Nhà báo - Đại tá Trần Hồng: Thành công nhờ Mẹ

Chia sẻ

Nhà báo - Đại tá Trần Hồng là một trong những nhiếp ảnh gia Việt Nam có niềm đam mê đặc biệt dành cho mảng đề tài ảnh chân dung về Mẹ và ông có một “kho” ảnh lớn. Chia sẻ với chúng tôi ông nói: “Nhìn các bà mẹ ở khắp mọi vùng miền tôi đều thấy có nét giống nhau và hình hài giống mẹ mình.

Nỗi nhớ, niềm thương yêu và sự liên tưởng tới mẹ đã giúp tôi thăng hoa...”.

Như mọi người con ở khắp các miền quê Việt Nam, khi xa gia đình đều có một tình yêu thương thiêng liêng và nỗi nhớ đặc biệt dành cho mẹ của mình. Nhà báo - Đại tá Trần Hồng không ngoại lệ, ông luôn yêu thương, trân trọng mẹ. Những câu chuyện về “bà già nhà mình” ông nhớ rất rõ: ông vốn là người rất thích ăn mít mật (hay ở quê ông người ta gọi là mít dứa), mẹ ông rất biết điều này. Bởi thế, nhà có cây mít mật, khi con đi xa, ai tới chơi bà cũng hay nhắc về việc con trai bà thích ăn loại mít này. Biết con sắp được nghỉ phép, lại vào mùa mít sai quả, bà mong ngóng con và hằng ngày gửi niềm thương yêu vào… cây mít. Nhà báo Trần Hồng kể: “Biết tôi sắp về bà sợ mít chín nhanh quá con sẽ không kịp ăn nên chiều nào bà cũng lấy nước tưới để hãm vì sợ nó chín sớm quá. Chỉ một chi tiết rất nhỏ đó thôi cũng biết mẹ mình thương yêu mình cỡ nào”.

Càng lớn, càng đi nhiều, hiểu nhiều chàng trai xứ Nghệ Trần Hồng càng ý thức được về tình yêu thương của mẹ và nhận ra trên đời này, không có bất cứ ai yêu thương mình như mẹ, không có một tình yêu thương nào giống như tình cảm mẹ dành cho con. Nên suốt 50 năm qua, kể từ khi trở thành chàng phóng viên ảnh của báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông được coi là nhiếp ảnh riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng còn một mảng đề tài nữa mà ông theo đuổi, tranh thủ thực hiện trên mọi nẻo đường ông đặt chân đến, đó là những bức chân dung về “Mẹ”.

Nhà báo - Đại tá Trần Hồng và mẹ VNAH Lê Thị Trị ở Điện Bàn - Quảng Nam (mẹ đã mất chồng và hai con cho cuộc chiến giành độc lập của dân tộc)Nhà báo - Đại tá Trần Hồng và mẹ VNAH Lê Thị Trị ở Điện Bàn - Quảng Nam (mẹ đã mất chồng và hai con cho cuộc chiến giành độc lập của dân tộc)

Nhìn đâu cũng như thấy bóng hình của mẹ

Trong các cuộc triển lãm ảnh về “Mẹ” mà nhà báo - Đại tá Trần Hồng đã thực hiện, ông luôn nhận được lời khen của bạn bè, khán giả với chung một ý: ngắm nhìn những bức hình ông chụp, người ta như thấy bà, thấy mẹ ở nhà. Thật dễ hiểu, đó là cảm xúc mà chính ông, khi nhác trông thấy gương mặt, hình bóng các bà, các mẹ ông cũng như thấy bóng hình mẹ mình. “Kỳ lạ lắm, cho dù đi tới nơi nào tôi cũng cảm thấy như bóng dáng mẹ tôi đang ở đâu đây. Nhìn vào các bà, các mẹ tôi thấy sự che chở của mẹ tôi và nỗi nhớ mẹ vơi đi nhiều!”.

Với tình cảm sẵn có trong lòng cùng bộ quân phục màu lính nên nhà báo Trần Hồng dễ dàng tiếp cận với các mẹ, nhất là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Các Mẹ nhìn người mặc quân phục như nhìn thấy con mình và mẹ chia sẻ, tâm sự những nỗi niềm thầm kín được cất giữ bấy lâu. Như mẹ của Anh hùng lực lượng vũ trang - Trung tướng Nguyễn Văn Cốc, phi công bắn rơi 9 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc, Việt Nam đã nói: “Mẹ tự hào biết bao khi có con là phi công. Nhưng càng vẻ vang bao nhiêu, nỗi lo âu của mẹ lại càng khủng khiếp bấy nhiêu. Cứ ở đâu có tiếng động là hồn vía mẹ dồn hết về đó, thời chiến cũng như thời bình. Cả ngày mẹ chỉ ước ao, mong ngóng thấy con trở về, được sờ mặt nó, tay nó và chỉ khi ấy mẹ mới hết lo âu”.

Trần Hồng vẫn hay đùa với bạn bè rằng: “Đất nước Việt Nam mình hình chữ S đẹp quá! Giống như bà, như mẹ, như chị mình vậy, thật thon thả. Đất nước ấy lại trải qua bao cuộc chiến tranh nên các bà mẹ làm chủ đất nước này thật khổ, không thể nói hết được công lao, sự hy sinh, chịu đựng của các bà mẹ. Như mẹ Nguyễn Thị Thứ, người đã dâng tặng cho đất nước 9 người con trai, một con rể và hai thằng cháu ngoại, để bây giờ, khi đôi mắt không còn nhìn rõ, bà vẫn quả quyết chắc nịch: “Tôi vẫn đợi nó về, chín thằng chắc chắn có một thằng nó về với tôi. Chắc chắn thế!”.

Rất nhiều người cho rằng: Với nhiếp ảnh ở thời điểm này thì đề tài về “Mẹ” là một đề tài hay nhưng khó thực hiện, nhà báo - Đại tá Trần Hồng lại nghĩ khác: “Mẹ” là một đề tài không bao giờ cạn cảm xúc và khai thác không bao giờ hết. Bởi tình thương yêu của Mẹ dành cho các con, cho cuộc sống này là vô tận nên những câu chuyện về Mẹ, xoay quanh Mẹ kể suốt ngày không hết, kể đi kể lại vẫn thích thú và say mê như mới nghe lần đầu.

Mẹ Nguyễn Thị Thứ, mẹ VNAH ở xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam (mẹ có chồng, chín người con trai và một người con rể, hai cháu ngoại là liệt sĩ)Mẹ Nguyễn Thị Thứ, mẹ VNAH ở xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam (mẹ có chồng, chín người con trai và một người con rể, hai cháu ngoại là liệt sĩ)

Trân quý vẻ đẹp tự nhiên

Nhiều người thắc mắc đặt ra câu hỏi với nhà báo Trần Hồng: Tại sao ông không chọn chụp hoa hậu, các người đẹp hay các cô văn công cùng thời tuổi trẻ với ông, lại cận kề ngay bên cạnh bởi ông thường xuyên đi công tác cùng các cô mà lại chụp ảnh các bà mẹ, những gương mặt già nua, nhăn nheo?

Nhà báo - Đại tá Trần Hồng trầm ngâm rồi nói: “Tôi không phải là người dửng dưng với cái đẹp mà ngược lại, tôi trân quý vẻ đẹp ở người phụ nữ nhưng là vẻ đẹp tự nhiên chứ tôi không thích cái đẹp theo kiểu không tự nhiên. Cho nên, tôi hiếm khi chụp văn công, nếu có chụp chăng nữa cũng là những hình ảnh của họ trong đời thường: giản dị, bình thường. Vẻ đẹp của họ sẽ toát lên từ đôi mắt, hành động, cử chỉ. Còn cái kiểu uốn éo, thoa vẽ do bố trí, sắp đặt thì chỉ dành cho sân khấu, cho những “gu” khác, tôi không mặn mà gì.

Có lần tôi đã thử chụp theo kiểu này nhưng nhìn thoáng qua lần đầu thấy rất đẹp, nhìn lại lần hai thấy bức chân dung mình chụp nhìn cứng đờ, không tỏa ra cảm hứng gì hết, không có sự giao cảm giữa người xem và bức ảnh. Có người xem nói: Ôi giời, văn công thì ai mà chả đẹp, ăn sung mặc sướng mà chả đẹp thì ai đẹp, trang điểm suốt ngày - thế là vứt đi rồi, tức là người ta không có cảm tình vì không có cuộc sống thực với những vẻ đẹp chân thật của nhân vật trong tác phẩm, nói cách khác bức chân dung đó không có hồn phách - cảm xúc”.

Nhà báo - Đại tá Trần Hồng thời trẻNhà báo - Đại tá Trần Hồng thời trẻ

Ảnh chính thống là ảnh phản ánh sự thật, không chỉnh sửa

Không chỉ với các tác phẩm nghệ thuật mà ngay cả quan điểm trong đời sống, nhà báo Trần Hồng cũng luôn tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên và sự tự do bay bổng của tâm hồn. Ông kể: “Cách đây hơn một năm, có gia đình người bạn ở Hưng Yên, họ có một cô con gái rất xinh đẹp, họ đến gặp tôi và nói: Vợ chồng em đưa cháu đến gặp bác để nhờ bác quyết định giúp: có nên cho cháu đi thi hoa hậu không vì em rất muốn đăng ký cho cháu tham gia nhưng chồng em không thích. Tôi nói luôn: Nếu là con gái tôi thì hỏi 100 lần tôi cũng bảo: Không! bởi cái đẹp của người con gái là vẻ đẹp tự nhiên giữa trời đất, bố mẹ sinh ra đã mang vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp lan tỏa hồn nhiên, tự do một cách tuyệt đối. Bây giờ đi thi, kể cả đoạt vương miện thì cái đẹp đó đã phải theo một quy định, khuôn khổ và phải theo sự chỉ đạo của người khác. Đó là quan điểm của tôi, vì tôi thích sự tự do, bay bổng và chân thật còn cháu và gia đình quyết định thế nào tôi không can thiệp”.

Trong các tác phẩm của mình, nhà báo - Đại tá Trần Hồng luôn đặt tiêu chí phản ánh chân thật đời sống lên hàng đầu. Bởi muốn lan tỏa những cảm xúc đẹp đẽ trước tiên phải được bắt đầu từ sự thật. Ông chia sẻ: “Nếu không là sự thật thì không còn là ảnh chính thống nữa! Sự thật thiêng liêng và cao cả lắm!”.

Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại với các phần mềm chỉnh sửa ảnh ra đời, nhà báo - Đại tá Trần Hồng cho biết: “Cùng với sự phát triển của đời sống, của công nghệ, có rất nhiều thể loại ảnh ra đời: ảnh cố định, ảnh tĩnh, ảnh chơi, ảnh ghép… công nghệ hiện đại cho phép người chơi ảnh sử dụng các loại phần mềm chỉnh sửa khác nhau, điều đó rất thú vị nhưng đó là ảnh chơi chứ không thể gọi là ảnh chính thống hay ảnh nghệ thuật. Bởi ngay cả với một tác phẩm nghệ thuật thì vẻ đẹp nghệ thuật muốn lan tỏa, muốn gửi gắm, gói gém tình cảm của mình vào đó thì nhất định phải là một tác phẩm phản ánh sự thật!”.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.