Cảnh báo ngộ độc paracetamon khi tự chữa Covid-19 tại nhà

Chia sẻ

Cùng với sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh, trên mạng xã hội đã xuất hiện các hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa bệnh Covid-19 tại nhà. Đáng chú ý, trong một hướng dẫn, liều paracetamol khuyên sử dụng là liều tối đa, rất dễ có nguy cơ quá liều và gây ngộ độc.

Ngộ độc paracetamol thường gặp nhưng âm thầm, dễ bỏ sót

Paracetamol là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Ở Việt Nam, ngộ độc cấp paracetamol (do chủ động uống quá liều tự tử hoặc lạm dụng thuốc, dùng sai dẫn tới quá liều khi giảm đau, hạ sốt tại nhà mà không biết) đã trở thành nguyên nhân ngộ độc thường gặp. Do các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.

Trong đó, lạm dụng thuốc, dùng sai hoặc nhầm lẫn là nguyên nhân thường gặp dẫn tới ngộ độc. Do paracetamol là thuốc thuộc diện không phải kê theo đơn, người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để chữa các biểu hiện đau, sốt do các nguyên nhân thông thường hoặc xử trí ban đầu trước khi tới bệnh viện.

Mặc dù trên thị trường mỗi nước có thể có tới hàng trăm biệt dược với tên gọi khác nhau chứa thành phần chính là paracetamol, nhưng về bản chất tất cả các sản phẩm trên có thành phần tương tự nhau, người dân rất dễ dùng cùng lúc hoặc liên tiếp nhiều sản phẩm do bệnh không đỡ, kéo dài hoặc muốn dùng nhiều thuốc để có tác dụng mạnh, dẫn tới tổng liều paracetamol hàng ngày vượt quá quy định, dẫn tới quá liều và ngộ độc lúc nào không biết. Đồng thời, người bệnh cũng dễ bị quá liều và ngộ độc các thành phần khác kèm theo trong thuốc.

Yếu tố nguy cơ khác thường gặp khiến người dùng paracetamol dễ bị ngộ độc

Người có thể trạng gầy yếu, suy nhược, ăn kém, sốt cao hoặc nhiễm trùng nặng kéo dài, cơ thể có các tình trạng bệnh tiêu hao nhiều năng lượng (như sau mổ) dẫn tới cơ thể cạn kiệt các chất có ích giúp ngăn cản độc tính của paracetamol ở liều điều trị, người thường xuyên uống nhiều rượu bia đặc biệt dễ bị ngộ độc paracetamol, những người đang dùng các thuốc chữa bệnh khác có thể làm tăng độc tính của paracetamol như một số thuốc chữa bệnh lao, chữa động kinh. Với những người này nên dùng paracetamol liều thấp nhất có thể.

Bệnh nhân đang dùng thuốc chữa động kinh, khi dùng thêm paracetamol liều 2 gam/ngày đã dẫn tới viêm gan. Ảnh: BVCCBệnh nhân đang dùng thuốc chữa động kinh, khi dùng thêm paracetamol liều 2 gam/ngày đã dẫn tới viêm gan. Ảnh: BVCC

Biểu hiện ngộ độc

Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi. Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi bệnh nhân đã vàng da, chán ăn… tức là đã muộn. Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn. Ngoài ra, khi lạm dụng paracetamon bị quá liều và ngộ độc các thành phần khác kèm theo.

Làm sao để sử dụng paracetamol an toàn khi giảm đau, hạ sốt?

Trước tiên, chúng ta cần biết liều paracetamol tối đa với người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ nêu trên là không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành và trẻ em 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không quá 6 lần/24 giờ. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố và hoàn cảnh nguy cơ nêu trên thì lại gây ngộ độc. Trên thực tế các bác sĩ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1-1,5 gam paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2-3 viên loại hàm lượng 500mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể.

Để sử dụng paracetamol an toàn, với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2 - 3 viên paracetamol loại 500mg. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn. Luôn luôn chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gày yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn). Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước… Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

TS.BS. NGUYỄN TRUNG NGUYÊN
Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.