Chuyện tình của những người lính nơi biên cương, hải đảo

Bài và ảnh HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đóng quân xa nhà, làm sao để cân bằng nhu cầu tình cảm gia đình và nghĩa vụ với Tổ quốc là điều không đơn giản. Những chiến sĩ biên phòng nơi điểm cuối cực Nam Tổ quốc chỉ mong người vợ, người bạn gái của mình hai chữ “thấu hiểu” để giúp các anh làm tròn trách nhiệm của một người lính.

Tình yêu bất ngờ 

Trung úy Đỗ Đại Thanh, cán bộ trạm kiểm soát Biên phòng, chàng lính trẻ sinh năm 2000, tốt nghiệp Học viện Biên phòng và năm 2022 được về đồn Biên phòng Đất Mũi công tác. Nhiệm vụ hàng ngày của Thanh là tuyên truyền cho người dân thực hiện đúng quy định đánh bắt thủy sản theo quy định pháp luật, không đánh bắt trái phép, đưa ra các tình huống nếu đánh bắt trái phép bị nước bạn bắt được sẽ có hậu quả về kinh tế, thậm chí chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 Quê Phú Thọ, từ nhỏ sống với núi rừng, nhưng nay Thanh lại gắn bó với biển, với tàu thuyền, lúc đầu cũng khá bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự quan tâm, chỉ dẫn tận tình của những người cấp trên như cha, chú mình nên Thanh đã dần vững vàng. Đặc biệt, cách nhà gần 2 nghìn km, từ ngày đến nhận công tác, Thanh được đơn vị tạo điều kiện thăm gia đình 1 lần/năm. Mỗi khi nhớ cha mẹ, Thanh chỉ tranh thủ gọi điện thoại hỏi thăm, có những lúc cha mẹ già yếu bệnh tật, không về được, Thanh chỉ biết nghẹn ngào nói: Cha mẹ hãy cảm thông cho người lính chúng con. 

Giờ đây, Thanh không còn cô đơn, nỗi nhớ nhà dần vơi đi khi Thanh đã may mắn tìm được người bạn gái. Chuyện tình của Thanh cũng khá đặc biệt và khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tháng 11/2022, nhân ngày cuối tuần, Thanh xin phép đơn vị đi lên TP Cà Mau thăm bạn, tiện thể nhổ chiếc răng mọc lệch. Không ngờ chuyến đi khám răng này, Thanh tình cờ đã quen cô bác sĩ nha khoa. Chàng lính trẻ đẹp trai nhanh chóng chiếm được cảm tình của cô bác sĩ. Thanh cho biết, thời gian đầu, do chưa hiểu nhau nhiều, bạn gái cũng thi thoảng giận dỗi vì không kịp trả lời tin nhắn, điện thoại hoặc ngày lễ, Tết, Thanh phải trực không có nhiều thời gian dành cho bạn gái. Tuy nhiên, sau một thời gian, bạn gái đã hiểu và cảm thông cho Thanh. Bây giờ, cứ ngày cuối tuần hoặc lúc nào được nghỉ phép, Thanh lại bắt xe khách vượt hơn 100km tới thăm bạn gái. Thanh hy vọng, tình yêu sẽ lớn dần theo năm tháng và người yêu sẽ thấu hiểu mình, thấu hiểu người lính nhiều hơn.

Chuyện tình của những người lính nơi biên cương, hải đảo - ảnh 1
Trung úy Đỗ Đại Thanh (ngồi đầu từ trái qua phải) làm nhiệm vụ kiểm tra tàu cá.

“Vì anh là lính”

Không có sự tình cờ như Thanh, nhưng Thiếu tá Ngô Văn Lẹ lại tìm được hạnh phúc tại địa phương mình đóng quân. Sinh năm 1983, hiện Ngô Văn Lẹ là Đội trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm đồn Biên phòng Tây Yên (Kiên Giang). Là người con vùng biển Kiên Giang, bố mẹ làm nông, nhà đông anh em, học xong THPT, Lẹ đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Lúc này, Lẹ cũng không hình dung bộ đội Biên phòng là như thế nào, làm nhiệm vụ gì, vất vả ra sao. Những ngày đi huấn luyện, được cán bộ hướng dẫn và có chính sách ưu tiên người dân tộc thiểu số đi học (Lẹ là người Khmer), Lẹ được chọn. Lẹ được về Hà Nội học, hơn 5 lần đi học cả lớp ngắn hạn, dài hạn. Suốt quãng thời gian đi học, từng có cơ hội quen biết nhiều người, nhưng Lẹ không bao giờ nghĩ tới chuyện yêu đương, lấy vợ xa nhà, bởi lẽ luôn quan niệm: Mình là lính.

Năm 2013, Lẹ cưới vợ là cô kế toán trường mầm non gần nhà. Là người địa phương nên khá hiểu nhau từ tính cách cho đến công việc.  

Chia sẻ về thời gian đầu lập gia đình, Lẹ cho hay: Khi mới lập gia đình, tôi đang công tác tại Tiền Hải, huyện Hà Tiên, Kiên Giang. Mỗi lần về thăm vợ đều phụ thuộc vào tàu. Tàu đi ngày 2 chuyến, nhưng nếu thời tiết giông bão, sóng lớn hoặc không kịp xe đò thì không về được. Hiện nay, mặc dù cách đơn vị 30km, nhưng mỗi năm Lẹ chỉ được về phép 1 lần, những dịp gia đình có việc ma chay, hiếu hỷ thì đơn vị sẽ tạo điều kiện thêm. Nhiều khi thấy những ngày lễ, những ngày con ốm đau, một mình vợ vừa là cha, vừa là mẹ chăm con, mình chỉ muốn nói to: Vợ ơi, anh yêu vợ rất nhiều. Hãy cảm thông cho anh, vì anh là lính.

Không may mắn có được người vợ, người bạn gái hiểu, thông cảm với mình như Thanh và Lẹ, binh nhất Nguyễn Anh Tuấn, chiến sĩ đồn Biên phòng Tây Yên (Kiên Giang) thuộc đội Tham mưu, hành chính lại chịu nỗi buồn chỉ vì là lính nên người yêu chia tay. Sinh năm 2000, quê Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, học xong ngành Dược, Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Kiên Giang, Tuấn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Trải qua những tháng huấn luyện ở Hòn Đất, Tuấn về công tác tại đồn Biên phòng Tây Yên. Đi lính được 2 tháng thì Tuấn chia tay người yêu, cũng chỉ vì sự thiếu cảm thông do Tuấn không thể thường xuyên liên lạc với người yêu. Nhưng bù lại, những ngày trong quân ngũ, Tuấn được học nhiều điều, đó là tính kỷ luật, tự giác, là tinh thần chiến đấu, là tình yêu quê hương, đất nước của những người lính nơi đảo xa.

7 năm công tác tại đồn Biên phòng Tây Yên (Kiên Giang) cũng là 7 năm chiến sĩ Đinh Trung Hậu cùng đồng đội gánh vác trên vai nhiều nhiệm vụ quan trọng nơi đầu sóng, ngọn gió.

Chuyện tình của những người lính nơi biên cương, hải đảo - ảnh 2
Ảnh minh họa

Hậu đóng quân ở nơi địa bàn có đặc thù nhiều cửa sông, cửa lạch, đặc biệt có cửa sông Cái Lớn là cửa ra vào cảng cá Tắc Cậu. Nơi này tập trung nhiều phương tiện đánh bắt có công suất, kích thước lớn, thời gian qua, tình hình chủ tàu cá, thuyền trưởng vẫn lén lút đưa tàu đi khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài và thực hiện các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp khác với thủ đoạn ngày càng tinh vi diễn biến phức tạp; bên cạnh đó tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là mặt hàng dầu vẫn diễn ra… Chính vì thế nhiệm vụ của người lính trở nên rất nặng nề.

Nhiệm vụ của Hậu còn thêm việc đấu tranh chống lại tội phạm ma túy,  phải đối diện với lằn ranh của sự nguy hiểm, nhưng người chiến sĩ trẻ chưa từng nao núng. Hậu cùng đồng đội đã nhiều lần triệt phá thành công hoạt động buôn bán ma túy trên địa bàn đóng quân.

Nhà cách đơn vị 200km, Hậu coi đồn Biên phòng Tây Yên như ngôi nhà thứ hai của mình. Trong công việc, Hậu luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Giờ đây, đã lập gia đình, Hậu đưa vợ và con về Kiên Giang. Nhà gần đồn hơn nhưng Trung úy Hậu luôn ưu tiên hoàn thành mọi công việc trước mỗi lần được phép về thăm nhà. “Nếu sau này con mình muốn trở thành một người lính Biên phòng, mình rất sẵn lòng ủng hộ”, Hậu chia sẻ trong niềm tự hào của người lính mang quân hàm xanh.

Theo phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”, những năm qua, các chiến sĩ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững sự bình yên vùng quê hương, sông nước và biển cả. Bên cạnh nhiệm vụ, những người lính chỉ mong người hậu phương của mình luôn hiểu, cảm thông và chia sẻ với đời lính.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.