Bài học về dạy con chuẩn bị tâm lý làm anh, chị

NGỌC VĂN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Câu chuyện các gia đình gặp phải “khủng hoảng” vì nhà có thêm em bé, bố mẹ loay hoay trong việc cân bằng giữa thời gian và tình yêu dành cho các con của mình đến nay vẫn khá phổ biến. Nhưng nếu biết cách chuẩn bị tâm lý, giúp con sẵn sàng cho việc làm anh/ chị từ sớm, chắc hẳn nỗi lo của các ông bố, bà mẹ cũng nhẹ nhàng hơn.

Để con thấy mình cũng là người quan trọng

Nhiều người khi chứng kiến sự yêu thương, chăm sóc và nhường nhịn em của bé Bảo (dù mới chỉ 4 tuổi) khi mẹ sinh em Đan đều khen cu cậu hiểu chuyện, ngoan ngoãn. Nhưng ít ai biết rằng để có được điều đó, từ trước khi sinh bé thứ hai, chị Nguyệt - mẹ của Bảo, Đan đã phải nỗ lực và nghiêm túc như thế nào trong hành trình tìm cách để Bảo không thấy mình bị bỏ rơi khi mẹ sinh em bé, cũng như không phải trải qua cảm giác tổn thương mà chính chị đã từng trải nghiệm khi còn nhỏ. 

Thời gian mang thai, hầu như ngày nào có thời gian rảnh là chị Nguyệt lại ngồi thủ thỉ với Bảo. Chị cho con xem những tấm hình con ngày bé, kể cho con chuyện ngày mới sinh con khóc nhiều như thế nào, mẹ chăm con cầu kỳ ra sao… Rồi chị khéo léo lồng ghép vào câu chuyện ý tứ rằng sau này khi sinh em Đan bố mẹ cũng sẽ chăm em giống anh Bảo ngày trước. Bảo nghe mẹ kể thì rất tự giác xoa bụng mẹ, rồi dặn em phải chịu khó ăn, nghe lời để mẹ không mệt. 

Bài học về dạy con chuẩn bị tâm lý làm anh, chị - ảnh 1
Ảnh minh họa

Có một điều chị Nguyệt rất coi trọng, đó là để Bảo tham gia, có mặt trong mọi sự kiện liên quan đến em Đan. Mỗi lần đi khám thai, chị đều dặn chồng đưa Bảo đi theo để con được đồng hành cùng em, được chứng kiến sự phát triển kỳ diệu của em trong bụng mẹ. Để Bảo cảm nhận sự tồn tại của em cũng là cách chị Nguyệt giúp con nuôi dưỡng tình yêu thương dành cho em. 

Với những công việc khác trong công tác chuẩn bị để đón em Đan như: Mua sắm quần áo, đồ dùng, chọn sữa uống… cũng luôn có sự tham gia, thậm chí là tư vấn của Bảo. Lần nào cu cậu cũng tò mò hỏi: “Ngày trước con cũng mặc quần áo bé tí như thế này ạ?”, hoặc so sánh “Chiếc áo này của em còn không vừa đầu con”… Trước khi đi sinh, vợ chồng chị thống nhất là sau khi sinh xong sẽ gọi điện báo tin cho Bảo đầu tiên, rồi đưa con vào thăm mẹ và em ngay sau khi tan học. Vì thế, Bảo chưa bao giờ thấy mình ngoài cuộc, có thể thấy rõ cậu bé háo hức chào đón em ra đời như mọi thành viên khác trong gia đình.

Khi con thứ hai lớn hơn, mọi thứ đi vào nề nếp, vợ chồng chị Nguyệt cũng không phải lo lắng nhiều trong việc cân bằng mối quan hệ giữa hai con Bảo – Đan. Dù không thể quan tâm Bảo nhiều như khi có mỗi mình con, nhưng chị luôn cố gắng thể hiện tình cảm bằng cách ôm ấp con hàng ngày, tối cho con ngủ cùng mẹ và em, nhất là không quát mắng con. 

Kể cả khi bế Đan trên tay, chị cũng lựa để chơi với Bảo trò gì đó. Đương nhiên, khi Bảo có câu hỏi nhờ mẹ giải đáp, hay câu chuyện hay muốn đọc cho mẹ, chị đều sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ, để con không thấy mình bị lãng quên khi mẹ có em. Thậm chí, thi thoảng chị còn gửi bé Đan cho ông bà chỉ để đưa Bảo đi ăn món con thích, hay cho con chơi trò chơi con mong muốn. Nếu ai đó trêu là mẹ đẻ em, Bảo sẽ ra rìa thì chị không ngại phân tích luôn để con hiểu rằng điều đó không xảy ra. Ba mẹ luôn yêu con, và bằng chứng là vừa đưa con đi ăn hôm nọ đấy; rồi khen con cũng rất yêu em chứ không hề ganh tị.

Bài học về dạy con chuẩn bị tâm lý làm anh, chị - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một lần, nghe Bảo tâm sự: “Bây giờ con lớn rồi, con làm anh nên sẽ thật ngoan, học giỏi để làm gương cho em. Mẹ phải chăm em lớn như con để sau này con đưa em đi chơi cầu trượt”, chị biết mình đã lựa chọn cách làm đúng, giúp con xác định được vị trí, tầm quan trọng của mình nên rất nghe lời bố mẹ, vừa yêu em lại biết chăm em.

Học cách lắng nghe, hiểu suy nghĩ của con

Quả thật, bây giờ các ông bố, bà mẹ đã “thông thái” hơn rất nhiều trong việc nuôi dạy con. Nhưng cũng không phải ai cũng biết cách chuẩn bị sẵn hành trang làm anh, chị cho con từ khi mẹ mới mang thai; mà phải đến khi sinh em bé, bố mẹ mới loay hoay đọc sách tìm lời giải cho bài toán làm sao để con ngoan, nghe lời và biết yêu thương em. Trong những lời giải ấy, điều quan trọng mà các chuyên gia khuyên các bố mẹ, đó là họ cần đặt mình ở vị trí của con, thấu hiểu, lắng nghe để biết con nghĩ gì, cần gì; đồng thời luôn để con thấy mình có ích.

Chẳng hạn, đôi khi có những trẻ rất thích sờ tay chân, nựng em, chơi với em nhưng bố mẹ lại luôn sợ chúng không biết cách, không kiểm soát được mà làm đau em. Đừng quát mắng, điều đó chỉ đẩy trẻ ra xa em mình. Bởi được gần gũi em là nhu cầu chính đáng, cũng là tình cảm tốt đẹp mà trẻ dành cho em chúng. Thay vì kéo con ra, bố mẹ có thể cầm tay con, nhẹ nhàng dạy con cách vuốt ve em; kể cả chúng nhỡ tay làm em đau, khóc cũng là dịp bố mẹ phân tích cho con làm như thế nào mới đúng. Nhiều lần như vậy, trẻ sẽ quen và gần gũi em hơn.

Bố mẹ cũng phải nhận thấy rằng, suy nghĩ không ai được san sẻ tình yêu của bố mẹ dành cho trẻ là bình thường, nhưng không cổ súy cho điều đó. Để tránh cho trẻ hình thành lối nghĩ, cách hành xử ích kỷ, bố mẹ hãy tạo ra sự cân bằng, bình đẳng bằng cách khi chăm đứa nhỏ thì cũng chăm đứa lớn như vậy; tuyệt đối không so sánh hai bạn với nhau. Cũng đừng hạn chế trẻ bộc lộ cảm xúc, vì có biết con nghĩ gì bố mẹ mới có cách uốn nắn dần dần.

Không quá chiều con là điều các chuyên gia luôn khuyên các bậc bố mẹ, nhưng hiểu điều con muốn, đem lại cho con cảm giác an toàn thì lại là nên làm. Trên một diễn đàn, từng có bà mẹ 35 tuổi, chia sẻ lại câu chuyện và hành trình tìm được mong muốn của con rất đáng học hỏi.

Bài học về dạy con chuẩn bị tâm lý làm anh, chị - ảnh 3
Ảnh minh họa

Trước khi sinh em bé, chị vẫn ôm con gái lớn ngủ mỗi đêm, đọc sách, hát cùng mẹ bao lâu tùy ý. Từ khi có em, bỗng dưng bé lớn nhà chị bị mất ngủ. Ban ngày, con vẫn vui vẻ, xông xáo nhưng tới giờ đi ngủ là khóc, mè nheo “con muốn bố bế”, “con muốn mẹ bế”, “con muốn mẹ đọc sách”, “con muốn ba cõng”… Nhưng sau những mong muốn ấy, con vẫn không tự ngủ được, nhiều đêm liền ngủ quên trên tay bố sau cơn khóc.

Rồi chị đọc sách, thử áp dụng nhiều cách, nào là ru hai chị em ngủ cùng lúc, rồi hai bố con chơi với nhau đến tận khuya nhưng đều không hiệu quả. Cho tới khi trong đầu xuất hiện ý nghĩ: Có lẽ con cần thời gian riêng với mẹ, để con không thấy thiếu mẹ, cũng như có cảm giác an toàn vì mẹ vẫn yêu thương mình… chị quyết định dành riêng một khung giờ mỗi buổi tối, gửi em út nhờ ông bà trông, rồi chơi với con lớn. Thi thoảng trong cuộc trò chuyện, chị lại dành cho con những lời yêu thương, những câu hỏi thăm dò, gợi mở nhu cầu, mong muốn của con. Con được giải tỏa tâm lý, thoải mái tinh thần nên giấc ngủ vì thế cũng nhẹ nhàng hơn.

Thế mới thấy, chăm sóc, nuôi dưỡng một em bé đã khó, khi nhà có thêm thành viên mới, áp lực bố mẹ phải đối mặt càng nhiều hơn. Nhưng chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn, lắng nghe, bao dung để hiểu con muốn gì; dành cho các con tình yêu thương, sự chăm sóc như nhau; để con thấy mình có vai trò, vị trí quan trọng… chắc chắn trong gia đình sẽ có nhiều hơn những niềm vui, tiếng cười.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.