Con gái lấy chồng xa
Mẹ tôi là người miền Nam, ba tôi là người miền Bắc. Ngày xưa lúc ba tôi vào Nam làm việc, ba quen và yêu mẹ. Dù là cách biệt hai miền, nhưng hiển nhiên hai bên gia đình của ba mẹ đều không phản đối đám cưới này.
Có lẽ vì ông bà tôi đều thương ba mẹ, thương cả tình yêu vượt qua địa lý, vượt qua chính bản thân của ba mẹ.
Ông ngoại tôi đã từng không cho mẹ học cao đẳng dù mẹ thi đỗ, vì nhà mẹ ở Long An, trường học thì ở Sài Gòn. Ông ngoại không nỡ để con đi học xa, vậy mà cuối cùng lại đồng ý gả con gái cho một người miền Bắc xa lạ chẳng chút quen biết từ trước. Tôi vẫn luôn không hiểu tại sao ông ngoại dễ dàng đồng ý cho đám cưới của ba với mẹ tôi, có lẽ vì tình yêu thương ông dành cho đứa con gái duy nhất còn nhiều hơn cả việc ông mong con gái luôn bên cạnh mình?!
Ảnh minh họa
Mẹ tôi làm dâu đất Bắc cũng không dễ dàng gì. Từ bỏ tất cả họ hàng thân thích trong Nam để ra Bắc, người duy nhất mẹ quen là ba tôi. Mẹ sống giữa những người xa lạ mới gặp mặt, giữa những nề nếp gia phong cứng nhắc của ông nội tôi. Ông nội tôi là một người khó tính và có chút nghiêm khắc. Mẹ ra Bắc làm dâu vẫn giữ khẩu vị và thói quen ăn uống của người miền Nam, mẹ thích ăn ngọt và trong bữa cơm lúc nào cũng phải có một cốc nước. Người miền Nam vừa ăn vừa uống như vậy quen rồi, thế nhưng ông nội lại không thích điều đấy. Ông không cho phép mẹ để một cốc nước trên bàn ăn, chỉ khi nào ăn xong bữa mới được uống nước. Mà bữa cơm miền Bắc khi ấy đối với mẹ thật khó ăn, bởi nó không phải những món ăn quen thuộc suốt hơn 20 năm qua của mẹ. Món cá kho nước đường với ớt cay cay ở đây lại là cá kho tương với mùi tương bần khó chịu, món thịt kho nước dừa thơm phức béo ngậy cũng trở thành món thịt kho khô với nước thắng đường. Có bữa không ăn nổi cơm với canh nhưng vì sợ ông nội, mẹ ngậm cơm với hai hàng nước mắt lăn dài. Mẹ không khóc vì không được uống nước trong bữa cơm, mẹ khóc vì sự tủi thân của một người con dâu xa xứ. Hơn lúc nào hết, mẹ nhớ quê, nhớ nhà, nhớ ông bà ngoại và nhớ những bữa cơm ngon hợp khẩu vị của người miền Nam.
Mẹ theo ba tôi về miền Bắc ở, nhưng do công việc ở miền Nam vẫn chưa xử lý xong nên ba vẫn phải quay lại đó một thời gian, khi ấy mẹ đang mang thai tôi. Mẹ kể rằng cái ngày mẹ trở dạ sinh con, ba vẫn còn đang ở trong Nam. Xung quanh mẹ lúc đó không có người thân thuộc để dỗ dành động viên. Chỉ có các cô, các bác là anh chị của ba cùng với ông nội, bà nội ở đó. Lúc người phụ nữ yếu đuối nhất, cần bờ vai của ngưởi chồng và cả sự động viên của ba mẹ ruột nhất thì mẹ tôi đều chẳng có ai bên cạnh cả. Cũng thật may khi các cô, các bác đều yêu thương mẹ tôi như chị em trong gia đình. Ngày mẹ sinh tôi ra, các cô, các bác tận tình chăm sóc cho mẹ con tôi rất chu đáo. Mẹ thường kể với tôi rằng lúc chuyển dạ sinh tôi vào đúng ngày Rằm tháng Bảy, mẹ còn đang nhớ về miền Nam cúng Rằm như thế nào, ông bà ngoại đang chuẩn bị ra sao. Vậy mà lúc đó chuyển dạ rồi sinh con, không có chồng, không có ba mẹ ruột ở cạnh. Có những lúc lên cơn đau thắt ruột gan, đau đến chết đi sống lại, mẹ chỉ muốn được nắm bàn tay của ba, để có người cùng vượt qua nỗi đau này và để có người an ủi, cùng san sẻ như những đôi vợ chồng khác. Mặc dù các cô, các bác chăm lo cho mẹ rất tận tình, nhưng chẳng bao giờ có thể lấp đầy khoảng trống trong lòng mẹ khi không có ba bên cạnh.
Ảnh minh họa
Vậy mà đến sáu tháng sau, ba mới lần đầu tiên gặp và bế tôi trên tay. Trước đó, có lẽ ba chỉ nghe mẹ kể về tôi trên những lá thư mà mẹ viết gửi ba. Tôi đã từng được đọc một vài trong hàng trăm lá thư ba mẹ gửi cho nhau khi xa cách. Đọc những từ ngữ trên đó, tôi cảm nhận được ba mẹ đã yêu thương nhau nhiều đến thế nào, dù ở xa nhau, nhưng ba vẫn lo lắng cho mẹ mọi điều, từ bữa ăn đến giấc ngủ. Đôi khi sợ mẹ ở nhà chăm tôi thiếu thốn, ba hay gửi kèm số tiền nhỏ vào trong thư gửi mẹ. Có lẽ mẹ đã mạnh mẽ vượt qua tất cả chính bằng những lá thư này.
Nhưng nếu mẹ ở đây buồn một, ông bà ngoại của tôi ở trong Nam sẽ buồn mười. Gả con gái đi trong nhà rất trống vắng, nhưng lại nghĩ đến con gái lấy chồng xa, cách biệt hai miền đất nước, nếu có nhớ, nếu có muốn gặp cũng không dễ dàng gì. Ngày bà ngoại tôi còn sống, hai ông ba còn nương tựa vào nhau cho bớt cái cảnh cô quạnh. Thế nhưng khi bà ngoại mất, chỉ còn có mình ông ngoại trong căn nhà từng đầy ắp tiếng cười và niềm vui, ông ngoại đã nhớ con, nhớ cháu, nhớ gia đình nhỏ của chúng tôi biết bao nhiêu. Cứ tưởng tượng rằng ở trong ngôi nhà từng đầy đủ thành viên, với những bữa cơm thân mật đầm ấm, có giọng cười trẻ con, có tiếng nói của các thành viên trong gia đình, bây giờ chỉ còn lại một bóng lưng già lủi thủi, hết đi ra lại đi vào, chuẩn bị những bữa cơm một mình, rồi lại chỉ có một mình ăn những bữa cơm đó… Tôi từng nghĩ, làm sao ông ngoại có thể vượt qua nỗi cô đơn đó, chỉ cần nghĩ đến thôi, khóe mắt tôi đã cay cay. Tôi thương ông ngoại hơn tất cả mọi người trong gia đình, tôi luôn muốn được vào Nam thăm ông ngoại. Không cần đi đâu chơi hết, chỉ cần ở nhà, nấu những bữa cơm rồi ăn cùng ông ngoại, cùng ngồi xem thời sự và nghe ông ngoại kể những câu chuyện từ hồi nhỏ của mẹ, chỉ như vậy thôi.
Tôi nhớ mỗi khi được vào miền Nam thăm ông ngoại sau nhiều năm trời xa cách, cái khoảnh khắc cả gia đình tôi bước lên chiếc xe rời khỏi ngôi nhà mẹ từng lớn lên, tôi ngoái lại nhìn ông, bóng dáng ông lặng lẽ và lẻ loi, ánh mắt thì hướng theo chiếc xe của chúng tôi cho đến khi khuất hẳn. Mẹ tôi thường không dám quay đầu lại nhìn, vì mẹ sợ thấy cảnh ông ngoại lưu luyến, mẹ lại không nỡ đi. Lần nào cũng vậy, mẹ không ngoái đầu nhìn lại, nhưng hai mắt mẹ đỏ hoe, và suốt dọc đường từ nhà ra sân bay, mẹ chẳng còn nói chuyện cười đùa như trước nữa.
Ảnh minh họa
Con gái lấy chồng, bố mẹ ở nhà đã rất lo lắng nhớ nhung, nhưng khi con gái đi lấy chồng xa, mọi điều chẳng dừng lại ở nhớ nhung và lo lắng nữa. Cảm xúc thật sự của mẹ và ông bà ngoại khi đó như thế nào, có lẽ chỉ có mẹ và ông bà ngoại mới thật sự cảm nhận rõ. Tôi chỉ là người nhìn thấy cảm xúc của họ, và có lẽ giống với câu thơ
“Thương em nắng dãi mưa dầu
Lấy chồng xa xứ đêm thâu mãi buồn
Xa nhà nhớ quá yêu thương
Quê hương và mẹ đêm buồn ngóng trông
Thương em lệ ướt lưng tròng
Nhớ cha thương mẹ chiều trông quê nhà”
Mẹ tôi chưa bao giờ hối hận khi lấy chồng xa, vì ba thương mẹ, thương luôn cả phần của ông bà ngoại dành cho mẹ. Mẹ chỉ buồn rằng, giá như hạnh phúc có thể trọn vẹn: trọn đạo làm con, trọn nghĩa vợ chồng.
KHẢ VY