Cảm ơn con rể!

Chia sẻ

Tết năm nay, ông Hoàn thấy là cái Tết vui nhất cuộc đời. Không chỉ bình an, mạnh khỏe đi qua một năm căng thẳng của đại dịch mà hạnh phúc hơn cả, là vợ chồng 3 cô con gái của ông đều được “ưu ái” ăn Tết ngoại. Chỉ mấy ngày Tết thôi, mà rộn rã tiếng cười.

Ông Hoàn không chỉ vui mà còn thật sự đã thay đổi. Chỉ tầm dăm năm trước, thái độ của ông khác hẳn bây giờ.

Vợ chồng ông sinh được ba cô con gái, nên người con cả trong họ như ông Hoàn đâm ra rất chán đời. Kể cả khi ba “vịt giời” – theo cách gọi mỉa mai của ông - học hành giỏi giang, công việc ổn định, chẳng cần đến một đồng tiền nào của bố mẹ để xin việc, thì ông cũng vẫn không thay đổi quan điểm “có một thằng con trai là có, còn có mười đứa con gái cũng bằng không”. Xem chương trình hài kịch, thấy diễn viên trêu ghẹo nhau: “Nhà cao cửa rộng con rể ở/ Tiền gửi ngân hàng cháu ngoại tiêu” mà ông sôi máu, suýt đập cái ti-vi vì nghĩ nó đang “kháy” mình.

Thương là con gái lớn. Khi bố bắt đầu chán nản, bớt yêu thương ba chị em, Thương đã ở cái tuổi hiểu được chuyện, nên những mâu thuẫn trong nhà chỉ vì mẹ đẻ 3 con gái. Thương biết hết. Cô bé Thương khi ấy chưa biết cách làm dịu nỗi đau mẹ phải chịu đựng, chỉ biết đứng ra chăm em, cố gắng vừa đi học, vừa làm hết việc trong nhà để mẹ bớt khổ. Nhưng như cái dằm, ba đứa con gái ngoan ngoãn vẫn không thể làm ông Hoàn thấy thoải mái được. Cái ông thích là một thằng cu nghịch ngợm, thậm chí dù nó phá làng phá xóm ông vẫn thấy hãnh diện hơn một lũ vịt giời nuôi mãi rồi chỉ biết lớn là bay đi.

Thương cũng là cô bé nhận nhiều thiệt thòi nhất vì vừa là chị cả, vừa lớn lên trong lúc nhà còn nhiều cái thiếu. Khi báo tin lấy chồng, mà còn lấy chồng xa, ông Hoàn cười khẩy: “Đúng là ăn hại. Mày lấy chồng gần thì bố mẹ mày còn đỡ được tiền xăng xe, nhà có thêm thằng rể chạy qua chạy lại đỡ đần bao việc. Giờ một phát mày lấy chồng xa tít tắp cả vài trăm cây số, coi như có còn cần bố cần mẹ nữa đâu. Đúng là con gái, chả nhờ vả được cái tích sự gì!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tư tưởng cổ hủ, xem thường con gái, nên ông Hoàn cũng chẳng nể nang, tôn trọng gì chàng rể. Khi anh đến nhà chào bố mẹ vợ tương lai, ông Hoàn chỉ hỏi mấy câu trọng tâm như: Anh làm nghề gì, có nhà, có xe chưa, lương tháng bao nhiêu, bố mẹ có làm chức tước gì to không… Cảnh - chồng Thương nhã nhặn trả lời từng câu của bố vợ. Khi biết anh cũng là công chức bình thường như Thương, gia đình cơ bản, ông Hoàn gãi đầu, gãi tai kiểu chẳng có gì hay ho, xem ra không nhờ vả gì được nay mai rồi. Vợ ông biết tính chồng, khi Cảnh ra về, bà càu nhàu: “Ông làm vậy nó phật ý, rồi không thương con gái mình thì sao?”. Ông Hoàn khoát tay: “Kệ, đấy là lựa chọn của nó, thì nó đi mà chịu, tôi chẳng liên quan gì”.

Đám cưới vì thế mà làng nhàng, xộc xệch. Thương lên xe hoa, nén lại những tủi thân, nước mắt phía sau làn trang điểm đậm. Người ta bảo cha đưa mẹ đón, nhưng ông Hoàn cũng không đi theo con gái về nhà trai. Chỉ có mẹ Thương cố chạy theo xe dâu mà hai hàng nước mắt lăn dài. Người phụ nữ chỉ biết sống trong thứ ăn năn vì không đẻ được con trai, giờ nỗi ăn năn ấy như dâng lên gấp bội trong lòng bà. Cả đời chẳng đi đâu xa, bà nghẹn ngào không biết ở nơi xa kia, nơi con gái bà về tập tành làm dâu, làm mẹ, liệu người đàn ông mà cô chọn, rồi có giống chồng bà hay không?

Một tuần sau, vợ chồng Thương về lại mặt. Mẹ cô ào ra đón, sờ nắn hết tay chân con gái vì nhớ quá. Cảnh mang theo biết bao là quà về biếu bố mẹ vợ và các em. Ông Hoàn vẫn cứ hời hợt, uống rượu với con rể cũng chỉ làm một chén cho có. Nhưng bù lại, Cảnh rất nhiệt tình. Anh lăng xăng xuống bếp giúp mẹ, giúp vợ, rồi hầu chuyện bố vợ, dù ông Hoàn chỉ đáp nhát gừng. Thấy điện nước nhà bếp hỏng, anh hì hục cả buổi chiều để sửa, khiến mẹ vợ rất sung sướng. Bà bảo, cả năm rồi nó tù mù, ọc ạch. “Bảo bố anh thì bố anh cứ lần lữa, thành ra mẹ cũng cứ tạm bợ như thế. Giờ sáng sủa hẳn, thích quá!”. Thấy mẹ vợ, con rể thân thiết, ông Hoàn cứ cảm giác mình bị xem thường. Ông đi ra đi vào, hắng giọng, nhưng lúc con rể đáp lời, thì ông lại phớt lờ đi.

Mới đó mà Thương lấy chồng đã gần 3 năm. Nhưng vẫn chưa có “động tĩnh” gì. Mẹ cô sốt ruột hỏi thăm, rồi tìm thầy bốc thuốc những mong vợ chồng con gái sớm có con. Nhưng bao nhiêu cách cũng chịu. Ông Hoàn cười nhạt: “Đàn bà mà lại tịt!” khiến vợ ông bất bình: “Ông có trái tim không vậy? Nó là con gái ông đấy!”, “Thì cũng chỉ là con gái, chả được tích sự gì!”. Vợ ông đau thắt lại, không tưởng tượng được chồng mình ngày càng cổ hủ đến vậy.

Thế là đã tròn 5 năm ngày cưới, Thương vẫn vậy, chưa thể có thai. Vợ chồng theo nhau đi khám, bác sỹ bảo khả năng cao là vô sinh rồi. Tốn kém nhiều tiền của, sức khỏe cũng giảm sút đi nhiều. Rồi Cảnh bảo vợ, thôi mình xin con nuôi. “Anh sẽ vẫn thương em, thương cả con”. Hai vợ chồng xin một bé trai tại bệnh viện tỉnh.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Hoàn không chấp nhận nó là cháu nội. Ông chê bai Cảnh không đáng mặt đàn ông, phải đi xin con nuôi, nhưng còn bày đặt xin con trai để cạnh khóe ông. “Lão ấy lẩm cẩm rồi”, mẹ vợ xoa dịu Cảnh.

Rồi cũng không biết vì cứ hằn học cuộc đời mãi hay sao mà ông Hoàn đổ bệnh bất ngờ. Ông yếu đi nhiều, việc nhà cửa, chăm sóc gần như phải có vợ phục vụ. Giờ đi lại cũng khó, chứ chưa nói gì đến việc khát khao có con trai nữa. Vợ chồng Thương đi về thường xuyên để thăm bố, có lần còn mang theo cả con trai nuôi. Không hiểu sao nó rất quấn ông Hoàn, cứ lẽo đẽo theo ông, ông làm gì nó cũng bắt chước. Ông Hoàn vẫn chưa chấp nhận nó, nhưng đôi lúc ông thấy mình như đã yếu lòng, cũng bế nó, vuốt ve, cho bánh, cho kẹo, rồi còn cho nó ngủ cùng nữa. Cảnh vẫn tận tâm với nhà vợ. Từ ngày bố vợ ốm, năm nào hai vợ chồng cũng về ngoại ăn Tết tới hết mùng 3 mới khăn gói về nội.

Hai cô út cũng lần lượt “lên đường” lấy chồng chỉ trong một năm. Thương và mẹ chóng mặt lo đám cưới cho hai em. Mẹ cô khóc thầm, giờ mới thấm cảm giác có con gái đi lấy chồng xa. “Trước còn có đứa ở nhà, giờ đi hết thế này, mẹ thấy trống vắng quá!”.

Vậy mà gần Tết, hai nàng út đã ríu rít gọi về cho mẹ, rằng Tết này sẽ ăn Tết ở nhà mình. Người mẹ rưng rưng tưởng như đang bị đùa. Hai cô bảo: “Là nhờ anh Cảnh chị Thương đó mẹ. Anh Cảnh gọi điện, xin phép bố mẹ chồng cho chúng con về ăn Tết với bố mẹ. Cả nhà chồng đều đồng ý hết rồi!”.

Ông Hoàn ngồi cạnh vợ nghe được hết. Cảnh nhà lặng lẽ chiều cuối đông như rực sáng, ấm áp lên ngỡ đã xuân về. Ông bỗng nhớ thằng bé con nhà Thương - Cảnh quá. Ông buột miệng hỏi vợ: “Thế vợ chồng cái Thương có về nữa không?”

- Có, nhà nó là đương nhiên rồi! - vợ ông cười tươi hết cỡ.

27 Tết, ba gia đình trẻ của ba “vịt giời” năm nào lần lượt kéo nhau về, rộn ràng hết cả ngôi nhà nhỏ. Ông Hoàn diện bộ quần áo đẹp nhất của mình ra đón các con. Thấy thằng cháu mà ông còn chưa sẵn sàng chấp nhận, chạy băng băng về phía mình, mà mắt ông nhòe lệ. Lần đầu tiên ông có cảm giác ấy, cảm giác của một người cha, người ông đang hạnh phúc đón các con trở về.

Tết năm nay, ông Hoàn thấy là cái Tết vui nhất cuộc đời. Giây phút thế gian chuyển mình sang năm mới, ông nắm chặt tay con rể cả, gửi anh một lời cảm ơn. Có lẽ, không chỉ là để cảm ơn anh đã luôn yêu thương con gái mình, mà còn là lời cảm ơn của một người đàn ông – dành cho một người đàn ông đã giúp mình tỉnh ngộ.

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.