Đi lễ đầu năm - đừng coi đó là phiên chợ

Chia sẻ

Tháng Giêng là dịp đi lễ chùa. Với người Việt, tuy không có một tôn giáo độc tôn nhưng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và lòng thành kính Phật luôn được đề cao. Người già đến chùa chiền để cầu sức khoẻ, bình an, người trẻ tới cầu may mắn trên chặng đường đời và đôi khi chỉ để vãn cảnh, dưỡng tâm thanh tịnh.

Nhưng, với người viết bài này, nỗi ám ảnh nhất có lẽ là chuyện gặp những người phụ nữ đi lễ chùa vào mùa xuân. Từ các lễ hội lớn đến những ngôi chùa nhỏ, dường như cứ thấy họ là thấy sự cầu kỳ, sùng bái và mê muội quá mức bởi những mâm lễ. Thay vì thảnh thơi là sự nặng nhọc, khệ nệ bưng bê như người đi phu, đi phen thuở xưa.

Có lần, cơ quan tôi đi lễ chùa, anh bạn tôi rỉ tai: “Vì điều kiện xe nhỏ, cậu nên tư vấn với sếp đừng nên cho chị em đi nhiều, một hai cô là đủ, chứ để các bà ấy bày vẽ thì chết dở…”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực ra, tôi cũng đâu lạ gì chuyện này. Ngay từ trong tháng Chạp đã thấy nhiều chị em trong cơ quan tụm năm, tụm ba bàn tán chuyện đi lễ như thế nào cho… chuẩn. Nào là nên mặc áo gì, nên đi lễ chùa nào, lễ lạt ra sao, phúc họa ứng vận... Phải nghe các chị em “thảo luận” mới thấy thế giới tâm linh mà họ tưởng tượng ra cũng sôi nổi, náo nức như một cái chợ thực thụ chứ chẳng phải vừa. Cũng có xin lộc, có cầu cúng, có “đầu tư”, có mánh khoé, lựa chọn “thị trường” và kết quả thu lại được.

Tôi tự hỏi: Suy cho cùng, có phải họ đã quá kỳ vọng vào việc đi lễ đầu năm hay không? Thay vì trông chờ vào năng lực của bản thân, vào sự cố gắng, nỗ lực của mình thì họ lại đặt hoàn toàn niềm tin vào chuyện khẩn cầu, xin xỏ nơi cửa Phật, cửa phủ. Từ bao giờ những người phụ nữ đã tự đặt lên vai mình gánh nặng ấy?

Tôi nhớ hình ảnh những đôi trai gái đưa nhau đi vãn cảnh chùa. Họ thật tình tứ, hạnh phúc và vô tư. Nhưng cũng chính những cặp đôi ấy, sau khi thành thân, bao nỗi lo cơm áo khiến họ phải suy nghĩ. Từ chuyện người bạn đời có lối sống thay đổi sau hôn nhân, không như mong muốn đến những lo toan tiền bạc khiến những cô gái hồn nhiên hôm nào giờ đây phải tự cắt nghĩa về cuộc đời bằng hai từ: số mệnh. Số mệnh ấy chính là định mệnh đã áp đặt lên cuộc đời của họ, họ cần làm gì đó để thay đổi và đó chính là cơ hội để muôn vàn thứ suy diễn nảy sinh.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tâm lý chung của nhiều chị em phụ nữ đều là muốn vun vén cho gia đình. Hay nói cách khác, sau khi kết hôn, tất cả tâm trí của họ đều dành cho cơm áo. Ban đầu là vì một cuộc sống ổn định, rồi con cái học hành, chồng thành đạt… nhưng tham vọng không có điểm dừng, đã giàu rồi còn muốn giàu nữa. Nào là xe phải sang hơn thiên hạ, nhà phải to đẹp hơn thiên hạ. Ngày Tết thì từ bông hoa phải to hơn, tươi hơn nhà hàng xóm, bàn thờ phải có mâm ngũ quả đẹp hơn, lạ hơn. Mà nếu có giống nhau thì trái bưởi, nải chuối nhà mình phải chất hơn vì mua tại vườn, vì giống thuần chủng, vì được mua tại siêu thị… tóm lại vẫn phải nhỉnh hơn nhà người ta.

Những khát vọng vô bờ bến đó đã biến các cô gái trẻ vô tư thành những người phụ nữ đầy toan tính, nhanh già và đố kỵ, bon chen. Có người từng nói vui, nhìn phụ nữ già nhất, nhanh xuống sắc nhất là lúc họ khệ nệ bưng mâm lễ chen chúc nơi cửa phật, cửa đền.

Nhưng cánh đàn ông đã mấy người tự hỏi: Vì sao những người phụ nữ ấy lại nặng nề chuyện đi lễ đầu năm? Đó là thói quen, nếp nghĩ của họ hay có một phần từ trách nhiệm của chúng ta? Mùa xuân - sự khởi đầu cho một năm của đất trời, mở ra cơ hội làm ăn, buôn bán, học tập của xã hội nhưng còn là cơ hội đổi thay, cải tạo cuộc sống bấy lâu nay trong từng gia đình. Người phụ nữ bị thất sủng mong chồng hồi tâm chuyển ý, ít nhất là thương lấy con cái, có trách nhiệm với gia đình thay vì mải mê theo đuổi dục vọng rồi một ngày “bắc thang lên hỏi ông trời…” thì đã quá muộn. Có người vợ mong người chồng cờ bạc, rượu chè, vũ phu biết thương lấy vợ con, tu chí làm ăn. Người phụ nữ nào đó lại ấm ức vì đức lang quân cũng học rộng, tài cao mà công danh không được như mong muốn, cái ghế này, ghế kia lại không đến tay chồng… Có lẽ, từ lối sống của chính những người đàn ông đã khiến vợ con họ bi quan, tin vào thế giới tâm linh, tin vào sự màu nhiệm của số phận, vào sự ứng nghiệm của việc cầu cúng. Nếu đấng mày râu biết nghĩ đến gia đình, biết khuyên giải vợ con đừng chạy theo tham vọng tiền của, quan tước thì không khí ngày xuân nơi thanh tĩnh sẽ khác. Chúng ta sẽ được chứng kiến những cách hành xử đẹp, có văn hoá hơn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày đầu năm, nhắc đến chuyện đi lễ chùa của những người phụ nữ cũng là điều không hề mới. Các bài viết phân tích, dưới góc nhìn của các nhà văn hoá, chuyên gia tâm lý đều đã chỉ ra những bất cập ấy. Có điều, để thay đổi suy nghĩ, thói quen thì không phải chuyện ngày một ngày hai.

Còn nhớ, cách đây vài năm, khi đứa con trai lớn bị tai nạn xe máy, một chị ở công ty của tôi quyết định gửi niềm tin vào chốn tâm linh. Không chỉ đi lễ đầu năm rất “tươm tất” mà các ngày Rằm, mồng Một và các dịp lễ trong năm chị đều “đầu tư” khá tốn kém. Bẵng đi vài năm, tôi gặp chị đi làm người giúp việc cho một gia đình. Hỏi ra mới biết, vì nợ nần nhiều, vay tín dụng đen, chị mất nhà, mất đất; người chồng không thể chung sống với chị nên đã ly hôn và về quê. Các con chị đều đi làm xa. Gặp lại chị với thân hình phờ phạc, mắt trũng sâu nhưng miệng vẫn liến thoắng giảng giải cho mấy người phụ nữ đầu ngõ về “phép tắc” đi lễ ngày mồng mấy, chú ý điều gì, cầu gì, được gì, các mẹo mực… Thế mới biết vì sao chị em phụ nữ dễ dàng trở thành “khách hàng tiềm năng”của những kẻ buôn thần bán thánh. Chính chúng ta đã tạo ra cơ hội để họ trục lợi.

Mùa xuân là những hy vọng với mỗi chúng ta nhưng đừng biến những hy vọng ấy thành áp lực và mong lại được thấy bóng hình những người phụ nữ xinh đẹp, hồn nhiên tha thướt trong sắc áo xuân đi lễ chùa.

PHƯƠNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.