Miền Tam giác mạch

Kiều Xuân Quỳnh
Chia sẻ

(PNTĐ) -

- Bố ơi ngày mai cậu Giang đi làm ở trường với mẹ đấy!

Bé Thóc tíu tít khoe với bố qua cuộc gọi trên zalo. Nhìn nụ cười của con, Thu nén tiếng thở dài bởi nỗi nhớ Thu dành cho anh đã vơi đi phần nào trong trang giáo án trên điểm trường Sìn Chén. 

Là con gái Mông sinh ra trên miền đất Si Ma Cai nên Thu từng trải và thấu hiểu nỗi vất vả của học sinh nơi vùng cao. Thu và những thầy cô giáo đã dành tâm sức thời gian đến vận động phụ huynh cho con em đến trường. Thời gian trôi đi nếp nghĩ con chữ không làm no cái bụng của người Mông đã đổi thay trên quê hương Thu. Nhưng để đến lớp nhiều em vẫn phải địu em đến trường, nhiều khi tiếng khóc trẻ nhỏ phá tan không gian trong lớp học.

*
Ngày ấy, nếu cô giáo Mận không đến nhà nói chuyện với bố mẹ thì ước mơ gieo con chữ trên cao nguyên đá của Thu đã khép lại bên khung dệt và những ngày địu hàng xuống chợ phiên. 

Hôm ấy, người khách lạ đến nhà khi Thu đang phụ mẹ phơi sợi lanh lên dàn. Thu vắt sợi lanh nghĩ về bộ váy mẹ dệt để Thu mặc trong ngày hội Gầu Tào.

Tiếng nói lạ kỳ của người khách đeo chiếc cặp da làm Thu lo sợ, nấp sau khung dệt. Mẹ bảo đó là cô giáo người miền xuôi mới đến. Thu sợ cô giáo nhưng Thu thấy thích chiếc nơ hình cánh bướm trên mái tóc đen của cô. Cô mặc quần đen áo trắng không sặc sỡ như áo váy người Mông khiến Thu cảm nhận một vẻ đẹp trang nghiêm giữa núi rừng. 
Mẹ nói tiếng Kinh với cô giáo, Thu không hiểu, nhưng nhìn nét mặt Thu đoán là mẹ không vui, không muốn Thu đến trường học con chữ. Con chữ là gì Thu không biết nữa nhưng nghe bố mẹ nói "con chữ không làm no cái bụng, không làm mùa ngô ra bắp, không làm trẻ con thôi tiếng khóc...".

Thu thoáng buồn vì mấy hôm trước nghe anh chị cùng bản nói đi học thích lắm, được nghe cô giáo kể truyện cổ tích của trăm miền... Anh chị ấy bảo, trên đất nước mình không chỉ trập trùng núi cao như ở Mào Sao Chải mà còn có đồng bằng và biển sâu. Những vùng miền khác không chỉ có lễ hội Gầu Tào của người Mông mà còn có Tết của người Kinh, lễ hội hoa ban của người Thái...

Miền Tam giác mạch - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Mấy hôm nay cô giáo thường xuyên đến nhà nhưng bố mẹ không tiếp đón. Cô giáo kiên nhẫn ngồi cạnh khung dệt nói chuyện với mẹ. 

Một hôm, cô giáo ngồi với mẹ thì vài người đàn ông khênh bố về nhà. Nắm lá cây vò nát không thể giữ lại dòng máu trên cánh tay bố. Vết chém của con dao đi nương găm sâu vào da thịt khiến cánh tay bố co giật. 

Thu thấy cô giáo lấy trong cặp chiếc túi nhỏ, cô gỡ lá rừng rồi lấy lọ nước rửa vết thương, băng lại cánh tay cho bố. Cô đưa cho mẹ những viên màu trắng đỏ nhỏ như hạt ngô, nói với mẹ bằng tiếng Mông: " Haus tshuaj" (Uống thuốc sau khi ăn). Thu nghĩ cô giáo giỏi thật biết nói cả tiếng dân tộc mình. Thời gian qua đi, bố đã không lên cơn sốt, vết thương trên tay bố bắt đầu liền sẹo. Giờ thì Thu đã biết đó là những viên thuốc để chữa bệnh khi ốm đau. Thì ra bệnh tật, đau ốm không phải cứ mời thầy mo đến nhà đuổi con ma đi là khỏi. 

Bố mẹ dạy Thu nói tiếng Kinh, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nghĩ đến ngày được đi học Thu lại kiên trì nhờ anh chị lớn hơn chỉ bảo.

Ngày đầu tiên đến lớp, mẹ khoác lên người Thu chiếc váy thổ cẩm mẹ vừa dệt. Mẹ bảo Thu địu cả cậu Giang đến trường để cậu cũng được nghe cái chữ từ đôi môi xinh của cô giáo.

Lúc đầu Thu nghe anh chị lớp trên nói cái chữ dễ học. Nhưng đến lúc đi học, Thu ghép các chữ cái vào đọc mãi không thành từ, đọc được rồi lại không hiểu nghĩa. Nhưng Thu vẫn thích nghe những câu thơ cô Mận đọc trong quyển sách nhỏ. Cô bảo, niềm vui để quên đi nỗi nhớ nhà của cô chính là các em học sinh vùng cao như Thu và chúng bạn, cùng những trang thơ này. Tiếng khóc của cậu Giang cũng nín lặng khi nghe bài thơ cô đọc. 

Những đêm mùa đông băng giá Thu rúc mình trong chăn cùng cô Mận. Cô bảo rằng sẽ bồi dưỡng Thu trở thành cô giáo vùng cao bởi cô nhìn thấy tiềm năng và nghị lực trong nét chữ tròn trịa và những phép toán đúng của Thu.

Mấy năm theo học, Thu đã được cô trang bị đầy đủ hành trang cho ước mơ trở thành cô giáo vùng cao. Ngày mai, Thu tròn mười hai tuổi sẽ một mình ra phố huyện học trường nội trú. Đêm ấy, lần đầu tiên Thu thấy cô khóc. Thu ôm cô vào lòng để cô trút hết nỗi buồn trên bờ vai. 

Miền Tam giác mạch - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Cô gấp lá thư nhòe nước mắt bảo rằng, vài ngày nữa mối tình từ thời sinh viên của cô sẽ làm đám cưới cùng người con gái khác.

Thu không hiểu tình yêu là gì mà khiến cô đau khổ. Bố mẹ Thu có tình yêu đâu mà vẫn sống cả đời bên nhau. Mẹ kể gặp bố trong hội Gầu Tào, mến điệu nhảy và tiếng khèn của bố. Bố vô tình chạm gặp đôi mắt mẹ nên đã cùng vài thanh niên bản bắt mẹ lên lưng ngựa về làm vợ

Nghe Thu kể, cô lau nước mắt bảo Thu. "Đó cũng là thứ cảm xúc của tình yêu. Mọi người đều được yêu và cưới nhau. Nhưng phải cùng nhau ký vào giấy đăng ký kết hôn trong sự công nhận của pháp luật. 

Như đám thanh niên bản Hô Sáo Chải từng chặn bắt Thu nếu tái phạm sẽ bị pháp luật nghiêm trị”.

Cô Mận nhắc đến đám thanh niên bản ấy làm Thu vẫn còn chút cảm giác run sợ.

Sáng hôm ấy, Thu đến trường, một gã thanh niên cưỡi ngựa theo sau Thu. Xuống đến chân dốc, gã thúc con ngựa lại gần Thu giới thiệu, gã là con trưởng bản Hô Sáo Chải, dê ngựa đầy chuồng, nhiều nương ngô. Đôi mắt hắn ưng Thu từ hôm nhìn thấy Thu ở phiên chợ tình nên mấy hôm nữa sẽ bắt Thu về làm vợ. Thu rảo bước rồi chạy thật nhanh bởi trong đầu vẫn đang nghĩ đến bài toán dang dở.

Mấy hôm sau, Thu từ trường về nhà, mấy gã thanh niên lạ mặt lao ra chặn đường. Gã trai con trưởng bản kéo tay rồi bế thốc Thu đặt lên lưng ngựa. Thu vừa vùng vẫy vừa khóc kêu thật to. 

- Dừng lại. Cô giáo Mận cùng một người thanh niên áo xanh ghì cương ngựa của gã thanh niên trước khi con ngựa chồm lên phi nước đại.

- Các cậu có biết bắt người là vi phạm pháp luật sẽ phải ngồi tù không? 

- Bố tao là trưởng bản giàu nhất vùng Si Ma Cai này, tao thích bắt đứa nào làm vợ mà chẳng được.

Một gã rút con dao sắc nhọn trong chiếc bao da hăm dọa. Anh thanh niên áo xanh rút chiếc thẻ màu đỏ trong túi áo.

- Tôi là: Thào A Mùi công an huyện mời các anh về đồn giải quyết hành vi bắt giữ người trái pháp luật. 

Mấy gã trai bản Hô Sáo Chải lúng túng nhìn nhau. Nhìn nét mặt ngơ ngác cộng thêm sự lo sợ, Thu đoán rằng mấy gã đó không biết chữ. Nhưng người Mông rất kính trọng công an, bộ đội.

Mấy gã thanh niên vội kéo Thu xuống rồi thúc ngựa phi nhanh. Thu thấy trên vai áo anh công an có những ngôi sao vàng lấp lánh tỏa sáng chạm vào trái tim thiếu nữ của Thu. Đó cũng là lần đầu tiên Thu gặp anh. 

Giờ đây Thu đã trở thành cô giáo trên quê hương Sìn Chén. Thào A Mùi chồng Thu đang nhận nhiệm vụ xa nhà. 

Những tối gọi điện, anh kể nơi anh làm việc đồng bào đang gặp nhiều khó khăn. Anh và đồng đội sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để mang no ấm đến cho đồng bào Mông nơi đây. 

Khuôn mặt anh sạm đen đi nhiều so với ngày anh ở nhà. Thu thương anh vất vả, nhưng ở nơi xa những đồng bào Mông cũng cần sự giúp đỡ của anh, cũng như lứa học trò cần bài giảng của Thu.

Gấp trang giáo án, Thu chợt nhớ đến cô giáo Mận ngày xưa. Linh hồn cô đã mãi mãi ở lại trên cao nguyên đá này, khi cô lao xuống dòng suối cứu em học sinh khỏi dòng lũ. Mạng sống của em học sinh may mắn được cô giữ lại còn thân xác cô thì không tìm thấy. Dân bản đặt ngôi mộ gió của cô dưới thung lũng hoa tam giác mạch. Đến mùa, hoa nở trắng hồng cả thung lũng như ngàn câu chữ cô từng gieo trên mảnh đất này.
Thu mở cửa ra sân để đêm lạnh cao nguyên xoa dịu nỗi nhớ. Phòng cô giáo Thủy vẫn sáng đèn. Cô giáo Thủy là người dưới xuôi lên đây. Có lẽ cô Thủy đang khỏa lấp nỗi nhớ nhà bằng những bức tranh vẽ hoa tam giác mạch. Những hôm trò chuyện, Thu vẫn đùa rằng sẽ giới thiệu cậu Giang cho cô giáo Thủy.

Cậu Giang ngày bé hay quấy khóc sẽ trở thành thầy giáo của điểm trường này. Cậu hay làm thơ, thơ của cậu được đăng cả trên báo Trung ương. Thu mỉm cười khi nghĩ về bài thơ tình cậu Giang viết chép trong bức tranh của cô giáo Thủy. Bức tranh vẽ cậu Giang và cô Thủy nắm tay nhau trong mùa hoa tam giác mạch.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.