Chảy máu mũi và những điều cần biết

ThS.BS Nguyễn Thị Hảo - Khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Bạch Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ướ́c tính khoảng 60% dân số có ít nhất một lần chảy máu mũi trong đời, đặc biệt thường xảy ra ở trẻ em 2-10 tuổi và người già từ 50-80 tuổi. Chảy máu mũi không phải bệnh, mà là biểu hiện của nhiều rối loạn khác nhau.

Chảy máu mũi là gì?

Mũi đảm nhận nhiều chức năng sinh lý rất quan trọng như hô hấp (làm ấm, làm ẩm và làm sạch không khí trước khi hít vào phổi), bảo vệ, ngửi và phát âm, vì vậy được cấp máu rất dồi dào từ cả hệ thống động mạch cảnh trong và động mạch cảnh ngoài.
Chảy máu mũi là tình trạng máu chảy ra từ hốc mũi và các xoang cạnh mũi. Đây là một trong những tình trạng cấp cứu về Tai Mũi Họng hay gặp nhất và chiếm tỷ lệ 1/200 lượt khám cấp cứu. 

Chảy máu mũi và những điều cần biết - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây chảy máu mũi

Có thể do nguyên nhân tại chỗ như: Viêm mũi cấp, viêm mũi xoang cấp, viêm loét ở mũi; hoặc do có khối u lành tính (u máu, polyp chảy máu, u xơ mạch vòm mũi họng), u ác tính (ung thư mũi, ung thư sàng hàm, ung thư vòm mũi họng); rách niêm mạc mũi do ngoáy, gãy xương chính mũi, chấn thương tầng trên, tầng giữa sọ mặt; do dị vật mũi; do phẫu thuật nội soi mũi xoang, phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn, chỉnh hình cuốn, các phẫu thuật hàm mặt …

Chảy máu mũi cũng có thể do mắc các bệnh về máu (bệnh bạch cầu cấp, mạn tính, bệnh giảm tiểu cầu, bệnh ưa chảy máu, suy tủy, rối loạn các yếu tố đông máu); bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu; bị thương hàn, sốt xuất huyết, suy gan, suy thận mạn tính…

Yếu tố môi trường, chẳng hạn không khí khô, lạnh cũng là nguyên nhân gây chảy máu mũi. Ngoài ra, một số loại thuốc có thể gây tăng nguy cơ chảy máu mũi như thuốc chống đông (warfarin, thuốc ức chế kết tập tiểu cầu, aspirin và ibuprofen). Sử dụng nhiều nhân sâm và vitamin E làm kéo dài thời gian đông máu cũng tăng nguy cơ chảy máu mũi.

Trong nhiều trường hợp, không thể xác định được nguyên nhân gây chảy máu mũi, còn gọi là chảy máu mũi vô căn (chiếm khoảng 70%).

Triệu chứng của chảy máu mũi

Triệu chứng của chảy máu mũi rất dễ nhận biết, người bệnh thấy máu chảy ra từ cửa mũi trước hoặc khạc ra máu. Chảy máu mũi thường được phân loại theo mức độ và vị trí, gồm: Chảy máu mũi nhẹ, chảy máu mũi vừa, chảy máu mũi nặng; chảy máu mũi trước, chảy máu mũi sau.

Chảy máu mũi và những điều cần biết - ảnh 2
Ảnh minh họa

Người bệnh cần làm gì khi chảy máu mũi?

Để sơ cứu người chảy máu mũi, trước tiên cần để người bệnh ngồi và cúi ra phía trước (nếu toàn trạng cho phép) nhằm hạn chế máu chảy xuống họng và bệnh nhân nuốt vào dạ dày. Xì nhẹ mũi vào khăn hoặc giấy ăn để đẩy cục máu đông trong mũi (nếu có) ra ngoài.

Tiếp theo, dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi, ngay cả khi chảy máu mũi chỉ ở một bên khoảng 10-15 phút, trong lúc đó thở đều qua miệng. Sau khi bỏ tay ra, nếu còn chảy máu thì lặp lại các bước trên trong khoảng 15 phút.

Nếu chảy máu mũi nhiều, kéo dài, gây khó thở, nôn do nuốt một lượng lớn máu, do chấn thương nghiêm trọng, cần đến khám cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi điện báo cấp cứu tại nhà. Bác sĩ sẽ ngay lập tức đánh giá tình trạng đường thở, hô hấp và tuần hoàn nhằm mục đích kiểm soát và bảo vệ đường thở (đặt nội khí quản, mở khí quản nếu cần), hỗ trợ hô hấp và ổn định huyết động (truyền dịch, vận mạch…).

Chảy máu mũi là triệu chứng của nhiều rối loạn khác nhau, vì vậy khi người bệnh chảy máu mũi cần đi khám cấp cứu chuyên khoa Tai Mũi Họng để cầm máu, tìm nguyên nhân và điều trị triệt để, tránh những biến chứng có thể nguy hiểm cho người bệnh.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên hạn chế ngoáy mũi, trẻ em cần được cắt ngắn móng tay, tránh gây tổn thương mũi; không uống nhiều rượu và hút thuốc lá, thuốc lào; khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh nội khoa như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, các bệnh lý gan, thận mạn tính… là yếu tố nguy cơ dẫn đến chảy máu mũi.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.