Mối tình đẹp của người đàn bà xấu

Chia sẻ

Câu chuyện tình yêu của bà Phỉnh dẫu đã hơn 50 năm nhưng vẫn được người dân trong làng và các con cháu truyền tai nhau kể lại đến tận bây giờ. Mà cũng đúng. Vì đó là chuyện đặc biệt, chuyện hiếm thấy. Chỉ có ở thời xưa, thời của bà Phỉnh mới có, chứ ở thời nay thì…

Thời ấy, đa phần chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái đều được cha mẹ sắp đặt. Bởi vậy mới có câu “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Nhà bà Én sinh cả thảy chín người con, trong đó có đến bảy người con gái. Hai trong số ấy đã đến tuổi lấy chồng. Ở làng bên, nhà ông Khuân cũng có người con trai cả tên Nồi đến tuổi lấy vợ. Ngặt nỗi, Nồi lại nhát gái. Hễ cứ gặp con gái là mặt lại đỏ ưng ửng, xấu hổ, ngại ngùng. Con trai gì mà suốt ngày ru rú ở trong nhà. Bảo đi tìm hiểu cô này cô khác thì hết chặc lưỡi “cứ từ từ” rồi thì lắc đầu. Muốn con trai có vợ, chẳng còn cách nào khác, ông bà Khuân đành phải “đi kiếm vợ” cho con. Nghe người làng mách nước, vợ chồng ông Khuân đến gặp vợ chồng bà Én. Sau những lời xã giao hỏi han chuyện ruộng vườn, đồng áng, họ bàn chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái. Thế là xong. Đôi bên vui mừng đồng ý. Đám cưới chuẩn bị được tổ chức. Nhưng…

Ngày rước dâu, cô dâu trùm khăn che kín mặt. Cho đến khi khấn vái gia tiên; họ hàng chúc tụng, ăn uống xong xuôi đâu vào đấy cũng là lúc chiếc khăn trùm đầu che mặt cô dâu mới được mở ra. Và rồi, nhà trai, ai nấy tá hỏa. Người lớ ngớ, kẻ ngẩn tò te.

- Sao… sao lại là cái Phỉnh? Phải là cái Nén mới đúng chứ!

- Rõ ràng nhà mình sang xin cái Nén về làm dâu, làm vợ thằng Nồi. Sao gia đình bà Én lại…

- Kiểu này là tráo dâu rồi. Thật đúng là…

Nhìn thấy cái Phỉnh, ai nấy biết tỏng mục đích hoán đổi trong ngày cưới con gái của vợ chồng bà Én. Con gái gì mà… cao chừng mét mốt. Khuôn mặt nhỏ thó. Nước da đen sì. Mái tóc thì quăn tít. Đã thế lại thêm hàm răng cái thụt cái thò. Cứ như bao nhiêu cái xấu của người phụ nữ, ông trời chẳng biết gán cho ai ngoài Phỉnh. Nghĩ mà cũng thấy tội. Phỉnh khóc như mưa, đứng trân trân như trời trồng giữa lúc ai nấy thậm thụt, nhỏ to, bực dọc. Nhưng rồi, trong khi gia đình hai bên lời qua tiếng lại, chẳng hiểu sao bỗng nhiên Nồi lại có can đảm đến bên an ủi Phỉnh:

- Đừng khóc nữa Phỉnh! Tôi… tôi với Phỉnh dù sao cũng là vợ chồng rồi…

Nồi khẽ nắm lấy tay Phỉnh, gượng cười, khuôn mặt anh đỏ ửng như trái gấc chín cây giữa ngày nắng gắt. Phỉnh bớt tủi thân, bớt sụt sùi. Nhưng rồi, vì chuyện cưới gả không trung thực của gia đình bà Én, gia đình ông Khuân đã không đi lại, hỏi han gia đình thông gia suốt một thời gian dài. Nồi thì chẳng giận cũng chẳng trách móc ai. Anh chấp nhận, thủng thẳng:

- Đây chắc là duyên số của con và Phỉnh. Thôi… cha mẹ đừng làm Phỉnh buồn nữa.

- Ôi, cái thằng… Ông Khuân vừa nhăn mặt vừa lắc đầu. Ông thấy tức rực trong người, vừa thương con lại vừa tự trách mình.

- Cha chỉ sợ… Hiểu điều cha định nói, Nồi mỉm cười.

- Có sao đâu cha. Con không quan trọng chuyện xấu đẹp. Miễn sao vợ con biết làm ăn, biết thương yêu gia đình là được. Ông bà ta cũng có yêu đương gì đâu, nhưng rồi cũng ăn đời ở kiếp, con đàn cháu đống, mọi điều cũng tốt đẹp cả đó thôi! Nghe con trai nói những lời chân chất từ gan ruột, ông bà Khuân cũng cảm thấy nguôi ngoai. Ừ thì…

Mối tình đẹp của người đàn bà xấu - ảnh 1

Còn về phần gia đình bà Én. Cũng tại nhà đông con. Đã thế, có con gái khác nào bom nổ chậm trong nhà. Vả lại, cái Phỉnh nó lại không được đẹp người như những đứa khác. Có cho có khi cũng chẳng có ai thèm lấy, huống hồ là chờ đứa nào đến hỏi làm vợ. Chỉ còn mỗi cách… Nghĩ lại chuyện bí mật để Phỉnh thay em gái là Nén về làm vợ Nồi, bản thân ông bà Én cũng cảm thấy áy náy và có lỗi lắm. Nhưng vì thương con nên cũng đành nhắm mắt làm liều. Bà Én sau này đã thành thực như thế. Chẳng biết bao lâu, nhưng rồi chuyện xích mích giữa hai bên gia đình thông gia cuối cùng cũng được cởi bỏ. Dần dà, người làng thấy họ qua lại thân thiết như chưa hề có chuyện gì. Hỏi ra mới hay, cũng nhờ tình nghĩa vợ chồng của Phỉnh và Nồi.

Nhiều người trong làng mỗi khi ngồi tụm năm tụm bảy vẫn nói với nhau:

- Bà Phỉnh và ông Nồi giống như trời sinh một cặp ấy. Nhìn cách họ đối xử với nhau. Nhìn tổ ấm của họ suốt mấy chục năm qua, rồi thì con cháu của họ lớn lên, thành tài… cũng đủ hiểu, họ đến với nhau là cái số, là định mệnh, là do ông Tơ bà Nguyệt se duyên trước chứ chả phải bị ép buộc hay sắp đặt.

Vợ chồng ông Nồi bà Phỉnh nay đã ở cái tuổi lục tuần. Họ cùng nhau chung sống dưới một mái nhà cấp bốn đơn sơ ở đầu làng. Ông bà có 4 người con. Ba người con trai đầu là Sơn, Hà và Túc đều có gia đình và lập nghiệp ổn định trên phố. Còn mỗi cô con gái út tên Vân, nay đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn chưa chồng con gì. Là bởi, ai cũng biết Vân sở hữu ngoại hình giống y chang như bà Phỉnh ngày xưa, cũng hàm răng vênh, cũng dáng người nhỏ thó, nước da đen… Bị bạn bè trêu chọc, Vân nghỉ học từ rất sớm. Gần 30 tuổi, Vân mở cái quán nước nho nhỏ ngay đầu làng và cứ mãi “ngồi đó” cho đến tận bây giờ! Thi thoảng dăm bữa nửa tháng, ông Nồi vẫn không quên giục con gái bằng cái giọng hờn trách, kiểu như:

- Con gái con đứa có lứa có thì. Giờ không tính chuyện chồng con thì đợi đến khi nào? Hay là đợi khi hai thân già này sang thế giới bên kia rồi mới tính...

Mỗi lần nghe ông Nồi hờn trách, bóng gió, Vân lại cười cười nửa thật nửa đùa:

- Sao cha lại nói thế! Con không phải không muốn lấy chồng. Mà tại nhan sắc con có hạn, chả ai thèm dòm ngó đấy chứ! Thiên hạ bây giờ, con gái toàn đẹp như tiên. Ai xâu xấu, trát phấn bôi son vào nhìn cũng tạm. Còn con… Chắc con ở vậy suốt đời. Con sẽ thay các anh phụng dưỡng cha mẹ tuổi già.

Chẳng biết con gái thật hay đùa, bà Phỉnh nghe mà cứ thấy nhoi nhói đau nơi lồng ngực. Bà lại tủi thân, trách mình. Cũng tại mình xấu nên giờ mới làm tội con. Ngày xưa còn thanh niên, bà cũng tự ti, mặc cảm, cũng chỉ biết từ nhà ra đồng rồi lại về nhà thui thủi. Bà đâu dám ra đường, đâu được tụm năm tụm bảy như bạn bè cùng trang lứa. Đến khi về làm vợ của ông Nồi, bà lại chỉ biết làm quần quật. Nào phụng dưỡng cha mẹ chồng, nào lo việc đồng áng rồi thì con cái… Nhưng đổi lại, bà được cha mẹ chồng, được chồng và các con hiểu, san sẻ và yêu thương. Bà xem đó là cái phước, cái may mắn của cuộc đời mình. Bà nhẹ nhàng nói với Vân:

- Người ta sinh ra vốn dĩ chẳng ai hoàn hảo cả. Và vẻ đẹp của người phụ nữ quan trọng vẫn là cái nết, cái đẹp bên trong tâm hồn. Bà muốn an ủi, muốn động viên, muốn gieo vào suy nghĩ của con niềm tin, niềm lạc quan ở phía trước. Thế nên bà vẫn cứ thủ thỉ như thế với con.

- Con vẫn biết là thế. Nhưng…

Vân ậm ừ mãi rồi cuối cùng, cô cũng kể cho cha mẹ nghe về người đàn ông đang để ý đến mình.

Mối tình đẹp của người đàn bà xấu - ảnh 2

Thông làm nghề phụ hồ. Chiều nào đi làm về, Thông cũng ghé quán của Vân uống cốc nước mát rồi mới về nhà. Ban đầu, đơn giản chỉ là việc uống nước trả tiền. Nhưng dần dà, qua ánh mắt, cử chỉ của Thông, Vân nhận ra anh còn có tình ý với mình. Một buổi chiều, nhân lúc quán vãn khách, Thông đến gần Vân, gãi đầu, ấp úng nói câu thương Vân. Vân thành thực:

- Tôi xấu xí thế này, anh thương làm gì. Thông cười:

- Thì tôi cũng đâu có gì hơn Vân. Tôi nhà nghèo. Chẳng được học hành. Làm nghề phụ hồ. Lại phải nuôi mẹ già đau yếu. Nếu Vân đồng ý, tôi sẽ bảo mẹ đến nhà xin hai bác cho Vân về ở chung nhà với tôi…

Đấy, chuyện của Vân là thế. Nhưng Vân để trong lòng chứ chẳng dám nói với ai. Nhiều khi rảnh rỗi, cô lại tần ngần nghĩ ngợi, nửa tin nửa ngờ. Có khi nào người ta chỉ đem mình ra chọc ghẹo, trêu đùa, chứ nào đâu thương mình thật lòng. Thời này thiếu gì người đẹp, ai thèm lấy người xấu như mình cơ chứ!

Câu chuyện của Vân và ông Nồi, bà Phỉnh đang dở dang thì từ ngoài ngõ, Vân thấy Thông dẫn mẹ đến nhà mình thật. Cuộc nói chuyện giữa cha mẹ Vân với mẹ Thông giằng dai suốt cả buổi. Họ nói với nhau rất nhiều điều, với nhiều cảm xúc khác nhau. Khi im lặng, khi thủ thỉ, khi lại đứt quãng… Nhưng nói gì thì nói, quyền quyết định vẫn là ở Vân. Ông Nồi bà Phỉnh không muốn gả ép con như kiểu ngày xưa cha mẹ đã từng sắp đặt cho mình.

Thời gian thấm thoát trôi. Giờ Vân và Thông đã thành vợ thành chồng. Họ đã có đứa con trai đầu lòng tròn 1 tuổi, khỏe mạnh, kháu khỉnh. Trong ngôi nhà nhỏ của họ, tiếng cười, tiếng nói luôn ngập tràn, khiến ai nấy trông vào cũng đều trầm trồ, ngưỡng mộ.

Chiều nào, ông Nồi bà Phỉnh cũng cùng nhau làm vườn. Ông chăm cây cảnh, bà chăm luống rau. Cuối tuần, con cháu lại thường tập trung về đông đủ. Cả nhà cùng nhau ăn bữa cơm gia đình, cùng trò chuyện, nói cười vui vẻ. Bà Phỉnh ngắm nhìn cháu con vui vầy, lòng rưng rưng không gì hạnh phúc bằng. Ông Nồi ngồi bên, nắm lấy bàn tay gầy guộc của bà, mỉm cười. Ánh mắt ông đong đầy tình yêu thương xen lẫn chút thẹn thùng như thuở nào.

LÊ THỊ XUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.