Người chồng phải là người đàn ông trưởng thành

Chia sẻ

Trong bản đăng ký tham gia các câu lạc bộ “Tìm bạn trăm năm” hay trên chương trình truyền hình “Bạn muốn hẹn hò”, rất nhiều chị em phụ nữ viết: “Mong muốn tìm một người đàn ông trưởng thành, biết cùng người phụ nữ vun vén, xây dựng hạnh phúc lứa đôi”

Nhiều người đọc hoặc nghe câu này, nghĩ rằng “anh nào ngoài hai mươi mà chẳng trưởng thành, có thể làm chồng, làm cha”. Nhưng thật ra, để trở thành người đàn ông trưởng thành không đơn giản.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


29 Tết, một người đàn ông gọi điện cho văn phòng tư vấn tâm lý, hỏi rằng: “Vợ con em bỏ về Hà Nội rồi, em có nên về hay cứ ở lại quê ăn Tết với bố mẹ, qua Tết tính sau?”.

Anh kể, năm anh 25 tuổi, lấy vợ lần đầu. Khi được đứa con gái hai tuổi thì vợ chồng anh ly hôn, cháu gái sống với ông bà nội ở quê.

Hai năm sau anh kết hôn với một cô gái ở Hà Nội. Vợ chồng đã mua được nhà riêng, có một con trai. Người vợ thứ hai rất tuyệt vời, suốt những năm tháng anh đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, một mình cô ấy đảm đang, thu vén, lo toan cho tổ ấm gia đình và cả bố mẹ và đứa con gái của anh ở quê nữa. Cô ấy có học thức, có công việc làm ổn định, thu nhập khá. Còn anh, ngoài tấm bằng tiến sĩ ở nước ngoài, anh không có bất cứ thứ gì.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tết này, anh đã đưa vợ con về ăn Tết ở quê cùng ông bà, tiện thể chăm chút, bù đắp cho đứa con riêng của anh từ 28 Tết. Nhưng mẹ anh là người lắm lời, liên tục gây sự, nói những lời khó nghe, thậm chí chửi bới vợ anh, khiến cô ấy buồn và khóc lóc. Anh không biết phải làm gì, chỉ bảo mẹ nói ít thôi, nhắc vợ nhịn mẹ. Bố anh cũng khuyên con dâu “bà ấy lắm điều, bố cũng nhức đầu lắm, nhưng càng nói bà ấy càng lu loa, nên nhiều khi bố cũng cố nuốt giận, sống cho qua ngày”. Tuy nhiên, sáng nay (29 Tết), bà dậy sớm và bắt đầu chửi vợ anh tiếp, không chịu đựng được nữa, cô ấy đã xách va li, chỉ chào bố chồng và về thẳng Hà Nội. Từ lúc cô ấy về, anh đã nỗ lực nhắn tin, gọi điện nhưng cô ấy đều không nghe máy, hoặc tắt máy…

Thú thật, khi nghe câu chuyện đến đây, chúng tôi thực sự thấy thương cô vợ của anh bao nhiêu lại giận anh bấy nhiêu. Một người đàn ông hai đời vợ, hai đứa con, có nhà cửa, có cuộc sống riêng từ lâu, lại là tiến sĩ, vậy mà để xảy ra chuyện không vui vào ngày sát Tết. Nếu anh biết mẹ anh là người mắc “bệnh chửi” kinh niên, chửi vô cớ, hay gây sự, không hòa hợp với vợ, thì anh chỉ cần đưa vợ con về thăm ông bà, mua sắm quà Tết, biếu ông bà chút tiền ăn Tết, cân nhắc chuyện ở lại ăn Tết ở quê. Vợ chồng anh cũng thường xuyên đi về, thăm nom, hỗ trợ bố mẹ và con gái, chứ đâu có phải đi biền biệt cả năm. Vợ anh là cán bộ, có họ hàng bên ngoại, có bạn bè đồng nghiệp, vậy mà gắng theo chồng về quê ăn Tết, anh phải ghi nhận sự cố gắng ấy, ở sát bên cô ấy, che chắn, đỡ lời cho cô ấy mỗi khi có sự cố, mâu thuẫn với mẹ mình chứ. Đã không làm được việc đó, thì khi cô ấy giận quá, xách túi về Hà Nội, anh phải níu kéo, dỗ dành, động viên, chứ lại để cô ấy tự đi về, rồi ngồi nhà nhắn tin, gọi điện. Người phụ nữ sẽ cảm thấy ấm áp, mủi lòng khi người chồng có một vài cử chỉ an ủi, động viên. Nhiều khi người ta cố tình ra đi để xem thái độ ứng xử của chồng thế nào, chứ chưa chắc đã muốn đi thật…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Các chuyên viên tư vấn động viên anh nói cho bố mẹ thông cảm, ăn với ông bà một bữa cơm Tất niên, rồi về ngay Hà Nội với vợ con, tránh trường hợp ngày Tết mà gia đình ly tán. Anh ấy phải xác định được đâu là “nhà của mình”, đâu là trách nhiệm, nghĩa vụ với bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Đừng quên, người sống cùng ta, lo lắng cho ta cả cuộc đời, người chia sẻ ngọt bùi cay đắng, thành công và thất bại… chính là người vợ. Đúng là con cái có trách nhiệm lo lắng cho cha mẹ già, nhưng đó là khi ông bà yếu đau, vất vả, khó khăn, còn đằng này, bố mẹ anh còn khỏe, còn hăng hái mắng con, chửi cháu được cơ mà. Hãy về để cùng vợ con đón cái Tết đoàn viên, không nhắc đến chuyện gia đình, không trách móc vợ, bởi cô ấy đã cố gắng lắm rồi!

Vị khách nam nói sẽ “nghe lời” tư vấn, sẽ về Hà Nội vào sáng hôm sau.

10 giờ sáng hôm sau, 30 Tết, văn phòng tư vấn đã nghỉ, vị khách này tìm trên mạng được số điện thoại của chuyên viên tư vấn cho anh hôm trước. Chuyên viên nhận được tin nhắn: “Anh ơi, em nghe lời anh, đã về Hà Nội, nhưng vợ em kiên quyết không cho em vào nhà. Em phải làm sao bây giờ? Không lẽ em lại quay về quê với bố mẹ em?”. Đọc xong tin nhắn, chuyên viên tư vấn thật sự nản, nói theo ngôn ngữ giới trẻ thời nay là “bó tay chấm com”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Một người đàn ông trưởng thành sẽ biết tại sao vợ giận chồng tới mức không cho chồng vào nhà. Người trưởng thành cũng biết dùng mọi biện pháp, xin lỗi, làm lành, ngọt ngào, năm nỉ, kiên trì để “mở cửa nhà mình” mà vào nhà chứ, sao lại sớm bỏ cuộc, định quay đi, trở lại như vậy?

Người chồng chỉ trở thành người đàn ông trưởng thành khi nhận rõ giá trị của cuộc sống lứa đôi, của người vợ, có chủ định, chủ kiến, biết hóa giải những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, biết điều gì là đúng, điều gì là sai, điều gì cần ưu tiên, điều gì cần buông bỏ. Người chồng trưởng thành không nhất thiết phải là người kiếm thật nhiều tiền đưa cho vợ, bởi nhiều chị em phụ nữ “không có gì, ngoài tiền”. Điều họ cần là một bờ vai vững chắc, một thái độ tự tin, một tinh thần lạc quan, tích cực, một đôi tay đủ mạnh để dắt họ, kéo họ về phía mình.

Làm cho người phụ nữ xiêu lòng không khó, đưa họ lên xe hoa cũng không quá khó, nhưng để người vợ kính nể, ngưỡng mộ, sẵn sàng đi cùng chồng suốt cả cuộc đời, người chồng cần phải trưởng thành!

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.