Căn cứ và thủ tục thay đổi quyền nuôi con

Luật sư Trần Thu Thủy
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Câu hỏi: 
Tôi và vợ tôi đã ly hôn được 3 năm. Chúng tôi thỏa thuận vợ tôi nuôi con vì cho rằng cô ấy là phụ nữ sẽ chăm con tốt hơn. Nhưng 3 năm qua kể từ khi chúng tôi ly hôn, con ở với cô ấy không được chăm sóc đầy đủ, cô ấy để cho con tự đạp xe đến trường trong khi giao thông thì đông đúc, rất không an toàn cho một đứa trẻ mới được 9-10 tuổi; Khi con ốm đau cô ấy không chủ động chạy chữa, mà tôi và gia đình nội luôn phải tìm cách đón và chữa chạy cho cháu. Vợ cũ còn nhiều lần cản trở không cho tôi đón con. Đã có lần công an triệu tập hai bên về việc to tiếng vợ cũ cản trở việc tôi thăm con.
Xin hỏi báo PNTĐ, tôi thấy mình có đủ điều kiện và phương pháp nuôi con tốt hơn vợ cũ, vậy tôi phải làm như thế nào để có thể thay đổi được quyền nuôi con từ mẹ của cháu?

Nguyễn Thanh Phương (Hoàng Mai)

Trả lời:
Vì các lý do khác nhau, nhiều cặp vợ chồng không thể sống chung vì không hòa hợp, cũng có những người muốn níu kéo hôn nhân nhưng nửa kia không muốn, cũng đành bất đắc dĩ phải ly hôn. Hệ lụy đầu tiên và nặng nề nhất là những đứa con. Khi chia tay, nếu bố mẹ không đối xử văn minh với nhau thì người tổn thương nhất lại vẫn là những người con chung. Nếu không thực sự nghĩ cho đứa trẻ có một môi trường sống tốt đẹp hơn trong hoàn cảnh bố mẹ chia tay, mà chỉ muốn giành con để chứng minh sự “chiến thắng”, thì khi đó, một trong hai bên sẽ thỏa mãn và hài lòng với “chiến thắng” của mình, còn người bị tổn thương vẫn là đứa trẻ.

Theo Luật Hôn nhân và gia đình, việc giao con cho ai nuôi khi con tử đủ 7 tuổi thì phải hỏi ý kiến của con; Ngoài ra bên nào có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn, điều kiện sống tốt hơn cũng là yếu tố để tòa xem xét trên tinh thần vì tương lai tốt nhất cho sự phát triển của đứa trẻ.

Quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực ngày 01/01/2015 về quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn: “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Chiếu theo quy định của pháp luật thì bạn có quyền thăm nom cũng như chăm sóc con chung mà vợ cũ không có quyền ngăn cấm.

Bạn có thể tham khảo Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình để có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu có đủ điều kiện.

“Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ”.

 Nếu bạn thấy rằng vợ cũ không có đủ điều kiện và khả năng nuôi con tốt thì bạn có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án thay đổi quyền nuôi con. Nhưng bạn cũng nên nhớ rằng bạn phải có căn cứ đối với yêu cầu khởi kiện của bạn, nếu không đủ căn cứ thì yêu cầu của bạn sẽ không được tòa án chấp nhận.

Sau khi bạn nộp đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì sẽ được Tòa án cấp có thẩm quyền thụ lý vụ án. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công thụ lý sẽ lập hồ sơ vụ án, xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác, xác định tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng; làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án, xác minh thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, thẩm phán ra một trong các quyết định như: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hoặc đưa vụ án ra xét xử. 

Nếu như tất cả những nội dung bạn nêu trong đơn chỉ là “cho rằng” vợ cũ không chăm con tốt, không có đủ căn cứ cho yêu cầu khởi kiện của bạn thì khi xét xử vụ án, tòa án sẽ bác yêu cầu khởi kiện của bạn. Vậy nên bạn nên cân nhắc kỹ cho quyết định trên của bạn. Khi đứa trẻ đã quen môi trường mới, cuộc sống đã ổn định, mọi sự thay đổi và nhất là chứng kiến sự tranh giành quyền nuôi con của bố mẹ sẽ khiến đứa trẻ bị tổn thương, sang chấn tâm lý và ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc học hành. Nếu có thể thì bạn cùng ngồi bàn bạc với vợ cũ, vì tương lai phát triển của đứa trẻ thì ai nuôi con sẽ tốt cho con hơn, tránh những tổn hại tinh thần và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.