Mẹ chồng cũng là mẹ

Chia sẻ

Giờ đây, trong nỗi ân hận muộn màng, bà Hường mới nhận ra một điều: Mình đã dạy con gái mình biết rất nhiều, thậm chí tự tin là biết đủ mọi thứ, duy chỉ có biết điều – là bà đã quên dạy, và trái đắng hôm nay – là những gì con gái trả lại cho bà.

Vốn từng chịu nhiều sự nặng lời của mẹ chồng, các chị chồng, chị dâu, nên bà Hường từ trẻ đã có ác cảm với mẹ chồng. Từ đó, bà khư khư giữ trong lòng rằng, mình – và những người phụ nữ đó, nhất là mẹ của chồng, chỉ là khác máu tanh lòng, cùng lắm chỉ cần bằng mặt, chứ khỏi phải bằng lòng làm gì. Điều đó càng được bà coi như một “chân lý” khi mẹ chồng bước vào những ngày ốm đau, cuối đời. Ngày mẹ chồng ra đi, bà Hường mới thấy như đời mình bắt đầu sang trang mới.

Bởi thế, những dồn nén, uất ức của cả một thời thanh xuân cho đến khi về già, bà dồn hết lên Khanh - con gái mình, bằng những chỉ dạy rằng, chỉ có mẹ mới là mẹ mình, mẹ của chồng chỉ là người dưng. Bởi ký ức quá in sâu, nên dù có cho con gái đi học trường nọ trường kia, thì bà vẫn giữ tư tưởng có phần cổ hủ và dứt tình ấy. Cộng thêm từ nhỏ, Khanh đã chứng kiến không ít lần mẹ hằn học bà và các bác gái trong tủi thân, uất ức mà không được một sự cảm thông nào từ bố. Những ác cảm ấy cũng ngấm vào Khanh dần dần, rồi trở thành một bản tính để cô xử sự với nhà chồng sau này.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi Khanh lấy chồng, bà Hường rất vui vì con gái được ở riêng ngay sau khi cưới. Tuy nhiên, bà cũng không quên dặn Khanh những điều để tránh rơi vào “vết xe đổ” của mẹ. “Con phải có chính kiến, bà ấy nói gì cứ mặc kệ, mình phải làm theo ý mình. Dần dần bà ấy cũng phải xuôi. Chồng hay bố chồng không phải lúc nào cũng về phe mình đâu, nên phải cứng rắn. Phải vậy thì mới có uy trong mắt cả nhà đó được!”.

Người ta hay nói “xem con dòm mẹ”, “con gái là phiên bản của người mẹ”, hay “mẹ là người thầy đầu tiên của con gái”. Cách đối nhân xử thế, cách sống chung và hòa hợp với gia đình chồng, chân tình hay giả tạo, chu toàn hay hời hợt, với người con dâu – chính là từ mẹ cô ấy mà ra. Khanh bước vào nhà chồng với một tâm thế như những gì mẹ dặn. Và cũng từ đây, những chuyện không mong muốn bắt đầu xảy ra, đẩy mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu lên cao mà cô không biết làm thế nào để giải quyết ngoài “cứng đầu” mặc kệ như mẹ dặn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mẹ chồng Khanh vốn có tính nói nhiều. Con trai lấy vợ về, bà “chủ trương” dạy dỗ trước một số việc bếp núc và quy tắc trong gia đình. Vừa nói vừa làm, bà cứ thoăn thoắt còn Khanh thì chậm chạp, thậm chí có hơi đoảng so với mẹ chồng. Tính bà Thuận “ruột để ngoài da” nên thẳng thừng luôn: “Con thế này thì hai vợ chồng chỉ có nước tới bữa là ăn gạo sống!”. Khanh lúc ấy hết hồn, bắt đầu nhận ra lời mẹ mình dặn đã có phần… linh ứng! Nhưng trước hết cứ im im đã, vì cũng chỉ ở nhà chồng mấy ngày là được ở riêng rồi. Nhưng không, bà Thuận vẫn tiếp tục bài ca chê bai: Khi thì chê con dâu mua cam chua quá, lúc lại nhắc khéo nấu nồi chè mà không bỏ đường, rồi việc nặng có tí cũng nhờ chồng… Nói chung, cứ Khanh động việc gì là bà nhắc việc ấy, và nói rất to, nói đi nói lại rằng: “Tôi làm thế là để tốt cho vợ chồng chị, để cho vào nếp mà còn dạy con, chăm sóc nhà cửa sau này…”. Dù là những việc rất “lông gà vỏ tỏi” trong nhà thôi, nhưng việc bà Thuận dạy nhiều quá đã khiến Khanh “đau đầu” và bắt đầu “bật”, như lời mẹ mình dặn.

- Con nói với mẹ này, con có cách làm của con, miễn sao các công việc con làm đều tốt cả! Còn nếu mẹ chê con nấu ăn chậm chạp, không ngon thì mẹ cứ một mình nấu đi, con ở bên phụ giúp, không can thiệp gì cái việc nêm nếm. Chứ mẹ nói nhiều quá, mà con thì không có ý định sửa đâu, vì cái này là quan điểm mỗi người…

- Tôi nói là để cho anh chị tiếp thu! Rồi sau này còn nuôi con cái nữa! Chị nấu ăn dở thế, rồi làm thì chậm như rùa, bố con nó đến bữa lấy gì ăn! Tôi có coi chị như con gái thì mới lăn ra dạy cho chứ không thì tôi mặc kệ!

- Con cũng nói luôn là mấy chuyện nhỏ nhặt ấy vợ chồng con sẽ tự cân đối khi sống riêng sau này, không cần đến mẹ phải quá quan tâm! Mẹ can thiệp quá, người ta nhìn vào chỉ thấy mẹ con mình không hề yêu thương nhau thôi đấy!

Nói xong Khanh ngúng nguẩy bỏ lên phòng riêng, gọi điện về cho mẹ. Ở đầu dây bên kia, bà Hường hí hửng khen con gái: “Đúng, phải cứng thì nhà đó mới không làm gì được! Con cứ như thế cho mẹ, rồi bà ấy sẽ phải sợ cho mà xem!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Như được tiếp thêm sức mạnh, sau này, những việc lớn lao hơn như mua nhà, sinh con ở đâu, hay giỗ chạp, tiệc tùng nhà chồng có về hay không, Khanh đều phớt lờ lời dặn của mẹ chồng, thậm chí là “bật” lại không hề nể nang. Khoảng cách mẹ chồng nàng dâu cứ thế ngày càng xa, thậm chí có quá nhiều trắc trở, nhưng cũng không ai giúp họ hàn gắn được. Một bên, mẹ Khanh luôn cổ vũ con gái, còn chồng Khanh – vốn cô không hề lắng nghe lời nói của anh – đây cũng là điều Khanh nằm lòng từ mẹ!

Chuyện gì cũng có cái kết tương xứng của nó! Chồng Khanh cũng không chịu được thái độ quá quắt của vợ, nên vợ chồng cãi nhau triền miên. Khanh cũng không phải dạng vừa, ôm con bỏ về nhà ngoại. Bà Hường hưởng ứng ngay: “Cứ về đây, kiểu gì nó chả phải đến xin đón con về!”. Thế là Khanh ôm con về, ở nhà mình ăn ngủ để bố mẹ “hầu” cả mình cả con. Sáng thì ngủ đến trưa, trưa ngủ đến chiều, cơm ăn đủ ngày 3 bữa nhưng chẳng thèm nấu, con thì để mặc bố mẹ trông. Nằm nhà đến hơn nửa tháng, vẫn chưa thấy chồng đến đón về, một cuộc gọi điện thoại cũng không. Bà Hường bắt đầu sốt ruột thay con, vì hàng xóm đã bắt đầu bàn tán rồi. Người ta kháo nhau: “Nhìn mẹ nó thế thì chắc con cũng chả ra gì với nhà chồng đâu!”. Lòng không yên, bà về nhắc khéo con, “sao mãi chưa thấy nó về đón 2 mẹ con thế?”. Khanh cười khẩy: “Mẹ không phải lo, nhà đấy thiếu con làm sao được!”. Thấy không nói được con gái, bà Hường chờ thêm mấy hôm vẫn không có kết quả gì, bèn chủ động gọi điện cho con rể. Ở bên kia, anh nghe điện thoại của mẹ vợ bằng một sự bất mãn cố đè nén: “Thôi, mẹ cứ để cô ấy muốn làm gì thì làm. Mẹ con đang ốm, con phải về chăm, không còn thời gian lấy lòng một người vô tâm như thế! Con cũng nói luôn, sau khi mẹ con khỏe lại, con sẽ nói chuyện lần cuối, nếu cô ấy vẫn không thay đổi thì tốt nhất là chấm dứt luôn! Với kiểu con dâu muốn làm gì thì làm như thế, thì không phải tiếc!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Con rể đã dập máy mà bà Hường vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhìn vào phòng con, thấy nó vẫn vô tư cầm điện thoại lướt, tưởng như nhà chồng vẫn đang chờ mình về. Đúng là con đường con gái bà đi hôm nay, khác hẳn những ngày ấm ức bà phải chịu. Nhưng nó lại là con đường quá sai trái, và Khanh đã đi quá xa, tất cả là từ sự thúc giục, động viên của mẹ mình!

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.