“Giải mã” bệnh nói dối ở trẻ

Chia sẻ

Khi phát hiện con nói dối, cảm giác đầu tiên của nhiều cha mẹ là lo lắng, hụt hẫng. Nhưng, sự thực thì hành vi nói dối có “tệ hại” như vậy không? Vì sao trẻ lại nói dối? Cha mẹ nên ứng xử ra sao khi con nói dối? Hãy cùng bà Lê Hiền, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, sáng lập viên "trường học DoEdu" giải mã bệnh nói dối ở trẻ.

Nhiều cha mẹ tâm sự, con họ “nói chưa sõi” mà đã biết nói dối. Theo bà, trẻ biết nói dối từ lúc nào? Trẻ nói dối sớm có đáng lo ngại không?

Trẻ em có thể nói dối ngay từ khi còn nhỏ, thường là khoảng 3 tuổi hoặc thậm chí sớm hơn. Việc nói dối này có thể diễn ra hàng ngày. Ví dụ: khi phát hiện thấy dưới chân con gái 3 tuổi có 1 vũng nước, người mẹ hỏi con: “Có phải con đã làm ướt quần không?”. Đứa trẻ lắc đầu và nói: “Không phải con, mèo đấy”.

Rõ ràng, trẻ đã nói dối mẹ nhưng lúc này, chính trẻ cũng chưa biết đó là nói dối. Trẻ chỉ không muốn thừa nhận là mình làm ướt quần vì sợ bị chê cười mà thôi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lời nói dối đầu tiên đó có thể được coi là một mốc phát triển của trẻ. Trẻ bắt đầu nhận ra không phải mọi suy nghĩ của trẻ người lớn đều có thể đọc được, và trẻ có thể nói dối để bảo vệ cảm xúc của mình.

Đến 4 tuổi, trẻ đã dần biết sự khác biệt giữa nói thật và nói dối. Tuy nhiên lời nói dối lúc này còn có phần vụng về và cha mẹ có thể dễ dàng “truy” ra sự thật. Khi đến tuổi đi học, trẻ có thể nói dối nhiều hơn và che dấu lời nói dối tốt hơn. Đây cũng là lúc cha mẹ cần lưu tâm nhiều hơn đến hành vi nói dối của trẻ.

Vậy, nguyên nhân nào khiến trẻ nói dối?

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nói dối. Chẳng hạn, trẻ nói dối để che đậy điều gì đó hoặc để tránh gặp rắc rối, đây là kiểu nói dối phòng thủ. Đôi khi trẻ nói dối để đạt được mục đích nào đó. Ví dụ trẻ thích ăn kẹo nhưng mẹ không cho nên chúng nói dối bà: “Bà lấy kẹo cho cháu. Mẹ đã đồng ý cho cháu ăn kẹo”. Trẻ nói dối cũng có thể để câu chuyện của chúng nghe thú vị hơn. Trẻ nói dối còn nhằm nâng cao lòng tự trọng của mình. Trẻ thấy những lời nói hoành tráng để bản thân có vẻ giúp trẻ ấn tượng hơn, đặc biệt hơn so với người khác. Và có khi trẻ nói dối để bảo vệ cảm xúc của mình hay của ai đó.

Trong hầu hết các trường hợp, cha mẹ cần lưu ý hơn cả đến kiểu nói dối phòng thủ. Theo cách nghĩ của trẻ, nói dối nhằm tránh rắc rối vì nói thật có thể khiến phải chịu hậu quả tai hại hơn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sở dĩ trẻ có suy nghĩ vậy, có thể do trước đó, cha mẹ đã la mắng hay trừng phạt khi trẻ mắc lỗi. Ví dụ khi trẻ không may làm vỡ cốc và bị bố mẹ la mắng, lần sau trẻ sẽ có suy nghĩ phải giấu nhẹm sự việc đi, nếu ai hỏi thì nói rằng con không biết hoặc con không làm vỡ cốc. Một số cha mẹ đã dỗ dành để trẻ dũng cảm nói ra sự thật, nhưng, ngay sau đó, liền quay ra la mắng, trừng phạt trẻ. Và trẻ sẽ rút ra bài học lần sau, “chớ dại nói thật”.

Theo bà, những lời nói dối nào của trẻ cha mẹ không cần lo lắng? Lúc nào thì cha mẹ cần nghiêm túc nhìn nhận việc nói dối là xấu?

Trong khoảng 2 – 3 tuổi, trẻ sẽ tự nghĩ ra các câu nói dối vô cùng đơn giản để phủ nhận việc chúng đã làm. Cha mẹ không cần phải lo lắng với lời nói dối này, vì trẻ cũng không thật sự nhận thức được rằng đó là nói dối và nói dối là không đúng.

Trẻ mẫu giáo cũng thường hay kể chuyện bằng trí tưởng tượng phong phú của mình. Giả vờ và tưởng tượng rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Những câu chuyện kể kiểu này không nên là nói dối, đặc biệt là đối với trẻ em dưới 4 tuổi.

Với trẻ lớn và đã biết nhận thức về cảm xúc của người đối diện, trẻ sẽ học được cách nói dối để người khác hài lòng hoặc cải thiện cảm xúc của người khác. Ví dụ khi con nhận một món quà, và được hỏi “con có thích không?”, mặc dù không thích nhưng con vẫn cảm ơn và dành lời khen cho món quà đó. Đây là lời nói dối vô hại và thể hiện rằng con đang học được phép ứng xử lịch sử trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu tâm khi con nói dối để đạt được mục đích riêng hay để che đậy điều gì đó, và số lần con nói dối ngày càng tăng lên. Ban đầu những lời nói dối nho nhỏ này dễ bị cha mẹ bỏ qua, nhưng nếu người lớn không định hướng kịp thời, trẻ dễ có cái nhìn lệch lạc về tính trung thực, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và đạo đức của trẻ.

Thưa bà, cha mẹ cần làm gì để chữa bệnh nói dối ở con?

Đầu tiên thay vì “chữa bệnh” nói dối, hãy “phòng bệnh” bằng cách đề cao sự quan trọng của lòng trung thực trong gia đình. Quan trọng hơn, cha mẹ hãy trở thành tấm gương cho con cái. Khi trẻ thấy bố mẹ nói dối bất cứ điều gì với bất kỳ ai, trẻ sẽ học được cách nói dối ngay cả khi không ai dạy chúng. Nếu trong một số trường hợp quan trọng, cần nói dối khi có mặt trẻ ở đó, hãy giải thích cho con vì sao bạn cần phải nói dối (vì phép lịch sự, để nói giảm nói tránh…).

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cha mẹ cần phải tìm hiểu xem con nói dối nhiều lần hay đó là sự cố một lần. Sự cố một lần như trẻ nói dối về bài học hoặc để không phải làm việc nhà không phải là điều bất thường ở trẻ. Cách phản ứng tốt nhất của cha mẹ là nhẹ nhàng bày tỏ sự không hài lòng của mình và mong rằng không có lần sau. Nhưng nếu nói dối là nhiều lần, cha mẹ cần tìm hiểu lý do. La mắng hay xử phạt đều không có ích gì cả. Quan trọng là bắt đúng bệnh để dùng đúng thuốc.

Nếu trẻ nhiều lần nói dối để đạt được mục đích nào đó, cha mẹ cần xem xét tạo quy tắc trong gia đình để thỏa thuận về mong muốn của trẻ và trẻ sẽ không cần phải tiếp tục nói dối. Trẻ hay nói dối “không có bài tập” hay “con học xong rồi” chỉ đơn giản bởi muốn có thêm thời gian xem ti vi. Vậy những gì người mẹ cần làm là giúp trẻ lên kế hoạch học tập với thời gian hợp lý. Mỗi tối trẻ cần học bài trong ít nhất 1 giờ đồng hồ, sau thời gian đó trẻ có thể xem tivi 30 phút.

Nếu trẻ thường xuyên nói dối để phòng thủ, che giấu lỗi lầm, cha mẹ cần phải bình tĩnh suy xét lại bản thân. Cha mẹ có cho con sự tự tin để con cảm thấy an toàn khi tiết lộ mọi thứ với cha mẹ hay không? Cha mẹ hãy cho con quyền được sai lầm. Thay vì chỉ trích khi con bị điểm kém, la mắng khi con làm sai, hãy giúp con nhận ra lỗi sai và tìm cách làm tốt hơn cho lần sau.

Về lâu dài, giải pháp hiệu quả nhất là cha mẹ hãy cố gắng hiểu thông điệp mà con đang truyền tải. Hãy ở bên cạnh con, xây dựng sự tin tưởng, gắn kết, tăng cảm giác an toàn trong gia đình để các con có thể sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ sự thật mà không bất an sợ hãi. Khi khoảng cách giữa cha mẹ và con được xóa bỏ, trẻ có cảm giác an toàn thì không có lý do gì để nói dối.

Xin cảm ơn bà.

HOÀNG LAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.