Bố em làm nghề nội trợ

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong lớp, chỉ có mình bố của cu Tít là “làm nghề nội trợ” trong khi bố các bạn khác đều đi làm. Có bác còn làm chức gì đó rất là oách, lái cả xe ô tô đến trường đón con. Vì thế, cu Tít rất không thích khi bị ai đó hỏi thăm về bố.

Lúc đầu, Tít nói với các bạn: Bố làm giám đốc ở nhà ạ.

Các bạn hỏi: Vậy, bố cậu có nhân viên không? Hàng ngày, bố cậu làm những việc gì
Tít đáp: Bố mình không có nhân viên. Bố mình hàng ngày nấu cơm, lau nhà, giặt giũ quần áo.

Các bạn liền cười, vậy thì bố bạn là nội trợ rồi. 

Một bạn còn nói thêm: Mẹ mình cũng là nội trợ và mẹ mình cũng làm các công việc như bố cậu.  

Một bạn thì ngạc nhiên: Sao bố cậu lại không đi làm. Bố mình thì đi làm đến tối mới về. À chắc là do không ai tuyển bố cậu vào làm việc.

Vì câu nói đó mà Tít thấy xấu hổ. Tít về nhà hỏi mẹ, vì sao bố không đi làm. Mẹ liền ôm lấy Tít rồi giải thích: Bố hồi trước cũng đi làm ở cơ quan, nhưng sau đó bố bị tai nạn nên sức khỏe yếu. Thế nên, bố đã ở nhà giúp mẹ trông Tít để mẹ yên tâm đi làm kiếm tiền nuôi Tít. Mẹ con mình phải cảm ơn bố nhé.

Nhưng, Tít không muốn cảm ơn bố. Tít không muốn gia đình mình làm điều ngược lại với gia đình các bạn. Vì thế, lúc tan học, Tít thường bắt bố đứng ở xa cổng trường để đợi. Tít sợ bố lại khiến các bạn chú ý tới.

Bố em làm nghề nội trợ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trong các bài tập làm văn, nếu phải tả về một người thân, Tít thường kể về mẹ. Trong mắt Tít, mẹ thật là tài giỏi, cứ sáng ra là đi làm. Còn bố Tít thì thế giới chỉ quẩn quanh trong bếp. Trên người bố, Tít thấy luôn thoang thoảng mùi mắm và khói.

Cho đến cuối năm học này, lớp Tít tổ chức bế giảng. Cô giáo muốn nhờ một phụ huynh có thể giúp hỗ trợ khâu tổ chức. Tuy nhiên, bố mẹ các bạn hôm đó đều bận rộn cả nên không đến sớm được. Cuối cùng, chỉ có bố Tít là xung phong sẽ giúp chuẩn bị buổi bế giảng cho các con. Nghe bố nhận lời vậy, Tít không vui, còn thầm trách sao bố không làm chức to, luôn bận rộn như các cha mẹ khác. 

Buổi sáng đó, bố dậy đi chợ từ sớm mua về rất nhiều đồ. Hình như là bố nấu món gì để Tít và các bạn liên hoan.

Buổi trưa đến, Tít thấy bố xuất hiện trước cửa lớp, tay cầm lỉnh kỉnh một chồng hộp. Sau đó, bố bày ra mấy đĩa khoai tây rán nóng hổi, cả xúc xích và thịt nướng thơm phức… Nói chung toàn là các món trẻ con thích ăn. Cả lớp Tít hít hà hương thơm từ thức ăn bay ra, rồi đua nhau vỗ tay cảm ơn bố Tít. Một bạn quay sang nói với Tít: Bố cậu thật là giỏi, bố tớ chỉ biết nấu mì tôm úp thôi. Nếu hôm nào mẹ tớ ốm không nấu được cơm là cả nhà tớ đi ăn ở bên ngoài. Bố thậm chí còn chả biết chai nước mắm mẹ tớ để ở đâu nữa cơ.

 Có bạn thì ghen tị vì Tít ngày nào cũng được gặp bố và ăn món ăn bố nấu cho. Bạn ý kể, bố của bạn bận lắm, còn chả có thời gian hỏi thăm bạn chứ đừng nói là ngày nào cũng nấu cơm cho con ăn, chơi với con và đến lớp của con như thế này. “Ước gì tớ cũng có bố như bố cậu”-cậu bạn nói.

Đó là lần đầu tiên, Tít hơi phỉnh mũi khi nghe nói về bố và không còn muốn “tránh xa bố” nữa. Cũng nhờ có bố mà cả lớp Tít có một bữa ăn trưa thật ngon lành. Sau đó, bố còn nhận chụp ảnh cho lớp. Bố Tít thích chụp ảnh, ở nhà Tít còn có cả một chiếc máy ảnh to đùng. Tuy nhiên, bình thường, vì bố chỉ ở nhà nên ít dùng đến máy ảnh. Thi thoảng, Tít thấy bố mang máy ảnh ra ngồi bên cửa sổ để hí húi lau chùi. 

Với chiếc máy ảnh và tài chụp ảnh, bố lại làm cả lớp ngạc nhiên qua một bộ ảnh đẹp tuyệt vời. Lúc ra về, cô giáo và các cha mẹ khác đã chạy ra bắt tay và cảm ơn bố Tít rối rít. Mọi người gọi vui ông bố Tít là “ông bố nhân dân”.

Hôm đó, Tít cùng bố ra về. Cảm giác chán vì bố chỉ làm nghề nội trợ đã không còn. Tít đã khám phá ra nhiều điều tuyệt vời của bố. 

Tít hỏi bố: Bố ơi, bố có buồn không khi suốt ngày chỉ ở nhà?

Bố cười xoa đầu Tít: Với bố, công việc làm bố vẫn là quan trọng nhất. Và bố thấy, chỉ cần con và mẹ được vui vẻ, gia đình mình được hạnh phúc thì nghĩa là bố vẫn đang làm điều có ích phải không nào.

Tít siết chặt tay bố, gật đầu: Con cảm ơn vì bố đã làm nghề nội trợ.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.