Đền Quốc mẫu Nguyên phi Ỷ Lan, điểm du lịch tâm linh ở cửa ngõ Thủ đô

Chia sẻ

Với lịch sử hình thành lâu đời cùng kiến trúc độc đáo còn được bảo tồn nguyên vẹn, đền Nguyên phi Ỷ Lan (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm) là một trong những cụm di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng nằm ở cửa ngõ Thủ đô và là điểm du lịch tâm lich nổi bật của TP Hà Nội.

Hai bảo vật quốc gia ở di tích lịch sử văn hoá

Cách trung tâm Thủ đô hơn 10km, đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan (hay còn được gọi là đền Bà Tấm) nằm ngay bên Quốc lộ 5 trên địa bàn huyện Gia Lâm. Bỏ lại phía sau ồn ào tấp nập của những dòng xe đi lại trên tuyến quốc lộ huyết mạch, bước vào khu di tích đền chùa Bà Tấm, du khách cảm nhận ngay sự thư thái, bình an ở chốn tâm linh tôn nghiêm. Đây là không gian kiến trúc mang đậm phong cách triều Lý. Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, đền Bà Tấm được xây dựng vào năm 1115 gắn liền với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyên phi Ỷ Lan - Lê Thị Yến, người con quê hương Thuận Thành, Bắc Ninh, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Bà là phi tần của vua Lý Thánh Tông, mẹ ruột của vua Lý Nhân Tông - vị vua uy vũ, văn trị ở ngôi lâu nhất trong lịch sử đất nước. Đặc biệt, với hai lần phụng mệnh đăng đàn nhiếp chính, Nguyên phi Ỷ Lan đã để lại những dấu ấn quan trọng trong hoàng triều nhà Lý, giúp đất nước hưng thịnh, nhân tâm hòa hợp. Tài năng trị quốc, những kế sách đúng đắn đóng góp cho hoàng triều nhà Lý của bà được sử gia và người đời sau khen ngợi.

Bức tượng Nguyên phi Ỷ Lan làm bằng đồng nguyên khối - bức tượng nữ giới lớn nhất Việt Nam tại khuôn viên khu di tích lịch sử văn hoá đền Nguyên phi Ỷ LanBức tượng Nguyên phi Ỷ Lan làm bằng đồng nguyên khối - bức tượng nữ giới lớn nhất Việt Nam tại khuôn viên khu di tích lịch sử văn hoá đền Nguyên phi Ỷ Lan

Năm 1117, khi bà qua đời, hóa thân thành Thánh thì ngôi đền thờ bà cũng được xây dựng trong khuôn viên chùa - một trong những công trình tôn giáo nổi tiếng góp phần thúc đẩy Phật giáo phát triển. Đền thờ bà Tấm được xây dựng theo kiến trúc cung đình thời Lý với 72 cửa, thuộc loại cổ bậc nhất nước ta. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đền - chùa bà Tấm được trùng tu nhưng những nét kiến trúc độc đáo, đặc sắc mang dấu tích vật chất cùng nhiều hiện vật quý hiếm từ thời Lý đến nay vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn. Đặc biệt, ở triều Lê Sơ, Mạc kế tiếp, qua các lần trùng tu đã để lại di vật nổi tiếng, trong đó có khám thờ gỗ sơn son thếp vàng - sản phẩm tiêu biểu của kỹ nghệ sơn thếp truyền thống ở thế kỷ XVI (triều Mạc).

Với những giá trị lịch sử đặc biệt tiêu biểu, tượng đôi sư tử đá thời Lý và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng ở di tích vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia. Hai Bảo vật quốc gia này đều là những hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, nhất là liên quan đến danh nhân có công với dân, với nước là Nguyên phi Ỷ Lan.

Tượng đôi sư tử đá được đặt tại tòa Tam bảo của đền, tạo tác từ đá khối, có công năng là bệ thờ Phật với kích thước lớn (cao 1m và rộng 1.36m), tư thế phủ phục. Tượng do người Việt chế tác, các hình khối trên mặt sư tử được nhấn mạnh qua những nét đục, chạm vừa uyển chuyển, mềm mại vừa tạo được phong thái uy nghi mà vẫn hiền hòa. Trán sư tử ngắn, chiếc mũi to bè, miệng mở rộng, lưỡi đỡ viên ngọc, hàm răng đều đặn, cổ đeo dây lục lạc, chân mập... Đặc biệt, đôi mắt sư tử đá rất có “hồn” và thần thái ẩn dưới hàng mi cong uốn lượn, đôi lông mày rậm. Với bàn tay tài hoa, khéo léo và óc thẩm mỹ cao, các nghệ nhân thời Lý sử dụng nhiều họa tiết đan móc, khi thì gợn nhỏ tựa lưng vào nhau thành đường viền quanh miệng, lúc lại to sù lên ở vai, khi lại xếp thành những bông hoa hé nở ở móng và chân khiến cho con vật giống như thật, như đang sống với hơi thở nhịp nhàng. Đây xứng đáng là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu mang đậm dấu ấn thời đại.

Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng - một trong hai Bảo vật quốc gia tại đền Nguyên phi Ỷ LanKhám thờ gỗ sơn son thếp vàng - một trong hai Bảo vật quốc gia tại đền Nguyên phi Ỷ Lan

Nếu tượng đôi sư tử đá trở thành biểu tượng điêu khắc đá thời Lý thì khám thờ gỗ sơn son thếp vàng tại đền - chùa Bà Tấm lại tiêu biểu cho loại hình đồ thờ trong đền chùa, đại diện cho kỹ nghệ chạm gỗ, sơn son thếp vàng của nước ta. Trải qua hơn 400 năm, đến nay, đây là một trong ba khám thờ có niên đại sớm nhất mang phong cách trang trí nghệ thuật vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Khám thờ cao 1.7m, rộng thân 63cm, rộng chân 67cm; được làm theo kiểu long đình, như là hình thức của một công trình kiến trúc thu nhỏ, có nhiều chi tiết đặc sắc. Cấu tạo khám thờ gồm bộ mái, thân, chân đế và được liên kết với nhau bằng mộng và chồng đấu; trong đó bộ mái là phần ấn tượng nhất, được chế tác theo kiểu thức chồng diêm, 2 tầng 8 lợp ngói âm dương…

Vẻ đẹp của miền quê trù phú

Đến với khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia đền - chùa Bà Tấm, du khách không chỉ thành tâm tưởng nhớ vị nữ danh nhân đã có công với đất nước mà còn là nơi tìm về những giá trị văn hoá, lịch sử, kiến trúc của triều đại nhà Lý và một số di tích lịch sử, trong đó, có đài Điện ly - nơi đặt nền móng cho ngành bưu chính viễn thông của nước ta.

Với niềm tự hào và vinh dự của những người con quê hương Dương Xá, năm 2021, cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân xã Dương Xá đã chỉnh trang các bức tường bao quanh khu di tích bằng những bức tranh bích hoạ với nhiều nét vẽ sinh động, chân thật, tái hiện nét đẹp của quê hương, đất nước. Du khách đến tham quan có thêm trải nghiệm thú vị, điểm check-in ấn tượng bên những bức tranh vẽ đẹp. Là một trong số ít những xã nông thôn mới nâng cao của huyện Gia Lâm, đường làng ngõ xóm tại xã Dương Xá đã được cải tạo, mở rộng, khang trang và sạch đẹp. Ngoài hệ thống 100 bức tranh quanh khu di tích, bà con trong xã đã đầu tư chỉnh trang các bức tường nhà, trang trí bằng những bức tranh bích hoạ tái hiện đời sống nông dân, sản phẩm nông nghiệp rất ấn tượng và đẹp mắt; trồng hoa và cây xanh dọc các tuyến đường làng, ở vườn nhà, ban công... góp phần tạo nên những không gian xanh - sạch - đẹp và văn minh.

Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội tham quan công trình tranh bích hoạ được thực hiện tại bức tường bao quanh khu di tíchĐoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội tham quan công trình tranh bích hoạ được thực hiện tại bức tường bao quanh khu di tích

Là địa phương thuần nông nằm bên bờ sông Đuống, Dương Xá hiện vẫn còn nhiều diện tích đất nông nghiệp với những cánh đồng, vườn cây ăn trái (bưởi, cam) quanh năm tươi tốt. Đặc biệt, tại thôn Dương Đá, bà con vẫn còn lưu giữ và phát triển giống nghệ vàng quý hiếm cùng nhiều loại cây gia vị khác như sả, mùi, gừng, chanh... Củ nghệ vàng hợp với chất đất nông nghiệp của Dương Xá cho sản phẩm có ruột màu đỏ, mùi thơm đặc trưng, đặc biệt là rất giàu curcumin - là hoạt chất rất tốt cho cơ thể, có tác dụng chống viêm, chống oxy hoá mạnh. Vì thế, củ nghệ ở đây thường được gọi là nghệ nếp thơm Dương Xá. Từ những năm bao cấp khó khăn, bà con trong làng tần tảo chịu khó chăm sóc, thu hái rồi hàng ngày chở các loại củ, quả đằng sau chiếc xe đạp cũ sang nội thành kiếm sống qua ngày. Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó cùng đôi bàn tay khéo léo, sự nhanh nhạy với thị trường, chị em phụ nữ ở xã từ lâu đã biết sơ chế củ nghệ: xắt miếng, phơi khô hoặc làm tinh bột để bán quanh năm, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định. Sau này, khi có máy móc công nghệ hiện đại, chị em mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật để thử nghiệm sản xuất thành công viên tinh bột nghệ, tinh dầu nghệ và các sản phẩm làm đẹp từ nghệ nguyên chất.

Người phụ nữ gắn bó và thành công nhất với cây nghệ Dương Xá là nhà nông Nguyễn Thị Bé - chủ cơ sở sản xuất tinh bột nghệ, tinh dầu Bà Bé. Sản phẩm của bà từ năm 2019 được xếp hạng OCOP 4 sao của TP Hà Nội và là một trong hai sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu với đông đảo du khách tại khu di tích lịch sử văn hoá đền Nguyên phi Ỷ Lan. Cơ sở sản xuất và vùng nguyên liệu sản xuất tinh bột nghệ, tinh dầu các loại (gừng, xả, chanh, mùi già, bưởi…) của bà Bé và các hộ nông dân nằm ngay trong làng, trên vùng đất bãi. Du khách có thể tham quan, trải nghiệm việc trồng hái sản phẩm nông nghiệp cây gia vị, tìm hiểu quy trình sản xuất, trò chuyện với những nữ nông dân đảm đang của Dương Xá.

THẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Mẹ già

Mẹ già

(PNTĐ) - Một năm trước, khi sắp kết thúc thời gian nghỉ sinh, Thoa bàn với chồng: “Mình thuê người trông con thêm đôi tháng. Em tính khi con được ngoài năm thì gửi con đi trẻ. Gần nhà mình cũng có địa điểm trông trẻ nhỏ anh ạ”.
Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

(PNTĐ) - Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.
Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

(PNTĐ) - Sau 3 năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” đã được triển khai thực hiện rộng khắp, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của các tầng lớp phụ nữ cả nước.