Nguyên phi Ỷ Lan và “cái kết” của nàng Tấm

Chia sẻ

Nguyên phi Ỷ Lan được nhân dân cả nước cùng thời tôn xưng là Bà Quan Âm, được bà con quê hương gọi là Cô Tấm với ngôi chùa Bà Tấm còn lưu tới ngày nay. Bà được sử sách ca tụng là người phụ nữ có kiến thức uyên bác với tài trị nước xuất chúng.

Trong cuốn “54 Hoàng Hậu Việt Nam” có trích tài liệu sưu tầm trong dân gian và “Thần tích” xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội (trước là thôn Thổ Lỗi, làng Sủi, tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã tóm tắt về Ỷ Lan: Bà tên là Lê Thị Khiết (còn gọi là Mệnh). Cha làm quan nhỏ ở kinh thành nhưng thanh bần, hai mẹ con phải ở quê làm vườn sinh sống. Khiết 12 tuổi thì mẹ mất, bố đi bước nữa rồi không bao lâu bố mất, Khiết ở với dì ghẻ. Nhà nghèo, hai dì con dựa vào nhau cùng trồng dâu - nuôi tằm - dệt vải. Khiết hiền ngoan, chăm chỉ nên bà con yêu mến gọi là Tấm. Lớn lên Khiết không gặp gỡ ai, tối tối một mình ra chùa cầu Phật phù hộ để lấy được người xứng đáng, nên lớn tuổi vẫn ở với dì. Đúng thời điểm đó, Vua Lý Thánh Tông đã ngoài 40 mà chưa có hoàng tử nối ngôi, đi cầu tự khắp nơi đồng thời ban lệnh tuyển 12 cô gái đẹp nhất các vùng vào cung và đích thân vua tới chùa Dâu ở vùng quê Khiết để cầu tự.

Nghe tin vua tới, mọi người nô nức đi xem. Đang đi, chợt vua thấy trên trời có vầng mây ngũ sắc, lại nghe tiếng hát trong trẻo ở đâu vọng lại, vua dừng kiệu, cho người tìm hiểu thì thấy một cô thôn nữ xinh đẹp đang dựa vào cây lan, nghỉ ngơi giữa buổi hái dâu. Vua hỏi vì sao biết vua tới mà không đi xem như mọi người, cô gái trả lời: vì nhà nghèo quá, cha mẹ mất sớm, ở cùng dì hai, mẹ con mải làm không biết chuyện vua đến. Vua cảm kích rước về cung làm Phu nhân, đặt tên Ỷ Lan (cô gái dựa cây Lan) để nhớ ngày hội ngộ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vào cung, các mỹ nữ khác mải trang điểm, trưng diện chiếm lòng vua, Ỷ Lan lại chỉ chú ý quan tâm mọi việc trong triều, khổ công học hỏi, chăm chỉ đọc sách, trau dồi kiến thức và tiến bộ bất ngờ khiến vua càng thêm yêu thích, triều thần khâm phục. Vua thử lòng, hỏi về cách trị nước, Ỷ Lan thưa: “Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh... Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ vô địch”.

Ỷ Lan vào cung năm 1061, đến năm 1066, vào mùa xuân sinh được Hoàng tử đầu lòng, đặt tên là Càn Đức, vua vui mừng phong ngay con trai làm Hoàng Thái Tử và phong Ỷ Lan là Thần Phi, rồi Nguyên Phi. Mới tuổi 20 Ỷ Lan đã được vua ủy quyền chăm coi việc nước để ra trận: Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 1069, “Vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đánh mãi không được, đem quân về đến châu Cự Liên, nghe tin Nguyên Phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: “Nguyên Phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì sao?”. Bèn quay lại đánh nữa, thắng được”.

Cũng theo sách này, vào năm 1103, khi ở ngôi vị Thái hậu Ỷ Lan đã phát tiền ở kho Nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở đem gả cho những người góa vợ. Sự việc này khiến Sử thần Ngô Sĩ Liên khen ngợi: “Con gái nhà nghèo đến phải cầm thân làm mướn, con trai nhà nghèo đến nỗi không có vợ, đó là cùng dân trong thiên hạ. Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm nhân chính vậy”.

Ỷ Lan có nhiều công tích và được ca tụng, duy có việc xử án Hoàng Thái hậu Thượng Dương và 72 cung nữ khi bức cho họ chết rồi chôn theo lăng Lý Thánh Tông là điểm nhức nhối và gây tranh cãi nhất trong cuộc đời Ỷ Lan nói riêng và lịch sử phong kiến nước ta nói chung.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng xét về đức hạnh, trí tuệ và công tích của Ỷ Lan hẳn nhiên bà không phải là người chỉ vì ghen tuông tầm thường mà làm những việc để bị “lưu xú vạn niên” như vậy. Nhân ngày 19, 20, 21 tháng 2 âm lịch hằng năm nhân dân Dương Xá tổ chức long trọng lễ hội tưởng niệm bà. Để tới viếng hương hồn bà, chúng ta có thể ghé thăm đình Yên Thái, ngõ Tạm Thương, phường Hàng Gai, Hoàn Kiếm hay đền - chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội.

THƯƠNG KIỀU

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.