Dạy học bằng cả trái tim

HUYỀN LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Không chỉ đem tới cho học sinh của mình kiến thức, các cô giáo ấy còn mang đến cho các em cả một bầu trời yêu thương. Để rồi, tình yêu đã cảm hóa, dẫn lối nhiều học sinh còn chưa ngoan trở nên ngoan hơn, chăm hơn, đạt thành tích cao hơn trong học tập. Bởi vậy, nhiều em học sinh đã gọi các cô là “người mẹ không sinh, nhưng có công dưỡng”.

1.

Cả một đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người, với cô giáo Tạ Thị Vĩnh Hà, giáo viên trường THCS Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, không có niềm vui nào hơn là được thấy học trò của mình trưởng thành. Nhớ lại hồi mới về trường công tác, cô Hà được giao chủ nhiệm một lớp có một số học sinh được đánh giá còn chưa thực sự ngoan và có ý thức học tập. Quả nhiên khi cô đứng lên bục giảng, nhiều học trò chán học nên quậy phá. Em thì làm việc riêng, em thì nói chuyện, em thường xuyên để sách vở ở nhà không làm bài tập. Tuy nhiên, thay vì nản chí, cô Hà nghĩ rằng, mình làm nghề trồng người mà còn từ bỏ thì ai sẽ giúp đỡ các em? Không thể đẩy các em “ra ngoài xã hội”. 
Theo cô Hà, con người sinh ra ai cũng có bản tính thiện, chỉ là trong quá trình lớn lên, có một vài yếu tố nào đó ảnh hưởng tới tính cách, suy nghĩ, hành động của học sinh mà thôi. Nếu tìm được “nút thắt” cô sẽ có thể cảm hóa học sinh của mình.  Và thế là, cô bắt đầu bắt đầu tìm hiểu gia cảnh của các học sinh, nhất là học sinh được cho là chưa ngoan. Cô Hà đã lập ra một cuốn nhật ký để khi cần thiết ghi lại từng câu chuyện, từng lưu ý nhỏ về các học sinh của mình.

Dạy học bằng cả trái tim - ảnh 1
Cô Vĩnh Hà bên cạnh các em học sinh thân yêu của mình

Chẳng hạn, với học sinh A, cô ghi: “Mẹ mất sớm, bố bỏ đi, ở nhà với ông bà già yếu”; học sinh B: “Cá tính mạnh, mẹ bận đi làm, ít có thời gian chăm sóc, quan tâm các con”; học sinh C: “Hay  nghịch ngợm, ăn nói chưa chuẩn mực, tuy nhiên, lại rất dễ tổn thương”; học sinh D: “Thích trang điểm, làm đẹp, có năng khiếu về hội họa”… Từ những dòng lưu chú đó, cô Hà đã tìm ra cách tiếp cận học sinh phù hợp với từng em. Cô biết, với nhiều em bề ngoài tỏ ra là gân guốc, xù xì, nhưng thực ra lại rất dễ mềm lòng, cô chọn cách thường tỉ tê tâm sự, thức tỉnh tâm hồn các em. Cô bỏ qua những lời nói còn ương ngạnh của học sinh để nhìn vào mặt tốt bên trong mà cảm hóa. Có học sinh học văn hóa chưa tốt, trong đó có cả môn Toán mà cô đang dạy nhưng cô cũng không lấy đấy làm điểm yếu để phê bình. Ngược lại, cô thấy học sinh đó yêu thích nghiên cứu máy móc nên đã định hướng cho em sau này đi học nghề sửa chữa ô tô. Rồi khi thấy có em học sinh không may mắn được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, cô lại đem tình yêu của người mẹ tới. Cô thủ thỉ, dạy em lời ăn tiếng nói, tâm sự mỗi khi em buồn, cô đơn. Khi học trò của mình yêu đương, người khác có thể ngăn cản, lo lắng, nhưng cô Hà lại có quan điểm khác. Cô hướng dẫn học sinh của mình phải yêu như thế nào cho trong sáng, đúng mực, đặc biệt là phải biết giữ gìn cho người mình yêu thương.  

Cứ như thế, cuốn sổ “học sinh cá biệt” của cô Hà lại dày thêm lên qua các năm. Để rồi mỗi lần giở lại, từng gương mặt học trò thân quen lại như ùa về với cô. Còn với các học sinh, từ lúc nào, đã coi cô như người mẹ, người chị, người bạn thứ hai của mình. Có em đầu năm học còn lạnh lùng, giữ khoảng cách xa thật xa với cô, nhưng đến giữa năm rồi cuối năm học lại thân thiết hơn người thân. Hơn bao giờ hết, các em hiểu rằng, trong mắt của cô giáo Hà, không có học sinh nào là hư, là bất trị. Được ở bên cô, các em đều nhận thấy giá trị riêng của mình và được tôn trọng. 

Dạy học bằng cả trái tim - ảnh 2
Cô Tình có biện pháp thu hút, hấp dẫn học sinh mê học Toán

Hiện nay, trường THCS Nam Trung Yên đã khẳng định được chất lượng giáo dục ở nhóm dẫn đầu của địa bàn. Nhiều em học sinh được gia đình quan tâm hơn, khi đến trường, các em đều có ý thức học tập, nghe lời thầy cô giáo. Song, không vì thế mà cô Hà bỏ thói quen luôn theo sát học trò của mình. Cuốn sổ nhật ký cô vẫn giữ và vẫn viết vào đó khi cần. Không chỉ viết cho học sinh, đôi khi, cô còn viết cho chính mình. Đó là những lúc cô nhắc mình phải yêu thương, yêu  thương hơn nữa học sinh của mình, quan tâm, quan tâm hơn nữa với các em học sinh, nhất là các em có gia cảnh còn khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi.

Là giáo viên Toán, nhưng trong các tiết dạy trên lớp hay trong các giờ hoạt động ngoại khóa, cô luôn cố gắng lồng ghép các bài học dạy học sinh về nếp sinh hoạt, ứng xử sao cho phải phép. Không ít lần, trong giờ sinh hoạt lớp, có học sinh mạnh dạn “chất vấn” cô vì sao cô dạy em nói điều hay, lẽ phải nhưng khi ra đường, vẫn có người lớn vi phạm luật giao thông, hay là vẫn có hiện tượng đánh nhau, nói tục, chửi bậy. Lúc đó, cô Hà đã giải thích cho các học sinh của mình rằng, người lớn cũng mắc sai sót. Vấn đề là các em học sinh phải nhìn ra điều sai để tránh chứ không phải nhiều người sai thì mình cũng sai. Nếu mỗi người cố gắng sống chuẩn mực, đúng đắn thì sẽ góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp. 

2.

Cô giáo Vũ Thị Ngọc Tình, trường THPT Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa cũng là một giáo viên tâm huyết đã từng được Sở GD-ĐT biểu dương năm 2020. Trường THPT Lưu Hoàng có đầu vào thuộc nhóm thấp của Thành phố, cũng đồng nghĩa với việc năng lực học của nhiều học sinh chưa cao, ý thức nề nếp học của học sinh chưa thể tốt như ở môi trường trường chuyên, lớp chọn. Đã có người hỏi cô Tình, dạy ở môi trường đó cô có nản không? Bởi lẽ, giáo viên nào cũng sẽ thích được dạy cho các học sinh chăm ngoan, học giỏi, có nền nếp, kỷ luật. Nhưng với cô Tình, nghề giáo không cho phép mình được chọn học sinh. Và niềm vinh dự nhất của người thầy là giúp cho những học sinh có đầu vào chưa tốt học tốt lên mỗi ngày, học sinh chưa chăm sẽ chăm thêm.

Dạy học bằng cả trái tim - ảnh 3
Cô Tình có biện pháp thu hút, hấp dẫn học sinh mê học Toán

Cách để cảm hóa học sinh của cô Tình chính là không ngừng cải tiến bài giảng của mình thật sinh động, dễ hiểu. Dạy về Bất đẳng thức Côsi, cô Tình kể về một người chủ trang trại chăn nuôi cừu nhờ áp dụng bất đẳng thứ Cosi nên đã giảm thiểu được việc tiêu tốn nguyên vật liệu làm hàng rào mà vẫn có thể quây được diện tích đồng cỏ lớn. Cô còn áp dụng hiệu quả phương pháp tích hợp liên môn giúp học sinh tăng cường vận dụng kiến thức Toán vào thực tiễn. Dạy về chủ đề hàm số mũ và hàm số Lôgarit cô liên hệ tới môn Sinh học để giải quyết bài toán thực tiễn về sự tăng trưởng của vi khuẩn có hại, qua đó giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường… Dạy về Vector cô liên hệ tới lực tác dụng lên vật trong môn Vật lý, giúp học sinh biết cách vận dụng kiến thức vectơ giải quyết các bài toán Vật lý. Nhờ những bài giảng sinh động, hấp dẫn mà các học sinh của cô Tình yêu thích việc học  hơn và thấy môn Toán không còn khô cứng.

Cô Tình tâm sự, thay vì đợi học trò thay đổi, thì người thầy hãy thay đổi mình trước. Dù đã nhiều năm trong nghề, nhưng trước mỗi bài giảng, lúc nào với cô cũng luôn tươi mới. Đó là vì cô luôn nghĩ xem mình có thể dạy hay hơn, sinh động hơn nữa không. Chỉ cần được thấy các gương mặt học sinh nhìn lên bục giảng mỗi buổi lên lớp là cô lại thấy mình còn cần phải cố gắng thật nhiều. Cô tin, từ chỗ ngồi dưới lớp kia, sau này, sẽ có nhiều em lớn lên, trưởng thành, đóng góp xây dựng có ích cho xã hội. Đó là trái ngọt tuyệt vời nhất của người làm thầy. 

Dạy học bằng tất cả trái tim đó chính là bí quyết của các cô giáo Tạ Thị Vĩnh Hà, Vũ Thị Ngọc Tình. Với họ, được cống hiến hết mình với nghề là một hạnh phúc không có gì sánh bằng.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.