Đình làng Trúc Động - ngôi làng cổ nhất của huyện Thạch Thất

Chia sẻ

Xã Đồng Trúc nằm ở phía Nam huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội, là nơi có nhiều địa chỉ khảo cổ, di vật với những dấu tích có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu tìm hiểu lịch sử, văn hoá, khoa học, tôn giáo và tín ngưỡng.

Từ xưa, dân gian đã truyền tụng câu ngạn ngữ: Cầu Nam, Chùa Bắc, Đình Đoài. Điều này thật đúng bởi đình ở xã Đồng Trúc là còn bảo tồn được khá nguyên vẹn ba ngôi đình là đình Trúc Động, đình Đồng Táng và đình Đồng Kho. Trong đó, nổi tiếng và đẹp nhất là đình làng Trúc Động.

Dân gian truyền lại rằng: vị Thành Hoàng của làng thờ ở đình Trúc Động có tên là Giám Sát. Ngài vốn là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa tại Hát Môn (huyện Phúc Thọ, giáp với Thạch Thất). Một lần cầm quân đánh đuổi giặc Tô Định xâm lược, Hai Bà nghỉ đêm tại làng Trúc Động. Đêm đó, bà Trưng Trắc chiêm bao thấy một cụ già dáng người cao lớn, từ ngoài đi vào doanh trại xưng tên là Giám Sát, con vua Lạc Long Quân làm thần ở làng Trúc Động. Cụ già hứa phù hộ Hai Bà đánh tan quân xâm lược. Hôm sau, Hai Bà mang quân ra trận và đã đánh tan giặc do tướng giặc là Tô Định cầm đầu, đúng như trong giấc mơ. Quân ta thu được 65 thành, non sông về một mối, nghiệp xưa của các vua Hùng được khôi phục đúng như lời thề nguyền buổi Hai Bà xuất quân.

Nghĩ tới công lao phù trợ của vị thần làng Trúc Động, Hai Bà bèn cho dân làng lập miếu thờ, phong vị thần Giám Sát vào hàng Thượng đẳng thần, sau này là Thành Hoàng của làng, thờ ở đình Trúc Động.

Đình làng Trúc Động - ngôi làng cổ nhất của huyện Thạch Thất - ảnh 1

Đến nay đình Trúc Động hiện còn lưu giữ được 33 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam; cổ nhất là đạo sắc phong niên đại Đức Long năm thứ 3 (1632), đạo sắc phong cuối cùng thuộc niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Tại đình còn lưu giữ được 4 bản ngọc phả, trong đó, có bản “Trúc Động xã sự tích”, một văn bản quý hiếm xét ở góc độ lịch sử thành văn làng xã Việt Nam. Các bản ngọc phả đó góp thêm những căn cứ giúp cho việc nghiên cứu để khẳng định quê quán của Hai Bà Trưng chính là ở Hạ Lôi (Hạ Bằng, Thạch Thất) và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã diễn ra trên một địa bàn rộng lớn gồm nhiều tỉnh thành hiện nay Hà Tây (cũ), Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… Riêng trên địa bàn Hà Tây (cũ) còn rất nhiều địa phương ở Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ.. . ghi dấu chiến công giữ nước của Hai Bà.

Được coi là ngôi đình cổ nhất ở huyện Thạch Thất còn lưu giữ được cho đến nay, trải qua những biến thiên của lịch sử, đình Trúc Động đã nhiều lần được tu sửa. Kiểu dáng kiến trúc của đình Trúc Động mang đậm dấu ấn kiến trúc đình chùa Việt Nam thế kỷ XVI – XVII với quy mô bề thế: cửa đình ngoảnh hướng Nam, phía trước là một ao sen rộng chừng một mẫu Bắc Bộ. Cạnh đó là một giếng nguyệt tròn, thành xây đá ong tường cao 0,7m, đường kính 2,5m. Diện tích khuôn viên đình trên 3 sào Bắc Bộ, tường đá ong xây bao quanh, sân đình đặt hai tượng voi đá hướng chầu vào nhau. Đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Công trình kiến trúc chính gồm ngôi nhà Tiền Tế và Đại Đình.

Giá trị nổi bật là nghệ thuật điêu khắc và trang trí đã được các nghệ nhân xưa thể hiện trên các kiến trúc gỗ, tập trung ở các bộ nhà vì Tiền Tế và Đại Đình. Đề tài chạm khắc gỗ là rồng, phượng, các loại vật thiêng, hoa lá… mang tính truyền thống cao, đậm nét phong cách nghệ thuật cuối Lê, đầu Nguyễn. Đặc biệt là các tác phẩm hình rồng ở đầu bẩy, đầu dư của nhà Đại Đình, nét chạm mạch lạc, chắc, thoáng, khoẻ, mang phong cách nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ XVIII. Đình hiện còn một bia đá thời Lê, ghi chép điều lệ ruộng đất, chức sắc, thể lệ vui chơi trong lễ hội… Ở Đại Đình có đôi hạc gỗ thờ, cao tới 2,62m sơn son thiếp vàng đứng trên lưng rùa rất đẹp.

Đình Trúc Động tọa lạc trên khu đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, là di tích nổi tiếng trong vùng. Trước đây hàng năm, địa phương tổ chức lễ hội Xuân Thu nhị kỳ. Mùa xuân vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, mùa thu ngày 13 tháng 8 âm lịch. Dịp đó, dân làng và khách thập phương về trẩy hội Trúc đông vui, có tế lễ, diễn xướng và những trò chơi thể thao, giải trí.

Do kiến trúc đình Trúc Động phản ánh khá tiêu biểu lịch sử nghệ thuật kiến trúc đình Việt Nam nên đây cũng là địa chỉ thường xuyên tiếp đón du khách thập phương, các nhà khoa học, các đoàn thực tập về nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hoá làng xã, kiến trúc, tôn giáo. Ngày 27/3/1991, đình Trúc Động đã được xếp hạng Di tich lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.

THÁI DŨNG (biên soạn và tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.