Khốn khổ vì vợ... hay chành chọe

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Anh Phong, anh biết điều bao nhiêu thì vợ anh ghê gớm bấy nhiêu. Sau này, chúng em chỉ thích bán hàng cho anh thôi, chứ vợ anh thì đây xin kiếu”.

Bữa đó, vì vợ vắng nhà nên Phong tranh thủ tạt qua chợ, mua ít thức ăn về nấu bữa chiều. Ai dè, cô hàng thịt vừa trông thấy anh đã túm ngay lại than thở. Xong câu chuyện, cô ấy còn lắc đầu, chẹp miệng rồi dành cho anh ánh mắt đầy thương cảm. Phong ngại quá, đành xin lỗi thay cho vợ. Mặc dù không được chứng kiến toàn bộ sự việc, nhưng Phong biết, người ta phàn nàn về vợ anh như thế cũng không sai. Oanh - vợ Phong quả cũng ghê gớm, lúc nào cũng muốn “hơn người”. Phong đã không ít lần góp ý để vợ “một vừa hai phải” thôi nhưng cô ấy cứ hăng lên là quên hết.

Tối về nhà, Phong hỏi lại vợ về lời than vãn của cô bán thịt. Oanh chả  nhận sai, còn tỏ ra bức xúc không kém: “À, nó còn dám đưa chuyện với anh ư? Để đó, mai em ra xử lý nó một trận”. “Em đừng vớ vẩn, sống hòa bình chẳng được còn suốt ngày đi gây chuyện. Mà cụ thể việc đó như thế nào?”. Bị chồng hỏi, Oanh liền xả ra một thôi một hồi. Thì ra có 2 lần vợ Phong gây chiến với cô hàng thịt. Một lần, vợ Phong đã chọn được miếng thịt ngon mà cô bán thịt dám đổi thành miếng bạc nhạc. Khi bị Oanh “vạch mặt”, cô bán thịt lại liến thoắng thanh minh là đông khách nên chọn nhầm. Lần thứ hai, Oanh phát hiện cô bán thịt cân thiếu vài hoa nên dù đã về tới nhà, Oanh cũng quyết tâm quay lại để… đòi lại công lý. Oanh còn mắng cô bán thịt một trận, cho đến khi mọi người can ngăn thì mới dừng. 

Khốn khổ vì vợ... hay chành chọe - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chỉ cần nghe vợ nói, Phong đã có thể hình dung quang cảnh lúc đấy như thế nào. Nhà Phong chẳng giàu có để tiêu xài hoang phí nhưng Phong thấy mình cũng đâu cần phải chi li, giành giật từng đồng từng hào như vậy. Ra ngoài chợ, thấy mấy anh chị bán hàng lam lũ, nhiều lúc Phong còn vừa mua vừa cho, sẵn sàng chấp nhận mua đắt một chút, hay là kệ cho họ cân thiếu đi một chút cũng chẳng sao. Phong nghĩ lọt sàng xuống nia, mình giúp thêm được họ chút gì thì giúp. Cũng vì thế Phong được khá nhiều người bán hàng ở chợ yêu mến, mỗi lần thấy Phong là cứ đon đả gọi lại mời mở hàng hay mua giúp để giải vía. Biết Phong là đàn ông không khéo chợ búa, các bà các chị còn chọn giúp hàng tươi ngon, rồi còn nhặt giúp rau, làm hộ cá, chia khúc, chia phần tinh tươm. Phong thấy vậy là lãi cả về mặt tình cảm xóm giềng chứ nào có thiệt thòi gì.

Nhưng Oanh thì không suy nghĩ được như vậy. Oanh còn bảo Phong làm thế là dại, là tự biến mình trở thành thế yếu, để cho người ta nhảy lên đầu, lên cổ mình. Oanh không bao giờ chấp nhận mình thua kém ai. Trong mọi tình huống, cô luôn thích ganh đua, tranh giành thắng thua. Cô cũng chẳng kiêng nể ai bao giờ và có thể sẵn sàng xả hết suy nghĩ trong đầu mình vào mặt người khác, dù đó là ai, bất chấp có làm họ tổn thương không. Như với cô bán thịt, Phong bảo vợ, có gì cô ấy sơ suất thì em góp ý nhẹ nhàng, dù gì cũng là chỗ quen biết. Nhưng Oanh thì cứ cậy thế chanh chua.

Phong còn nhớ lần đó, Oanh đến trường đón con thì thấy con bị xây xước trên cánh tay. Hỏi thì con nói là do một bạn cùng lớp cào. Việc trẻ con chơi đùa rồi bị thương rất bình thường, nhưng Oanh vẫn tỏ ra ấm ức. Thế là Oanh làm ầm ĩ ở lớp, yêu cầu cô giáo cũng phải liên đới trách nhiệm rồi đòi bố mẹ cậu bạn kia phải tới gặp Oanh để xin lỗi và về nhà dạy bảo lại con mình. Oanh cho rằng, mình mà nhịn lần này thì sẽ khiến con bị bắt nạt trong những lần tiếp theo. Khổ nỗi, khi bố mẹ cậu bé kia đến, trường cho trích xuất lại camera thì phát hiện con trai Phong lại là người đẩy bạn ngã trước, vì thế mới xảy ra sự việc con bị bạn cào xước tay. Đến lúc này, Oanh mới chịu nguôi giận nhưng mà vẫn cố bao biện, cho rằng con mình đẩy bạn thì nhẹ còn bị bạn cào nặng hơn. May mà bố mẹ cậu bé cũng biết điều nên không tiếp tục tranh cãi. Nếu đổi lại là Oanh, chắc cô sẽ không dễ dàng bỏ qua như thế.

Khốn khổ vì vợ... hay chành chọe - ảnh 2
Ảnh minh họa

Khi xảy ra chuyện, Phong đang đi công tác vắng nhà. Mấy hôm sau, khi đến trường đón con, Phong được nghe cô giáo kể lại sự việc. Phong có thể cảm nhận được cô giáo đang cố giữ lịch sự khi trao đổi với Phong còn trong thâm tâm, cô cũng không ủng hộ lối ứng xử của Oanh vừa rồi. Bố mẹ cậu bé kia từ sau sự việc đã nhờ cô giáo chuyển hai đứa trẻ ngồi xa nhau ra vì họ không muốn con liên đới với bạn có mẹ quá ư là ghê gớm.

Lại một lần khác, hàng xóm ở tầng trên trong lúc vệ sinh nhà làm nước chảy vào ban công nhà Phong. Anh nghĩ, thôi thì nhà họ có việc, mình lau chùi một chút là xong chứ cũng chẳng phiền hà gì. Ai ngờ, Phong mới chỉ ra ngoài một chút, khi về đã thấy Oanh to tiếng ở trên tầng. Phong càng xấu hổ hơn khi chủ nhà là hai người cao tuổi, đã ra sức xin lỗi nhưng Oanh vẫn cố đứng đó, giảng giải về đạo lý, cách ứng xử biết điều khi sống chung trong một khu chung cư. “Các bác đừng khiến nhà cháu bị phiền hà. Ở chung cư đất chật người đông, bác làm gì cũng phải có ý tứ một chút”, Oanh nói. Lúc đó, Phong không biết làm gì hơn là việc cố gắng kéo Oanh về nhà thật nhanh. Vừa đi, Phong thấy mặt mình nóng bừng vì xấu hổ. Người ta bảo “bán anh em xa mua láng giềng gần”, đằng này, Oanh cứ sừng sộ, hơn thua với cả hàng xóm cao tuổi. 

Cứ như vậy, hết lần này đến lần khác, Oanh có đủ lý do để chành chọe với mọi người xung quanh. Còn mọi người thì càng ngày càng tỏ ra dè chừng, ngại tiếp xúc với vợ chồng cô. Phong còn biết sau lưng mình là không ít lời bàn tán, xì xào theo kiểu đừng có dây dưa, dính líu vào vợ chồng anh kẻo có ngày… điếc tai. Nhà Phong có mở cửa cả ngày cũng chẳng có ai qua lại chơi, đám trẻ con thì hễ thấy bóng Oanh từ xa là trốn biệt vì sợ. Cô giáo ở lớp cũng ngại va chạm, cần gì thì chỉ nhắn tin, gọi điện thông báo với Phong. Cô còn dặn Phong cố gắng đi họp phụ huynh thay vợ vì nhỡ ra, ở lớp Oanh tức khí lại đứng ra tranh luận, cãi cọ với mọi người thì không hay.

Khốn khổ vì vợ... hay chành chọe - ảnh 3
Ảnh minh họa

Phong biết, Oanh về bản chất, Oanh chỉ muốn bảo vệ gia đình của mình. Cô không cho phép ai xâm phạm đến quyền lợi hay là khiến Phong và con bị thiệt thòi, ấm ức. Nhưng đôi khi, sống trong cộng đồng, mình đâu thể chỉ biết có một mình mình. Hiểu tính vợ, Phong đã nhiều lần tìm cách thanh minh, xin lỗi thay cho vợ, mong được mọi người chiếu cố, thông cảm cho nhưng cũng chẳng xuể. Thành thử, hai vợ chồng Phong như hai dấu đối lập, người thì cố gắng tạo dựng, vun đắp các mối quan hệ xung quanh còn một người thì chỉ chành chọe, hơn thua, phá nát nó.

Người phụ nữ trong gia đình thường đại diện cho sự mềm mại, nhẹ nhàng, là người giữ lửa ấm và sự hòa thuận. Phong luôn ước vợ mình làm được một phần nhỏ như vậy là anh đã mãn nguyện. Đằng này, cô lại luôn đi khiêu chiến và châm lửa xung đột rồi lại tự bao biện mình sống “thẳng ruột ngựa”. Nhưng thẳng tính không phải là kiểu ứng xử bạt mạng, không cần quan hệ với mọi người như vậy.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.