Nỗi khổ của người già

Chia sẻ

Bình thường, chúng tôi vẫn nghĩ ông bà mình ổn. Cho tới khi, chúng tôi có dịp được sống cùng ông bà...

Ông bà sống ở quê, còn các con cháu đều ở trên thành phố. Quê nội của tôi không quá xa, nhưng, một năm, cũng chỉ vào dịp Tết và hè, chúng tôi mới có điều kiện về thăm ông bà. Vì thế, sợi dây giúp tôi và ông bà giữ mối liên lạc chính là điện thoại. Một tháng đôi lần, ông bà nhớ con cháu thì gọi điện lên. Thường thì chúng tôi trò chuyện rất vui. Ông bà luôn nói ông bà ổn, sức khỏe tốt, nhờ đó mà chúng tôi cũng yên tâm, không phải lo lắng nhiều.

Mấy tháng trước, ở quê tôi nằm trong vùng chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. Hoa màu thiệt hại, gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi. Nhiều hộ dân, trong đó có ông bà bị cô lập, đứng trước nguy cơ thiếu đói. Trước tình cảnh ấy, gia đình tôi quyết định đón ông bà lên thành phố ở cùng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đó là lần đầu tiên, tôi có điều kiện ở cùng ông bà dài ngày. Cũng vì thế mà tôi mới hiểu ông bà và tuổi già của ông bà nhiều hơn.

Bình thường, chúng tôi vẫn nghĩ ông bà mình còn khỏe mạnh lắm. Nhưng, hóa ra không phải vậy. Một ngày, ông bà tôi phải uống không biết bao nhiêu loại thuốc, nào thì thuốc ổn định huyết áp, thuốc tim, thuốc khớp, thuốc an thần, thuốc chống đông máu… Nhiều lúc tôi có cảm giác, ông bà uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm. Chưa kể thi thoảng, ông tôi đang khỏe mạnh bỗng than đau đầu, nhức buốt chân tay. Bà tôi đang bình thường bỗng nhiên bị chóng mặt, tiền đình. Vậy là hết ông bà lại dìu nhau vào giường nằm nghỉ, rồi thay phiên chăm sóc, lo lắng cho nhau. Một tuần, tôi đi làm từ thứ 2 đến thứ 7, khi về nhà thì ông bà đã đi nghỉ rồi. Vì thế mà tôi chẳng biết một ngày của ông bà như thế nào. Chỉ có Chủ nhật, may chăng tôi mới đỡ đần, hỏi han ông bà được chút ít. Nhìn ông bà sống chung với thuốc và bệnh tật như vậy, tôi bỗng thấy thương ông bà thật nhiều. Người già tưởng khỏe đấy mà không phải vậy.

Bữa tối với gia đình tôi là khoảnh khắc rất quan trọng, nơi chúng tôi thường kể cho nhau nghe về một ngày đã qua của mình. Tôi thì kể về công việc ở cơ quan, những đối tác tôi gặp, những dự định tôi đang ấp ủ. Các em tôi chia sẻ về những điều chúng quan tâm, những tin tức xa gần chúng đọc được trên mạng internet, về các ứng dụng công nghệ mới. Với chúng tôi, những đề tài đó thật thú vị, nhưng, ông bà tôi lại chẳng hiểu gì. Ông bà tôi không biết dùng điện thoại thông minh, hoàn toàn xa lạ với zalo, facebook… Ông bà cũng không biết nhiều về công việc của các cháu đang làm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vì thế, trong bữa ăn, ông bà thường chỉ ngồi nghe các cháu nói. Không muốn để ông bà có cảm giác mình đang bị đẩy ra xa khỏi cuộc sống của con cháu, tôi thường chủ động gợi chuyện ở ông bà. Thi thoảng, ông tôi cũng chia sẻ về thời ngày xưa, khi ông còn trẻ. Nhưng, mấy chuyện đó, ông đã kể tới cả trăm lần nên các em tôi thường rất ngại khi phải nghe lại. Tôi lén đá chân chúng để ra dấu dưới gầm bàn mà chúng chẳng chịu hiểu ý. Thấy con cháu không hứng thú với chuyện mình kể, ông nội lại dừng lời.

Đón ông bà đến ở cùng, gia đình tôi luôn cố gắng để ông bà cảm thấy thoải mái nhất. Thế nhưng, nếp sinh hoạt của ông bà luôn khác chúng tôi. Nhiều hôm, sáng sớm tinh mơ, tôi đã thấy ông bà ngồi đăm chiêu ở phòng khách, nhìn ra xa xăm. Tôi vội mời ông bà cứ vào nghỉ thêm thì bà nói, tuổi già rồi, ông bà có ngủ được nhiều đâu. Sợ đi lại nhiều làm ảnh hưởng đến con cháu, ông bà chỉ dám ngồi đây và đợi tới lúc trời sáng hẳn.

Tôi đã hiểu vì sao gia đình tôi phải nói mãi thì ông bà mới đồng ý ra ở với chúng tôi kèm với lời hẹn khi nào bão lũ qua ông bà sẽ về lại quê. Có lẽ, ở nơi chôn rau cắt rốn ấy, ông bà được cảm thấy mình có ích và không bị lạc lõng.

Còn tôi càng yêu thương ông bà hơn. Tôi hiểu ra người già luôn có những tâm tư, khó khăn của riêng mình mà không dễ gì chia sẻ được cùng con cháu.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.