Cô gái “lội bùn” chấn hưng quê hương
(PNTĐ) - Tại các giao lộ dẫn vào thị trấn Hồng Hồ, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hình ảnh một cô gái trẻ đứng giữa đầm sen, tay nâng củ sen dài và nở nụ cười rạng rỡ được in trang trọng trên các tấm biển quảng cáo lớn. Đó là Triệu Mỹ Lệ – người phụ nữ đã từ bỏ công việc ổn định nơi đô thị để trở về quê hương lập nghiệp với mong muốn làm điều gì đó có ích cho mảnh đất mình sinh ra.
Triệu Mỹ Lệ từng là nhân viên kế toán tại thành phố Vũ Hán. Mức lương ổn định, cuộc sống không thiếu thốn, nhưng cô nhận ra mình đã sống quá xa gia đình, do đó cô quyết định "bỏ phố về quê". Khi nền tảng Douyin (TikTok Trung Quốc) đang nở rộ, một người chị họ gợi ý cô thử quay video bán nông sản.
Trong khi người dân địa phương còn khá xa lạ với khái niệm phát sóng trực tiếp, cô chọn ao sen là nơi ghi hình. Mang đôi ủng, đứng giữa bùn, cô giới thiệu: “Xin chào, tôi là Triệu Mỹ Lệ ở Hồng Hồ”, rồi kể quá trình thu hoạch và vận chuyển củ sen. Buổi phát sóng đầu tiên chỉ vài chục người xem, không đơn hàng, gia đình thì không ủng hộ. Cô bị cho là “bỏ việc tốt để đi lội bùn chụp ảnh”.

Cô vẫn kiên trì với công việc của mình và bước ngoặt đã đến. Một hôm, khi đang quay video cùng chị họ bên hồ sen, trời bất ngờ đổ mưa lớn. Cô dùng lá sen che đầu, vừa chạy vừa cười nói: “Trời mưa quá, tôi không thể về nhà. Mọi người biết không, hạt sen ngon nhất là sau mưa”. Đoạn video tình cờ này lan truyền nhanh chóng, thu hút hơn 600.000 lượt xem chỉ trong 3 ngày. Rất nhiều người để lại tin nhắn muốn đặt mua sen. Triệu Mỹ Lệ lập tức tổ chức livestream bán hàng và cô đã bán được hơn 200 đơn hàng đầu tiên.
Từ đó, hành trình khởi nghiệp với củ sen của cô bước sang một trang mới. Cô tổ chức lại việc thu mua, tìm nguồn ao sen phù hợp, liên kết với nông dân và xử lý khâu bảo quản để đảm bảo chất lượng. Trước kia, mỗi khi quay video, cô phải mất hàng giờ tìm ao sen không bị từ chối. Người dân chưa quen với việc quay phát trực tiếp, sợ ảnh hưởng đến công việc đồng áng. Nhưng sau thành công đầu tiên, họ bắt đầu cởi mở hơn. Đến nay, chính cô là người giúp giải cứu hơn 500.000 kg củ sen sắp bị hỏng trong vụ mùa. Cô từng nói rằng “mỗi đơn hàng gửi đi là một phần thu nhập của người dân quê tôi”. Nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội, sen Hồng Hồ giờ không còn là sản phẩm chỉ tiêu thụ trong tỉnh.
Từ một cô gái lặng lẽ về quê, cô trở thành biểu tượng của làng. Người dân quý mến cô, thường xuyên mời cô vào nhà ăn cơm. Những người từng phản đối nay đã trở thành cộng sự và bạn đồng hành của cô. Không dừng lại ở livestream, Triệu Mỹ Lệ đăng ký hai thương hiệu: “Triệu Mỹ Lệ” và “Honghu Impression”. Cô hợp tác với các công ty chế biến rau củ, cải tiến quy trình xử lý để kéo dài hạn sử dụng sản phẩm, tạo thuận lợi cho vận chuyển đường dài. Các mặt hàng như tinh bột củ sen đóng hộp và hạt sen là hai sản phẩm bán chạy nhất mỗi khi cô "lên sóng".
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Triệu Mỹ Lệ đã được ghi nhận xứng đáng. Tháng 10/2023, cô được trao danh hiệu “Thanh niên tiên phong chấn hưng nông thôn toàn quốc” do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vinh danh. Nhưng với Mỹ Lệ, điều ý nghĩa hơn cả là nhìn thấy sự đổi thay của quê hương: Thu nhập tăng lên, người trẻ không còn phải rời làng, người già có thêm niềm tin vào cuộc sống. Hiện tại, mỗi khi trở về Hồng Hồ, lái xe ngang qua bảng quảng cáo lớn có in hình mình, cô vẫn không khỏi xúc động. Hành trình từ bàn làm việc ở thành phố đến bùn lầy ao sen không dễ dàng, nhưng cô tin rằng đó là con đường đúng đắn.
Trong tương lai, Triệu Mỹ Lệ đang lên kế hoạch phát triển du lịch sinh thái gắn với sen, tổ chức các tour trải nghiệm như hái sen, nấu ăn, tìm hiểu văn hóa nông thôn. Cô hy vọng Hồng Hồ sẽ không chỉ là một vùng trồng sen nổi tiếng, mà còn là điểm đến văn hóa và kinh tế. “Khởi nghiệp ở nông thôn không chỉ là tạo thu nhập. Đó là cách tôi tri ân quê hương”, cô chia sẻ. Từ một quyết định từng bị nghi ngờ, Triệu Mỹ Lệ đã viết nên câu chuyện truyền cảm hứng về sự dấn thân, đổi mới và niềm tin vào quê hương – nơi mà với cô, là khởi đầu và cũng là đích đến của hành trình hạnh phúc.