Đọc Nhà văn và chữ tình gởi lại

Nhà văn Nguyễn Bình Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nghệ sĩ là người đứng giữa thánh với phàm. Nói cách khác, họ là cầu nối giữa thánh với phàm. Khi viết về nghệ sĩ, đẩy họ lên cao, sang hẳn thánh thì không phải lẽ, bởi thánh chẳng bao giờ thấu hiểu được nỗi nhân quần.

Nghệ sĩ là người đứng giữa thánh với phàm. Nói cách khác, họ là cầu nối giữa thánh với phàm. Khi viết về nghệ sĩ, đẩy họ lên cao, sang hẳn thánh thì không phải lẽ, bởi thánh chẳng bao giờ thấu hiểu được nỗi nhân quần. Mà kéo họ xuống phàm cũng không đúng, bởi phàm thì làm sao nhìn ra độ thăm thẳm của cõi người trong các sáng tạo. Vì là giữa thánh với phàm nên nghệ sĩ luôn luôn gần, cũng luôn luôn đặc biệt. Cái gần mà cũng đặc biệt này, được thể hiện qua các chi tiết, các ứng xử, các hành động của người nghệ sĩ chứ không phải qua lời bình tán của người viết. 

Cuốn hồi ức văn học Nhà văn và chữ tình gởi lại của tác giả Trình Quang Phú có nhiều câu chuyện về cách ứng xử của các văn nghệ sĩ lớn như: Văn Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Trần Độ, Trần Hữu Thung, Thu Bồn, Võ An Ninh... Vì được chọn lọc nên mỗi câu chuyện đều có những chi tiết chứa độ sâu sắc, đa nghĩa đến mức cảm giác như là sản phẩm sáng tạo chứ không phải phản ứng tự nhiên trong sinh hoạt thường ngày. Dĩ nhiên, độ sâu sắc này là vô thức và chính nó, chính cái cách hành xử của văn nghệ sĩ, đã là một hành vi sáng tạo, chẳng chờ đến ngồi vào bàn để viết. Nghĩa là đời họ, hành xử của họ cũng đã có bóng dáng của sáng tạo. 

Xin đơn cử hai chi tiết trong cuốn sách, mà bản thân nó đã nói lên rất nhiều nghĩa.

Đọc Nhà văn và chữ tình gởi lại - ảnh 1

Chi tiết thứ nhất kể về Nguyễn Tuân cùng đoàn nhà văn đi thực tế ở Cô Tô. Đoàn thực tế chia hai, mỗi nhóm ở một đầu đảo. Đêm ấy bão to. Giữa lúc bão to thì mọi người ở nhóm thứ hai nhận được điện thoại của Nguyễn Tuân gọi hỏi thăm. Ai cũng xúc động vì sự chu đáo, ân tình này. Nhưng rồi chính Nguyễn Tuân lại xì ra, ngoài mục đích thăm hỏi sự an toàn của mọi người, mục đích thứ hai của ông là để kiểm tra xem đường điện thoại có tốt không, vì nó do bưu điện Việt Nam tự kéo ngầm. Cái “quái” của Nguyễn Tuân trong kiểm định thực tế là ở đấy, cái thật thà thú nhận cũng rất nghệ sĩ. Nhưng trên cả cái sự quái và thật thà kia, còn có một thứ nữa, đó là cái “tình” với nghề văn, và cái tình với bưu điện nội địa của một nghệ sĩ lớn.

Chi tiết thứ hai kể về một chuyến đi của nhà văn Nguyễn Tạo. Trong văn học của phương Đông lẫn phương Tây có những chuyến đi hết sức ngoạn mục. Văn học Nhật Bản có truyện viết về tình bạn giữa hai chàng trai, hàng năm họ vẫn hẹn nhau đến mùa hoa cúc nở thì cùng nhau đến thưởng ngoạn, dù có xa xôi đến mấy. Lần này, đến mùa hoa cúc, một người đã đến, còn người kia không may lại bị ốm, không thể đến được. Vì nhớ lời hẹn, và muốn giữ đúng lời hẹn, anh ta đã tự sát để linh hồn mình kịp đến chỗ hẹn với người bạn. Còn trong tác phẩm của một nhà văn Pháp, kể về chú bé hoàng tử lạc từ một hành tinh nào đó trong dải thiên hà xuống trái đất. Trong khi khám phá trái đất, chú bé hoàng tử vẫn đau đáu nhớ quê mà chẳng có cách nào về được vì đường xa mà thân xác chú ngày một nặng nhọc.

Thế là một ngày kia, chú bé hoàng tử nhờ con rắn cực độc cắn mình một nhát để linh hồn chú thoát ra khỏi thể xác phàm, về với quê hương xa xăm của mình. Hai chuyến đi vừa kể đặc biệt, nhưng nó là chuyến đi của sự huyền ảo, mang tinh thần sáng tác nhiều hơn. Trong cuốn hồi ức văn học này, phần viết về nhà văn Nguyễn Tạo, cũng xuất hiện một chuyến đi vô tiền khoáng hậu. Nguyễn Tạo bị bắt giam trong nhà giam có một mét rưỡi. Ông vốn rất yêu Cà Mau, nhưng lại chưa có điều kiện đến. Thế là ở trong căn phòng giam chỉ có một mét rưỡi ấy, Nguyễn Tạo đã sắp xếp kế hoạch đi đến Cà Mau, nơi có khoảng cách xa chỗ ông bị giam hơn ba ngàn cây số. Nguyễn Tạo thực hiện chuyến đi bằng cách đi quanh quẩn trong căn phòng hơn mét kia, sao cho một ngày đạt được 50km. Và ông đã kiên trì đi cho đến khi đúng 3 nghìn km thì coi như đã chạm tới Đất Mũi. Phải là người mang cái “tình” lớn đến thế nào mới thực hiện được hành trình ấy, cái hành trình gớm ghê, ngoạn mục hơn cả của hoàng tử bé và chàng thư sinh người Nhật. 

Có thể dẫn ra nhiều những chi tiết đắt trong cuốn sách. Những chi tiết này cho thấy, hiện thực luôn sinh động phong phú đến mức, đôi khi nó vượt qua cả trí tưởng tượng của người nghệ sĩ. 

Nhà văn và chữ tình giởi lại chính là một chữ tình của tác giả gửi đến những nhà văn, nhà thơ mà ông đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc trong suốt quá trình hoạt động văn học của mình. 

Cuốn sách cũng là một mảnh ghép để hoàn thiện thêm sự nghiệp sáng tác dầy dặn, bền bỉ của chính giáo sư, nhà văn Trình Quang Phú. 

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.