Lễ Vu Lan ở chùa: Vừa trang trọng, vừa phòng chống dịch Covid-19

QUỲNH NHƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau 2 năm hoãn tổ chức, năm nay, nhiều chùa trên địa bàn Hà Nội và cả nước đã long trọng tổ chức ngày lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa để các phật tử được báo ân, báo hiếu.

Rộn ràng lễ báo ân từ đầu tháng 7 Âm lịch

Ngày lễ Vu Lan không chỉ hướng tới báo hiếu tổ tiên, đấng sinh thành, mà có ý nghĩa to lớn hơn: Kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức. Đó là tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho đất nước và cuối cùng là tri ân nhân loại, đồng bào mình. Năm nay, khi dịch bệnh đã vãn, ngày lễ Vu Lan được tổ chức long trọng tại các tự viện chùa chiền. Trong thông bạch về đại lễ Vu Lan - báo hiếu Phật lịch 2566 (Dương lịch 2022), Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị quá trình tổ chức Vu Lan cần trang nghiêm, không đốt nhiều vàng mã, có thể thực hiện các việc làm thiện nguyện để giúp đỡ người nghèo khổ, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19… 

Tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Đại lễ Vu Lan cũng được long trọng tổ chức ở nhiều tu viện chùa chiền, quy tụ nhiều phật tử thập phương tham dự. Tại chùa Vạn Niên (Tây Hồ, Hà Nội) tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu, kết hợp tổng kết khóa tu hè cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên. Các em được trực tiếp thực hiện những nghi thức như rửa chân cho cha mẹ, cài hoa ngực áo… để thể hiện lòng hiếu nghĩa… 

Lễ Vu Lan ở chùa: Vừa trang trọng, vừa phòng chống dịch Covid-19 - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tại chùa Vạn Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), đại lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức ngay đầu tháng 7 Âm lịch, với sự tham dự của đông đảo nhân dân, phật tử thập phương. Trong không khí trang nghiêm với khói hương trầm quyện tỏa, đại diện các thanh thiếu niên phật tử chùa Vạn Phúc đã dâng hoa và dâng phẩm vật cúng dàng Tam Bảo, thể hiện tấm lòng hiếu kính tri ân của những người con Phật. Sau đó, trong nghi thức cài hoa hồng, từng đóa hồng vàng – màu của sự giải thoát, tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, hỉ xả, không chấp thủ - được đại diện phật tử cung kính cài lên ngực áo. Các phật tử và người dân tham gia nghi lễ Vu Lan càng cảm nhận được sự thiêng liêng, gần gũi khi đón nhận những bông hồng, nâng niu, cẩn trọng cài lên ngực. Bông hồng đỏ cho người còn cha lẫn mẹ, hồng trắng dành cho người mất cả cha lẫn mẹ và bông màu hồng cho những người mất 1 trong 2 song thân… Thượng tọa Thích Tâm Thuần, Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Ban Thường trực Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Mỗi phật tử nói riêng và mỗi người con nói chung phải luôn sống trong tinh thần tri ân và báo ân, không phải chỉ trong mùa Vu Lan mà trong suốt cả cuộc đời.

Bởi không có cha mẹ, chúng ta không thể trở thành người như ngày hôm nay. Với những ai còn cha mẹ trên đời, hãy yêu thương, chăm sóc và phụng dưỡng họ như cách mà họ đã hy sinh vì các con ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời. Còn với những người đã mất cha, mẹ trên đời, hãy tích cực làm việc thiện lành, đem công đức hồi hướng về tổ tiên, để cha mẹ, tổ tiên được siêu sinh tịnh độ… 

Cũng tại Hà Nội, từ ngày 29-31/7, nhiều người dân bất ngờ khi thấy hàng trăm nghìn bông hoa sen tươi thắm được kết lại thành hình trái tim khổng lồ, đặt tại nhiều tuyến phố trung tâm của Hà Nội như Nhà hát Lớn TP Hà Nội, Bưu điện thành phố, tháp Hòa Phong, tháp Bút, cầu Thê Húc, tượng đài Lý Thái Tổ… Đây là một hoạt động ý nghĩa của một doanh nghiệp nhằm lan tỏa tình yêu đến mọi người, giúp các bạn trẻ hiểu hơn về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan. Đặc biệt, mọi người có thể rút những bông hoa sen này đem về trang trí hay tặng lại cho người thân, nhất là cha mẹ mình, như một thông điệp nói lời cảm ơn cha mẹ khi còn có thể…

Lễ Vu Lan ở chùa: Vừa trang trọng, vừa phòng chống dịch Covid-19 - ảnh 2
Ảnh minh họa

Báo hiếu không chỉ một ngày mà cả một đời…

Thượng tọa Thích Đạo Thuần, tăng chúng chùa Vạn Niên cho biết: Là con cái, dù tại gia hay xuất gia đều phải có lòng báo hiếu tổ tiên. Khi nhớ đến ngày này, mọi người thấy được ánh hào quang, trí huệ mà đức Phật dạy về chân thiện mỹ, đức hiếu hạnh của con người. 

Phật tử Kiều Thị Kim Thu (phật tử chùa Vạn Niên) xúc động chia sẻ, khi đến chùa vào những ngày tháng 7 Âm lịch, chị cầu mong cho người thân, bố mẹ được khỏe mạnh, an lạc mỗi ngày. Các con chị khi cùng mẹ vào chùa cũng sẽ học được đạo lý hiếu nghĩa, đồng thời, nhìn những hành động hiếu lễ của cha mẹ mỗi ngày đối với ông bà tổ tiên, các cháu cũng thấm nhuần trong tiềm thức và hành động đẹp. Phật tử Nguyễn Xuân Anh thì mong muốn, bên cạnh cầu bình an cho người thân, anh cũng mong muốn tuyên truyền đến giới trẻ về ngày lễ Vu Lan để bạn trẻ hiểu và thực hành đạo hiếu trong cuộc sống.

Con cái có nhiều cách để báo hiếu cha mẹ, không chỉ báo hiếu theo tháng, theo năm mà phải cả đời báo hiếu… Như đức Phật đã dạy: Có thể 2 tay cõng mẹ đi khắp mọi nơi, có thể cho mẹ ăn thức ăn ngon vật lạ hiếm, có thể phục vụ hầu hạ khi bố mẹ ốm đau, nhưng vẫn không được gọi đủ là báo hiếu. Báo hiếu là hướng bố mẹ vào niềm tin và chánh tín của đạo Phật: Tứ khổ đế, lý nhân duyên, luật nhân quả, để mọi người ý thức được, cũng giống như Pháp luật ngăn cái ác trong xã hội, những người có tín ngưỡng cao, tự ý thức được thì cũng ngăn không cho con người làm điều ác. 

Lễ Vu Lan ở chùa: Vừa trang trọng, vừa phòng chống dịch Covid-19 - ảnh 3
Ảnh minh họa

Trong cuộc sống, cha mẹ dạy con có hiếu cần bắt nguồn từ chính cha mẹ hãy làm gương cho con cái. Cha mẹ hãy là tấm gương sống và trực tiếp cho con học hỏi. Thực hành chữ hiếu hằng ngày là dạy căn bản cho trẻ từ những lời thơ và câu răn dạy của cha ông thời xưa như “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”; “Kính già, già để tuổi cho”; “Cha là núi, mẹ là sông/ Các con hiếu thảo, công ơn sinh thành”… “Hiếu nghĩa vi tiên”, bố mẹ cũng cần học luôn từ những hành động đó bằng cách có ứng xử, lời nói, cử chỉ, hành động đúng mực, lễ phép, hiếu nghĩa với bề trên. TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội từng cho rằng, “Giáo dục hiếu thuận là những bài học rất nhỏ như đi hỏi về chào, không nói dối ông bà cha mẹ, không có cử chỉ việc làm xấu… Từng ngày, từng giờ, “mưa dầm thấm lâu”, các con sẽ tạo thói quen trong cuộc sống hằng ngày. Có cha mẹ vẫn coi đây là hoạt động phong trào, nhưng ít nhiều các em bé cũng học được điều gì đó nên học. Những hành động báo hiếu của cha mẹ dành cho ông bà sẽ là bài học thường ngày hay nhất dành cho các con…”. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.