Cùng con làm mới cuộc sống thời Covid-19

Chia sẻ

Con nghỉ học ở nhà tránh dịch, chị xin nghỉ phép năm còn chồng được cơ quan phân công ở nhà làm việc online. Thành thử, tự dưng, nhà chị có gần 1 tuần ở bên nhau.

Mọi năm, cứ phải đợi đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà chị mới có thời gian sum vầy lâu như thế. Mà cũng là kiểu “sum vầy” di động, nghĩa là vừa được nghỉ đón năm mới, nhưng cũng vừa cùng nhau đi chơi, thăm họ hàng, bạn bè… bận rộn suốt. Bình thường, ai cũng bận bịu. Vợ chồng chị bận đi làm. Các con bận đi học từ sáng tới chiều. Mọi người chỉ gặp nhau được một chút vào bữa cơm tối, rồi ai lại lo sắp xếp công việc cho ngày hôm sau.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chỉ có đợt này, nhà chị được nghỉ dài mà lại ở trong nhà gần như toàn thời gian. Cũng là do dịch Covid-19 cả.

Ngôi nhà chị ở chỉ rộng có chưa đầy 50m2, 4 người lớn sòng sõng cứ đi ra đi vào kể cũng có phần bức bối. Chẳng thế mà mới qua ngày đầu tiên, các con chị đã càm ràm: “Chán quá mẹ ơi, bao giờ thì mình được thoải mái ra ngoài dạo chơi như trước”, “Bao giờ chúng con mới được tới trường?”, “Bao giờ thì mới hết dịch bệnh?”.

Tất nhiên, chị chẳng thể nào trả lời chính xác câu hỏi của các con. Vì thế, chị bảo: “Thay vì than vãn, mình phải lạc quan lên. Nếu phàn nàn ca thán mà hết dịch bệnh thì các con hãy làm”.

“Vậy, giờ mình cần làm gì để hết chán hả mẹ?” - các con chị hỏi.

“Thì mẹ con mình sẽ lên kế hoạch, tổ chức cuộc sống theo một cách khác vui vẻ hơn”.

Tối đó, chị nằm suy nghĩ về kế hoạch sẽ thực hiện cùng con trong 1 tuần tới.

Ngày hôm sau, thay vì để các con ngủ nướng, chị kéo chăn, hò chúng dậy. Chị mở toang cánh cửa sổ, để gió và nắng lùa vào bên trong căn phòng.

“Các con dậy thôi, chúng ta cùng bắt tay vào làm mới cuộc sống nào”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Căn phòng của hai đứa trẻ ngồn ngộn sách vở. Chúng nó vẫn vậy, cứ ỷ thế có phòng riêng nên tự cho mình lười biếng việc dọn dẹp. Có mấy cái vỏ bim bim chắc hai đứa ăn hôm trước, giờ vẫn còn lăn lóc vứt trên bàn. Ngoài bậu cửa sổ, cây dây leo rủ lá, chị biết ngay là các con không cho nó “uống” nước thường xuyên.

Lũ trẻ bị chị gọi dậy, cũng càu nhàu một chút nhưng không dám nán lại trên giường lâu. Chị với tay lấy điện thoại, bật bài hát “Một ngày mới nắng lên” của ca sĩ Văn Mai Hương. “Một ngày mới nắng lên/ Em dang tay chào đón/Nhẹ nhàng tia nắng hồng/Em ngân nga chờ đón…”. Phải công nhận, có chút vitamin âm nhạc khiến mọi thứ có vẻ bừng sáng, đầy sức sống hơn hẳn.

- Nào hai đứa, trưa nay thích ăn món gì? Cả nhà hôm nay sẽ thay đổi bắt đầu từ bàn ăn?

- Bánh gạo Hàn Quốc… Bánh gạo Hàn Quốc.

- Duyệt.

Chị phân công cho con lớn lên mạng tìm nguyên liệu cần mua, rồi bắt đầu đi chợ. Từ dạo có dịch Covid-19, chị bắt đầu thay đổi thói quen, chuyển từ đi chợ trực tiếp sang mua online. Cứ tưởng là khó, thế mà giờ chị thấy kiểu mua bán này vừa an toàn, vừa tiện lợi vô cùng.

“Kính cong, kính cong”, một loáng sau, nhân viên giao hàng đã mang tới nhà chị đủ các thứ cần. “Nào, mấy mẹ con mình cùng làm bánh gạo”. Căn bếp bấy lâu vốn là “lãnh địa riêng” của chị, nay, trở thành nơi trổ tài của ba mẹ con. Con gái lớn vừa xem clip dạy nấu bánh gạo trên youtube, con gái thứ hai làm theo. Còn chị, giúp lũ trẻ những công đoạn khó.

Cứ tưởng không ngon, mà món ăn cuối cùng lại ngon không tưởng ngay trong lần ra tay đầu tiên. Mùi ớt cay cay từ đĩa bánh gạo nóng hổi tỏa khắp nhà, khiến chồng chị đang làm việc trong phòng cũng phải chạy lại, đăng ký một suất. “Bố thích ăn cay, nên món này hợp với gu của bố lắm”, anh nháy mắt với lũ trẻ ra điều thích thú.

Chị nhìn ba bố con tíu tít mà vui lây. Giờ này mà không vướng Covid-19, chị đã đang ở cơ quan, cắm mặt vào máy tính. Anh thì cũng tất bật với các cuộc họp này kia. Còn các con chị thì lại đang ở trường. “Thôi, ở nhà thì giờ giấc được thoải mái một tý. Cả nhà ăn nhanh rồi ai vào việc đó nghe chưa?”- chị “hạ lệnh”.
Lát sau, đợi các con đã học xong bài ở trường, chị bắt đầu thực hiện tiếp giai đoạn hai của kế hoạch làm mới cuộc sống. Đó là dọn dẹp nhà cửa. Chị bảo với các con: “Muốn sống tích cực thì chúng ta phải làm sạch bắt đầu từ căn phòng này”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị nói con gái sắp xếp lại toàn bộ sách vở, để gọn gàng lên giá. Tủ quần áo cũng được gấp lại cho ngăn nắp. Cái bàn lâu nay vẫn kêu ở đầu giường, chị liền đặt ra phía cửa sổ. Rồi chị nhắc con tưới cây, tiện thể chị chuyển chậu hoa giấy đỏ ở ban công vào kê lên bệ cửa sổ phòng của lũ trẻ. Chỉ thế thôi, mà căn phòng như được khoác áo mới. Lũ trẻ reo lên: “Chà, nhìn nhà mình hôm nay cứ là lạ thế nào. Rất là đẹp mẹ ạ. Tự nhiên cũng con thấy phấn chấn hẳn lên”. Những giọt nắng chiếu qua kẽ lá cây hoa giấy, nhảy nhót trên sàn nhà càng làm cho không gian phòng thêm sinh động.

Trưa đó, chị phá lệ, rủ lũ trẻ sang ngủ cùng giường với mình, mặc kệ chồng chị lúi húi với chiếc máy vi tính. “Mai này, con gái mẹ muốn làm nghề gì?”, chị hỏi con gái lớn. Con bé đang tuổi lớn, thay đổi ước mơ liên tục. Hồi đầu năm, nó ước trở thành thợ bánh, giờ chả biết còn đam mê đó không? “Con thích làm nữ phi công. Sau này, con sẽ thi vào học viện hàng không mẹ ạ”. Chị cười, nhủ thầm con bé này nhỏ như cây nấm, mắt thì cận, sao đủ tiêu chuẩn làm tiếp viên hàng không? Nhưng thôi, chả dại gì chị “dội cho con gáo nước lạnh”. Chị ra điều tán đồng: “Nghe cũng được. Nhưng tiếp viên hàng không thì phải giỏi ngoại ngữ. Con phải học ngoại ngữ cho tốt nhé”. “Vâng ạ”.

Cũng đã lâu lắm rồi, chị và các con mới thư thái bên nhau như thế. Chị hỏi tiếp các con: “Thế khi nào hết dịch, các con sẽ làm gì?”. “Con sẽ đi thăm mọi người mẹ ạ”. Rồi hai đứa trẻ liệt kê những người nó sẽ đi thăm, từ ông bà, cô chú, đến bạn bè, toàn những người mà chúng nói nói là rất yêu mến và sẽ nhớ lắm nếu không được gặp nhau thường xuyên.

“Sau khi hết dịch, con còn muốn làm bánh sinh nhật mang tới tặng bà. Hôm rồi vì dịch mà mình không về quê với bà được. Hết dịch mình sẽ làm sinh nhật bù cho bà mẹ nhé”, con gái nhỏ líu lo.

“Còn con sẽ chạy một vòng quanh đây. Lâu lắm rồi, con chả được tự do ra ngoài” - con gái lớn bổ sung.

- Đúng rồi. Cả nhà sẽ có nhiều việc phải làm sau khi hết dịch - chị ôm lấy các con.

Lại thêm một ngày qua đi, chị và các con ở trong nhà để tránh dịch. Trong khi cuộc sống bị đảo lộn vì dịch bệnh, cuối cùng, chị và các con đã tìm được nhiều điều ý nghĩa thay cho cảm giác nhàm chán, đơn điệu. Chị đã hiểu hơn về con, đã được cùng con nấu ăn, và đã biết rằng, mình còn rất nhiều người yêu thương để được quan tâm, chăm sóc.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.