố sẽ quên ngay. Bố tôi không có khả năng nhớ được các khối khi, môn thi, trường thi. Bố bảo, việc thi đại học là của tôi, đỗ vào trường mong muốn thì tôi hưởng, mà không thì chịu. Cần học môn gì, mua tài liệu gì bố sẽ cho tiền.

Còn mẹ tôi thì chăm tôi về mặt sức khỏe. Một tuần 2 lần, mẹ hầm súp gà cho tôi ăn tẩm bổ. Rồi mẹ nhắc tôi đi ngủ đúng giờ, đưa đón tôi đi học chính, học thêm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sẽ có người không tin, người mà sát sao nhất với tôi trong việc thi cử lại là bà nội đã 87 tuổi của tôi. Khi tôi nói là muốn học ngành Tâm lý học, bố tôi lúc đầu phản đối, bảo học nghề này ra trường làm gì có việc làm. Trên đời này có mấy người thất tình, chán đời để tôi tư vấn tâm lý đâu, mà có thì chắc gì họ cũng đã đồng ý bỏ tiền ra thuê tôi. Bà tôi nghe được, hôm sau, trong bữa cơm, bà bảo với bố: “Bà tìm hiểu rồi, nghề tâm lý là một nghề hot, rất có tương lai. Các chuyên gia phân tích trên mạng internet là xã hội càng phát triển, con người càng phải làm việc căng thẳng thì sẽ càng có nhu cầu cần được quan tâm đến tâm lý.

Sức khỏe tâm thần cũng quan trọng không kém sức khỏe thể chất đâu. Vì vậy, cháu chọn học tâm lý cũng là đúng hướng đấy”. Sau đó, bà nói với tôi hiện nay có trường là đại học Sư phạm và trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang đào tạo ngành liên quan đến tâm lý. Vì vậy, nếu muốn thi ngành tâm lý, tôi nên thi vào hai trường này.

Cả nhà tôi há hốc mồm nghe bà giảng giải. Không phải là tôi không biết gì về ngành tâm lý mà tôi ngạc nhiên vì sự hiểu biết của bà. Dù đã cao tuổi, bà tôi vẫn thường vào đọc báo trên internet. Tôi chỉ nghĩ bà đọc cho vui vậy thôi, ai ngờ, bà còn biết tra cứu, giúp cháu tìm hiểu về ngành học.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế rồi, không chỉ dừng ở đó, thi thoảng, tôi lại thấy bà hỏi tôi là đã nộp hồ sơ thi đại học chưa. Bà bảo tôi là bây giờ có nhiều cách tuyển sinh lắm, tôi nhớ phải tìm hiểu kỹ kẻo mất cơ hội cho bản thân. Bà không hiểu hết về mấy phương thức xét tuyển kết hợp, nhưng cách bà nói thì tôi biết là bà cũng đã tìm thông tin các trường để nghiên cứu thông báo tuyển sinh của họ. Rồi bà còn nhắn tôi: Ngày này, giờ này, các thầy ở trường này sẽ lên internet để trao đổi về bí quyết chọn trường, chọn nghề đó cháu. Cháu chú ý lắng nghe. Thông tin bà cung cấp không mới mẻ với tôi, nhưng tôi vẫn trân trọng cảm ơn bà. Từ lúc nào, việc tôi thi đại học cũng trở thành việc của bà.

Cũng vì vậy mà nhiều khi cơn lười nổi lên, tôi lại nghĩ đến bà mà cố gắng ngồi vào bàn học. Tôi sợ mình thi trượt sẽ phụ công sức của bà. Khi tôi đỗ vào ngành Tâm lý học, bà tôi đã rất vui. Bà bảo được thấy tôi trưởng thành, bà có chết cũng mãn nguyện rồi.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.