Lấy phải chồng... kẹt xỉ

Chia sẻ

bố mẹ vợ, anh chị em ruột của vợ, chưa bao giờ được Hiến giúp đỡ lấy 1 cắc. Nhiều lần bố mẹ nằm viện, Hiến có đến thăm thì cũng là vợ nài nỉ đi cùng, đường sữa cũng do vợ chuẩn bị, đừng hòng anh ta bỏ ra xu nào...

Phương đang tranh thủ lúc rỗi chơi với con trai, cô tung quả bóng da nhỏ cho cậu bé tập đánh đầu. Bỗng Hiến chồng cô nổ xe máy ầm ầm lao vào sân. Chưa kịp dựng xe, đã thấy Hiến bức xúc:

- Cái bọn lớp này tệ quá, nó lại không mời mình tham gia họp lớp. Mà lần này chúng nó đi xuyên Việt chứ có phải chỉ loanh quanh các tỉnh gần Hà Nội đâu! Thế mới điên!

- Sao anh không hỏi các anh chị trong ban liên lạc lớp xem? Hay là họ... quên? – Phương nhẹ nhàng.

- Quên gì! Chúng nó đểu thì có! – Hiến hét lạc cả giọng.

Biết chồng lên cơn tức, Phương thôi không tham gia nữa. Cô bảo con trai đi tắm đi, mục đích để con không phải chứng kiến cơn điên của bố, khiến nó sợ.

Phương cũng vờ đi nhặt rau chuẩn bị nấu cơm chiều. Đợi Hiến chạy qua ông lão hàng xóm chơi cờ tướng, Phương gọi điện thoại cho chị Hằng, trưởng ban liên lạc lớp đại học của chồng:

- Chị ơi! Lớp các anh chị vừa đi xuyên Việt à? Vui chứ ạ? Cho em phiền hỏi chị chút, sao anh Hiến nhà em không được báo hả chị? Anh ấy muốn đi với lớp nhưng không biết để đi, về nhà đang cáu với vợ!

Chị Hằng nhẹ nhàng:

- Em nói là các chị bỏ sót danh sách vậy.

- Lần trước cả lớp đi, anh Hiến cũng không được báo rồi. Em đã nhờ chị có chuyến đi khác thì nhớ báo cho nhà em rồi. Bây giờ nói bị lớp quên thì anh ấy không tin nữa ạ.

Chị Hằng sẵng giọng:

- Chồng em... khác người lắm. Chị không muốn nói ra lại làm mếch lòng em.

- Em xin chị, cứ cho em biết sự tình. Để em có thể... góp ý...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thấy Phương có vẻ muốn tiếp thu, chị Hằng đã kể cho cô nghe sự tình vì sao lớp “từ nay sẽ quên anh Hiến trong tất cả các cuộc họp lớp”. Nào là, tất cả các đám hiếu của các cụ tứ thân phụ mẫu anh chị em trong lớp, ban liên lạc (BLL) lớp đều báo cho Hiến, chả bao giờ anh ta đến. Bạn bè cùng lớp đau ốm, hoặc vợ chồng con cái các bạn không may bệnh nặng, BLL hẹn lớp đến bệnh viện thăm hỏi, Hiến cũng không bao giờ đoái hoài. Thậm chí chưa bao giờ anh ta nhắn tin trả lời cho BLL là anh ta có đến hay không, không đến thì có gửi lễ viếng các cụ hay gửi lời thăm bạn bè đau ốm hay không! Cũng có anh em trong BLL bảo “Hay anh ta không nhận được tin nhắn”, thì chị Hằng đã gọi điện thoại luôn trước mặt mọi người cùng nghe, Hiến trả lời rất nhanh là “bận lắm không đi được”, rồi cúp máy luôn.

Cả lớp vừa tức vừa buồn cười. Buồn cười vì ai chả biết công việc hành chính mà Hiến đang làm ở cái phòng “đo lường chất lượng” thì có gì mà bận, rồi nếu bận cuộc này thì cuộc khác phải sắp xếp đi cùng lớp chứ. Nhưng hơn 20 năm tốt nghiệp ĐH, lớp có hàng trăm đám hiếu, hàng trăm cuộc thăm hỏi ốm đau ở các bệnh viện, chả bao giờ thấy Hiến tham gia. Còn cả lớp tức Hiến là bởi anh ta quá vô trách nhiệm với bạn bè, đã không đến được, không động viên bạn lúc khó khăn, đau khổ, thì anh ta cũng phải nhắn cái tin trả lời BLL biết là “đã nhận được thông báo và không đến được” chứ, đằng này để BLL nhắn đi nhắn lại vẫn không hồi âm.
Nhưng có lẽ chuyện đó vẫn còn chấp nhận được, nhưng đến cuộc họp lớp kỷ niệm 20 năm ra trường, thì “giọt nước đã tràn ly”. Tất cả các thành viên của lớp đã rất phấn chấn từ đầu năm, bàn bạc chuẩn bị cho cuộc kỷ niệm này. Nhiều ý kiến của thành viên các tỉnh đều muốn được mời anh chị em về tổ chức tại tỉnh mình để mình được góp vui.

Vì chưa biết đi đâu, BLL đang hội ý, nên nhân dịp Trường kỷ niệm 50 năm thành lập, lớp rủ nhau tổ chức vào chúc mừng trường và nhân tiện sẽ họp trù bị tại một nhà hàng gần trường nhằm bàn về việc tổ chức kỷ niệm của lớp. Hôm đó Hiến đến, rất hăng hái. Mọi người bàn và quyết định sẽ hội lớp 20 năm ra trường tại Ninh Bình. Vừa thống nhất tinh thần xong, BLL thông báo các thành viên đóng góp kinh phí “tùy tâm” để chi phí các khoản. Trưởng BLL chưa dứt lời thì Hiến đã lặng lẽ xách túi chuồn mất. Một vài người biết tính Hiến, đã gọi với theo: “Nộp tiền quỹ đã rồi hãy đi Hiến ơi”, nhưng anh ta không trả lời, coi như không nghe thấy. Mọi người vui vẻ đóng góp, BLL đang ghi sổ thì thấy Hiến quay lại, chạy rất vội vàng. Mấy bạn nhao nhao: “A, Hiến quay lại góp tiền này các bạn ơi”. Hiến làu bàu: “Tôi quên cái áo khoác!”, rồi anh ta giật cái áo khoác trên thành ghế, ba chân bốn cẳng chạy mất.

Mọi người rộ lên cười, nhưng bạn bè cũng dễ cảm thông. BLL vẫn “cho qua”, nên cuộc gặp mặt lớp tại Tam Chúc rất thành công. Ai cũng vui, có những người ra trường về công tác luôn ở những tỉnh rất xa, nên nhờ cuộc này mà 20 năm mới được gặp lại bạn bè. Có những bạn ôm nhau òa lên khóc vì mừng quá, trải bao thăng trầm cuộc sống, kiếm việc làm, ổn định gia đình, ốm đau bệnh tật... nay bỗng dưng được sống lại tuổi 20, nhiều người cứ vừa cười vừa khóc. 2 ngày thăm thú cảnh đẹp, vãn cảnh chùa, tối về đốt lửa trại nướng ngô khoai và hát hò ai cũng vui vì được sống lại thời sinh viên (SV) sôi nổi. Nhưng, đến “cái đoạn góp quỹ lớp” thì ông Hiến vẫn trơ ra không góp.

Tiền thuê xe, tiền ăn ở khách sạn, tuy là có các bạn bao, nhưng không thể cả lớp (còn nhiều người đưa theo cả vợ chồng con cái), lại để bạn phải chịu tất cả, nên BLL thông báo các cá nhân nên có đóng góp. BLL cũng đề nghị các bạn khó khăn và ở xa về đã tốn tiền đi đường thì không nên góp, và cả lớp cũng đồng lòng góp một món tiền hỗ trợ chị Vang hiện đang rất khó khăn. Ai nghe chuyện của chị Vang cũng cảm động, cũng rút ví ra góp, chỉ có Hiến là “tỉnh bơ”, bỏ ra ngoài... đi dạo. Một số bạn thì không tin là Hiến không chịu góp quỹ, nên lên ô tô ra về thì có một vài bạn nhắc khéo “Ông Hiến góp quỹ lớp đi”, anh ta lầm bầm “Không có tiền”. Chị Tình (là cô SV năm xưa Hiến theo đuổi) nhẹ nhàng: “Em cho anh vay nhé?”, Hiến gạt đi “Không vay. Không đóng là không đóng”. Thì ra là anh ta không chịu đóng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đi hội lớp là để vui, để cuộc sống thêm những người bạn khăng khít, để chia sẻ vui buồn, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống và sự nghiệp. Có nhà văn nào đó đã đúc kết rằng, trong tất cả “các loại bạn bè”: bạn lính, bạn học, bạn đồng hương, bạn đồng nghiệp, bạn cùng cơ quan... thì chỉ có 2 loại là “bạn” đúng nghĩa, đó là bạn lính và bạn học, còn lại chỉ là... “bè”. Bạn lính và bạn học là những người bạn vô tư nhất, hy sinh cho nhau, không cạnh tranh “ghế”, nên thật lòng với nhau, không cần cảnh giác. Vì vậy việc các thế hệ học sinh, SV tổ chức họp lớp, tổ chức kỷ niệm năm vào trường, năm ra trường là rất quý. Nhưng bất cứ cuộc hội hè nào cũng là tự nguyện, tuy có một vài mạnh thường quân trong lớp trong hội đó người ta sẵn sàng bỏ ra các khoản lớn chi cho việc chung, thì cá nhân mỗi thành viên vẫn phải đóng góp ít nhiều để chi phí cần thiết.

Nhưng tất cả các cuộc của lớp, Hiến có tham gia, cũng “ăn chơi nhảy múa” như mọi người, nhưng lại không đóng góp dù là 1 xu. Thế nên “luật bất thành văn”, Hiến không vì mọi người thì mọi người cũng tự nhiên không cần anh ta nữa. Mọi thành viên trong lớp thấy rằng chuyến đi xuyên Việt năm nay mọi người tự góp tiền mỗi người mấy triệu thuê xe đi thăm hỏi nhau, thì nhiều người không muốn mất vui, nhiều người cho rằng cuộc này không có mạnh thường quân bao, Hiến cũng không bao giờ đóng tiền, nên không nên bảo Hiến đi cùng. Đơn giản thế thôi...

Phương nghe chị Hằng nói xong thấy trong lòng đau như xát muối. Sao số cô đen đủi lại vớ phải ông chồng như ông Hiến này chứ? Cái tính kẹt xỉ của Hiến lắm lúc làm Phương phát điên. Hiến không chỉ ki bo với người ngoài, với đồng nghiệp, để chị Chủ tịch Công đoàn cơ quan có lần rỉ tai Phương:

- Em góp ý với chồng, cũng nên tham gia thăm hỏi đồng nghiệp ốm đau, kẻo anh em người ta nói ra nói vào là ông Hiến này quá ki bo kẹt xỉ. Khi bố mẹ cán bộ cùng cơ quan 2 năm mươi, ông Hiến chả bao giờ đi viếng đã đành, toàn kêu tôi ốm quá, tôi bệnh này bệnh nọ không dám đến đám tang, anh em họ nói ông ý khỏe như vâm, có khi to khỏe nhất cơ quan, chứ ốm gì, đi ăn đi chơi du lịch cơ quan tổ chức thì không bao giờ thấy vắng, chỉ toàn vắng việc hiếu việc hỷ. Mà nếu không đến đám hiếu thì cũng nên gửi lễ viếng mới phải đạo, và cũng là chia sẻ mất mát người thân của đồng nghiệp chứ, đằng này chồng em chả bao giờ biết đến ai.

Nghe chị Công đoàn nói thế, Phương muốn đào cái hố thật sâu mà chui xuống. Nhục ơi là nhục! Phương không thể nói toạc cho mọi người biết cái tính ki bo kẹt xỉ của Hiến. Xấu chàng hổ ai!

Đến cả bố mẹ vợ, anh chị em ruột của vợ, chưa bao giờ được Hiến giúp đỡ lấy 1 cắc. Nhiều lần bố mẹ nằm viện, Hiến có đến thăm thì cũng là vợ nài nỉ đi cùng, đường sữa cũng do vợ chuẩn bị, đừng hòng anh ta bỏ ra xu nào. Cưới cháu ruột con em trai Hiến, anh ta cũng không mừng, vợ hỏi thì anh ta bảo “Đi xin dâu, rồi thay mặt cả họ phát biểu cho là được rồi, việc gì phải mừng tiền!”. Làm gì có đám cưới cháu ruột, cả nhà kéo đến ăn cỗ mà lại không mừng tiền, nhà người ta lấy gì chi trả? Thế là Phương lại phải bỏ tiền vào phong bì rồi viết “2 bác Hiến Phương mừng”, chứ không lẽ bỏ tên chồng ra ngoài. Ngao ngán lắm. Cũng có lần Phương lựa lời góp ý, Hiến gạt phăng đi:

- Cô đừng có dạy đời tôi. Tôi tiết kiệm cũng là vì vợ vì con!

- Tiết kiệm thì tốt, đừng phung phí thôi, chứ cái gì cần chi thì vẫn phải chi. Thăm hỏi bạn bè, đồng nghiệp đau ốm, hay viếng tứ thân phụ mẫu người ta, anh cũng không nên tiết kiệm quá, mang tiếng.

Phương nói thế, chứ thực ra cô còn muốn nói nữa, rằng anh nói anh tiết kiệm cho vợ cho con, nhưng thử hỏi con anh đi học đã bao giờ anh nộp học phí hay ngày 20/11 anh thăm hỏi thầy cô của con lấy 1 lần chưa? Nói ra thì chỉ tổ cãi nhau, làm cha mẹ già đau lòng, rồi các con biết nó khinh thường bố... Hiến vẫn say sưa đánh cờ bên nhà hàng xóm, Phương vừa nhặt rau vừa lau nước mắt. Kiếp trước chắc mình nợ anh ta, kiếp này phải trả hay sao?

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Mẹ già

Mẹ già

(PNTĐ) - Một năm trước, khi sắp kết thúc thời gian nghỉ sinh, Thoa bàn với chồng: “Mình thuê người trông con thêm đôi tháng. Em tính khi con được ngoài năm thì gửi con đi trẻ. Gần nhà mình cũng có địa điểm trông trẻ nhỏ anh ạ”.
Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

(PNTĐ) - Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.
Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

(PNTĐ) - Sau 3 năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” đã được triển khai thực hiện rộng khắp, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của các tầng lớp phụ nữ cả nước.