Chồng trẻ buồn tủi vì chứng “bất lực”

Chia sẻ

Trục trặc trong “chuyện ấy” là nỗi khổ mà không ít ông chồng trẻ mắc phải khi mới bước vào đời sống hôn nhân. Gặp những chứng bệnh “khó nói” này họ thường có tâm lý xấu hổ, giấu bệnh, nên phải vượt qua nhiều trở ngại mới chịu tìm gặp bác sĩ.

“Cái khổ nhất” của người đàn ông

Người chồng trẻ sinh năm 1993, trông dáng khoẻ mạnh, điển trai, cao gần một mét tám, tìm gặp bác sĩ nam khoa kể anh là con trai một, mới lập gia đình, nhưng sự “bất lực” của “thằng nhỏ” ngay trong đêm động phòng đã khiến anh mất ăn, mất ngủ. Vợ trẻ có nhu cầu mà anh không thể đáp ứng khiến anh rất buồn tủi, lẫn xấu hổ. Vợ anh tuy thất vọng thật sự, nhưng vẫn ra vẻ vui vẻ an ủi chồng, nói rằng chắc do anh rượu bia nhiều quá. Anh thì ân hận đã không khám chữa bệnh nam khoa trước khi lấy vợ, để mang tiếng lừa “con nhà người ta”.

Mấy tháng sau ngày cưới, quan hệ vợ chồng của họ vẫn không hề cải thiện. Anh bộc bạch, vợ anh đã tỏ ra mệt mỏi và chán chường. Nhiều lần cô gặng hỏi chồng: “Hay anh dính vào “hàng trắng” thì nói thẳng cho em biết đi”. Bị vợ nghi ngờ dùng hê-rô-in anh cảm thấy đau lòng. Mẹ anh thi thoảng lại hỏi con dâu: “Đã có gì chưa hả con?”. Mỗi bữa ăn, anh thấy rõ mẹ mình chăm sóc cô con dâu hơn cả con đẻ. Miếng ngon, bà luôn tự gắp vào bát nàng dâu. Bà cố để ý xem cô con dâu đã ốm nghén chưa. Bà đang mong từng ngày có cháu bế bồng. Mỗi khi như vậy, chàng trai lại cảm thấy chạnh lòng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh không thể nói nỗi lòng mình với người mẹ đang mong chờ có đứa cháu nội. Cuối cùng anh lẳng lặng đi khám để mong cứu vãn được tình hình. Anh tự hiểu, một khi “thằng nhỏ” không chịu “dậy”, thì vợ chồng anh không thể có đời sống êm ấm được. Không gieo được “giống” thì điều mẹ anh mong muốn còn xa vời. “Nhiều khi cháu nghĩ, nếu đánh đổi mọi thứ để có “cái đấy” khoẻ mạnh cháu sẵn sàng. “Liệt” như cháu, có thể coi cái khổ này là cái khổ nhất của người đàn ông”- chàng trai nói với bác sĩ.

Cũng buồn không kém người chồng trẻ trên, là trường hợp người đàn ông ba mươi hai tuổi, nhân viên vi tính của một hiệu ảnh lớn giữa trung tâm Hà Nội. Anh lấy vợ hơn hai tháng nay, nhưng “thằng nhỏ” không tài nào “ngẩng” lên được. Được bạn bè mách nước, anh mua đủ các món ăn giúp cường dương bồi bổ, kể cả dùng bài thuốc Đông, Nam dược, nhưng vẫn không có “động tĩnh” gì. Cô vợ trẻ của anh sau mấy tháng lấy chồng mà vẫn chưa được hưởng hạnh phúc làm vợ đã trở nên lạnh lùng. Có ngày gần như cô chẳng nói với anh một lời, cô nghĩ mình đã bị lừa thậm chí nghi chồng đồng tính. Người đàn ông cũng đau khổ không kém, anh cuống cuồng vào mạng, hỏi người quen để lần ra các địa chỉ chữa bệnh nam khoa.

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng - chuyên khoa Nam học, bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, hai người đàn ông này bị rối loạn cương dương và đã cho điều trị bằng dùng thuốc uống. Sau một tuần uống thuốc, “thằng nhỏ” của người đàn ông đã biết nghe lời, nó “tỉnh dậy” rất lâu. Nhưng khổ nỗi, người đàn ông vẫn không thể quan hệ vợ chồng được, dù đã rất cố gắng. Bác sĩ Hưng đặt giả thiết, có thể do anh chàng này chưa “bóc tem” được cô vợ, nên mới “thất trận”.
Bác sĩ khuyên anh nên đưa người vợ cùng đi khám, thì đúng như dự đoán, màng trinh của cô vợ quá dày. Sau một thời gian tiến hành phẫu thuật “nới” màng trinh rộng ra, người đàn ông tiếp tục dùng thuốc nên chuyện quan hệ vợ chồng của họ tiến triển tốt.

Để không dang dở “nhiệm vụ”

Nỗi hoang mang và xấu hổ vì “sự đau yếu” của “biểu tượng nam tính”, theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, đã khiến tâm lý của một số đàn ông trở nên rối loạn… Có nam giới mới tuổi “băm” thôi, nhưng có khi cả tháng mất hẳn ham muốn, đòi hỏi về tình dục, nên “thằng nhỏ” thường xuyên trong tình trạng mềm xỉu, không thể “giúp” gì được cho người vợ. Có anh chàng khoẻ mạnh, trong người thật sự có ham muốn quan hệ, nhưng khi “vào trận” dẫu đã dùng đủ mọi cách, vẫn trong tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Có người thì “thằng nhỏ” thường “vô kỷ luật”, lúc cần nhập cuộc, thì nó nhất quyết không chịu “tỉnh dậy”. Có trường hợp đang “vào trận”, thì không rõ vì lý do gì làm “thằng nhỏ” cụt hứng, khiến nó “ngủ đông”, vậy là đành dang dở… Đó, là những “hoàn cảnh” thường gặp nhất, với những nam giới mắc chứng rối loạn cương dương.

Chồng trẻ buồn tủi vì chứng “bất lực” - ảnh 2

Căn bệnh “trên bảo dưới không nghe”, theo bác sĩ Hưng, đó có thể là do giảm lượng nội tiết tố testosterone trong máu. Đây là một loại tiết tố gây kích dục nam, khi giảm tới quá mức bình thường sẽ sinh ra hàng loạt các rối loạn bệnh lý, mà đầu tiên là những rối loạn tình dục, khiến sự ham muốn, đòi hỏi giảm dần, có khi mất hẳn. Giảm sự ham muốn trong đời sống vợ chồng, còn do nhiều yếu tố khác, đó có thể là do sự bất đồng quan điểm giữa hai vợ chồng về nhiều vấn đề, cuộc sống bộn bề, hối hả, mải lo làm ăn, chế độ dinh dưỡng thừa thãi, béo phì, chế độ sinh hoạt lười vận động, ngồi nhiều… Cường độ lao động trí óc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, nó là tác nhân gây suy giảm ham muốn tình dục của giới mày râu. “Liên quan đến nghề nghiệp, những người làm việc lao động trí óc, kỹ sư, bác sĩ thì tỷ lệ mắc rối loạn cương dương cao hơn những người là nông dân, công nhân”- bác sĩ Hưng nói. Bên cạnh đó, do những thói quen xấu, như nghiện rượu, thuốc lá, ma tuý… vì các chất Nicotin và Ethylic gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và ngoại vi. Với những đàn ông trên năm mươi tuổi trở lên, sức khoẻ dần kém đi, thì vấn đề sinh lý cũng yếu đi.

Gây rối loạn cương dương, một nguyên nhân nữa là do tâm lý. Có ông chồng “yếu” là do một chấn động tâm lý quá mạnh nào đó, ví như nhà chật chội sợ con cái nghe tiếng động đành phải dừng lại… Có đàn ông sau vài lần “thất trận”, thường có tâm lý lo âu, dần dần mất hẳn sự tự tin trong đời sống tình dục. Điều này dẫn đến một số nam giới thường lảng tránh, quanh co, nói dối vợ đủ lý do để không chung chăn gối. Bi kịch gia đình có thể xảy ra từ đây, khi người vợ không được đáp ứng những ham muốn tình dục. Không ít trường hợp vợ chồng đang yên ấm, trở nên “sứt mẻ”, chỉ vì “thằng nhỏ” của chồng luôn bị “xìu” giữa lúc đang “quyết liệt”. Nếu bị rơi vào “cảnh ngộ” này, có người dẫu văn hay, đàn giỏi, kiếm ra nhiều tiền, cũng khó lòng “cứu” được mái ấm gia đình. Có người chồng bất lực, thương vợ, để giải thoát cho người mình yêu thương đã ngậm ngùi quyết định ly hôn.

Thiết nghĩ, sự thể chắc chắn sẽ không trở nên nghiêm trọng, nếu các ông chồng biết rũ bỏ tâm lý e ngại, cởi mở, thật thà thổ lộ rối loạn của mình với bạn đời, bạn tình, để cải thiện đời sống phòng the. Nhưng tâm lý chung của những đàn ông mắc chứng rối loạn khó nói này, thường là xấu hổ, giấu giếm mọi người, thậm chí cả người vợ của mình. Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, cơ quan nào của cơ thể cũng có lúc trục trặc. Các ông chồng trẻ cần vượt qua những tâm lý e ngại, đến với các cơ sở nam khoa tìm hiểu nguyên nhân, chữa trị đến nơi đến chốn trước khi quá muộn.

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng khuyên, nam nữ nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, điều này giúp các bạn trẻ đang chuẩn bị kết hôn bước vào cuộc sống hôn nhân một cách chủ động, tự tin hơn về sức khỏe cho cả hai. Đối với những người chưa từng có kinh nghiệm trong đời sống tình dục thì việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức, tâm lý cũng như những rắc rối có thể gặp phải trong cuộc sống sau này. Không chỉ có vậy, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp các cặp đôi có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự ra đời của những em bé khỏe mạnh, đánh giá được sức khỏe một cách tổng quát, phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý truyền nhiễm, di truyền, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Thời điểm tốt nhất để đi khám sức khỏe tiền hôn nhân là trước khi kết hôn 3-6 tháng (tối thiểu), hoặc sớm hơn để có thêm thời gian chuẩn bị cũng như sàng lọc các vấn đề về sức khỏe.

 NAM HOÀNG

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.