Luật về thừa kế thế vị

Chia sẻ

Câu hỏi
Bố mẹ cháu có 3 người con, cháu là lớn nhất. Bố cháu mất từ khi cháu được 9 tuổi, sau cháu có một em 7 tuổi và một em mới được 3 tuổi. Mẹ con cháu vẫn ở ngôi nhà rộng 50m2 của ông bà nội cho khi bố cháu còn sống. Ngôi nhà này cùng thửa đất với ông bà nội. Ông bà nội cháu sinh được 5 người con, và cũng đã cho 4 người anh em của bố cháu mỗi người một miếng đất để làm nhà riêng. Hiện nay họ vẫn còn sống. Sau khi ông bà cháu lần lượt qua đời mà vẫn chưa kịp làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mẹ con cháu, một người em ruột của bố cháu làm ăn thua lỗ đã bắt mẹ cháu bán nhà đi để chia cho chú ấy một phần, với lý do bố cháu đã chết và tài sản này chỉ có thể được chia cho con đẻ.
Xin Báo PNTĐ cho cháu biết hiện nay bố cháu cũng đã mất thì mẹ con cháu có quyền gì đối với căn nhà và mảnh đất mà ông bà đã cho hay không? Nếu chú của cháu cứ nhất quyết bán thì mẹ con cháu phải làm gì? Cháu xin cảm ơn!

Hà Linh (Ba Vì, Hà Nội)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời

Vấn đề cháu hỏi có hai nội dung:

Thứ nhất, căn nhà là tài sản của ông bà để lại nhưng bố của cháu đã chết mà chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì mẹ cháu và các em có được hưởng quyền về tài sản hay không?

Trường hợp được thừa hưởng di sản thừa kế của ông bà và bố của cháu là một trường hợp đặc biệt, đó là thừa kế thế vị. Thừa kế thế vị là một quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người thân thích nhất của người để lại di sản. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh từ thừa kế pháp luật chứ không phát sinh từ thừa kế theo di chúc. Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự về thừa kế thế vị, nếu cha hoặc mẹ chết cùng thời điểm với ông bà hoặc cụ thì phần di chúc định đoạt tài sản cho cha hoặc mẹ sẽ vô hiệu, tức là phần tài sản đó sẽ không được chia theo di chúc – kể cả di chúc hợp pháp, mà sẽ được chia theo pháp luật, và lúc này cháu mới được hưởng thừa kế thế vị. Thế vị được hiểu như là cháu được hưởng “thay thế” vị trí hưởng di sản của bố. Sở dĩ những nhà làm luật có quy định này vì khi người được hưởng tài sản theo di chúc, nhưng lại chết trước người để lại di sản, thì người chết không thể có năng lực chủ thể để tham gia vào bất kỳ quan hệ pháp luật nào. Người được hưởng thừa kế theo di chúc khi đã mất đi rồi thì người khác không thể khai nhận tài sản thay người chết được. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam quy định người thừa kế phải là người còn sống; Do đó, bố của cháu không thể được nhận di sản của ông bà nội để lại khi bố cháu đã qua đời.

Khi di chúc của ông bà vô hiệu thì tài sản của ông bà sẽ được chia theo pháp luật. Chia thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế. Trường hợp của cháu thuộc trường hợp người thừa kế theo di chúc chết trước thời điểm người lập di chúc, liên quan đến phần di sản không có hiệu lực pháp luật theo Điều 651 Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, trường hợp của cháu, việc chia di sản không được phân chia theo trình tự hàng, nhưng hàng thừa kế lại là căn cứ để xác định quan hệ thừa kế thế vị. Di sản của ông bà không thể đem chia cho những người ở hàng thừa kế thứ hai, vì như trên cháu đã trình bày, ông bà nội cháu có 5 người con, và 4 người vẫn còn sống thì tài sản của ông bà phải được chia làm 5 phần bằng nhau, cháu và các em được hưởng 1/5 di sản thừa kế của ông bà theo diện thừa kế thế vị của bố cháu.

Thứ hai, vấn đề quyền hạn của mẹ con cháu đối với di sản của ông bà để lại: Nếu những tài sản của ông bà đã cho 5 người con, bao gồm cả phần đã cho bố mẹ cháu, nhưng vẫn đứng tên ông bà thì cũng được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất. Cháu và hai em chỉ được hưởng phần thừa kế thế vị của bố cháu lẽ ra được hưởng, mẹ cháu được hưởng phần thừa kế của bố. Những tài sản là bất động sản mà ông bà của cháu đã tặng cho những người con, nếu họ đã xác lập quyền sở hữu, thì tài sản đó là tài sản được tặng cho, không được tính vào phần di sản thừa kế theo pháp luật.

Chú của cháu không có quyền buộc mẹ con cháu bán căn nhà của ông bà, vì đó là tài sản thừa kế theo pháp luật mà cháu được hưởng thế vị của bố. Khi có khúc mắc trong gia đình mà chưa thể làm sáng tỏ, có rất nhiều cách giải quyết để có thể vẫn giữ được tình nghĩa họ hàng. Mẹ con cháu có thể tổ chức họp gia đình, mời những người có uy tín trong dòng họ để có thể thỏa thuận cách phân chia di sản thừa kế. Nếu người chú cho rằng mình có quyền đối với căn nhà của ông bà để lại, thì có thể khởi kiện ra tòa. Khi thụ lý giải quyết vụ án, tòa án sẽ xem xét yêu cầu đó trên cơ sở các quy định của pháp luật, ngoài ra còn xem xét công lao đóng góp xây dựng nên khối tài sản của ông bà mà gia đình cháu đang sử dụng, công lao chăm sóc phụng dưỡng của bố mẹ cháu đối với ông bà. Chúc cháu và những khúc mắc của gia đình sớm được giải quyết.

Luật sư Trần Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.