Nỗi lòng mang tên “hiếm muộn”

PHẠM HUYỀN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hiếm muộn không chỉ khiến các cặp vợ chồng phải chịu nỗi đau khổ không được làm bố, làm mẹ mà khổ tâm hơn là họ còn phải chịu vô vàn áp lực từ gia đình, định kiến xã hội.

Cảm thông thì ít, gièm pha thì nhiều

Không biết bao nhiêu lần chị Vũ Thị Toan (35 tuổi, quê Nam Định) thầm khóc khi nhớ tới lời của mẹ chồng nhỏ to khuyên nhủ chồng chị: “Hay là con đi gửi lấy một đứa ở đâu đi, rồi sau này vờ nhận làm con nuôi, mang về đây mẹ nuôi cho. Chứ cái Toan, chọc trứng, làm thụ tinh mấy lần rồi, chỉ thấy béo ú lên chứ con cái chẳng thấy đâu. Mẹ sợ có khi nó… tịt hẳn rồi. Con lại là con trưởng trong nhà...”. Dù lần ấy chị thấy chồng mình thẳng thắn bảo mẹ đừng nghĩ lung tung, cũng nói mẹ hãy yêu thương Toan như những ngày đầu cô mới về làm dâu… nhưng bà lại không định, cũng không muốn làm như vậy.

Nỗi lòng mang tên “hiếm muộn” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Kết hôn được 12 năm thì có tới 9 năm chồng Toan lênh đênh trên biển là chính. Công việc của anh là làm nhân viên phục vụ cho các đoàn khách trên tàu viễn dương đi du lịch các nước châu Âu. Một năm, chồng chị nghỉ phép lâu nhất cũng chỉ 2 tháng, nên ngoài thăm nom họ hàng hai bên nội ngoại, vợ chồng chị tập trung phần lớn thời gian để lo “chạy chữa” cho có con. Bao nhiêu tiền đi làm anh chị cũng “nướng” cả vào đấy. Đông y, Tây y, rồi làm thụ tinh ống nghiệm chị Toan cũng đều trải qua, tới mức cơ thể phì cả lên… mà số phận vẫn chưa mỉm cười với vợ chồng chị. Tuổi càng nhiều, không chỉ khó khăn tăng lên mà áp lực dồn lên vai chị Toan cũng nặng thêm gấp bội.

Chồng chị quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, làm sao hiểu hết được những áp lực, lo toan và nỗi khổ tâm của vợ. Là dâu trưởng trong nhà, dù chị Toan có đảm đang, chu đáo, quan tâm tới mọi người đến đâu thì trong mắt gia đình chồng, chị vẫn không được coi trọng. Hơn ai hết, chị sợ vô cùng những cuộc tụ họp gia đình, sợ được quan tâm, hỏi han “đã có tin vui gì chưa?”, “bao giờ hai đứa định đẻ con?”, “sao mãi vẫn chưa nhận tin vui?”… Thậm chí đâu đó có những lời nhỏ to, xì xào đánh giá chị: “Béo ú lên thế kia đẻ làm sao được nữa”, “Phụ nữ không có con thì khác gì đồ bỏ đi”…

Đến giờ chị Toan vẫn không sao quên được câu nói của mẹ chồng vào dịp Tết 2 năm trước, khi chồng chị vắng nhà. Mọi năm, vì khéo tay, nấu ăn ngon lại nhanh nhẹn nên việc chuẩn bị mâm cỗ cúng Giao thừa đều do chị đảm nhận. Nhưng năm đó, bà thông báo đã đặt cỗ người ta làm sẵn, không ai phải nấu nướng gì. Chị Toan lúc đầu cứ ngỡ mẹ chồng thương con dâu vất vả nên quyết định như vậy. Sau đó vài hôm, vô tình nghe được cuộc trò chuyện của mẹ chồng và chị chồng, chị mới biết thực sự là mình bị “kỳ thị”. Mẹ chồng chị nói rõ: “Từ năm sau không khiến cái Toan làm gì hết. Nó mãi không có con, xui xẻo đầy người, để nó làm rồi “dông” cả năm. Đúng là… vô phúc. Vì nó mà không biết bao nhiêu tiền bạc của em trai con đều đổ sông, đổ biển… Cái Toan thì bám riết, không biết đường khuyên chồng đi gửi gắm cho mẹ được nhờ”.

Nỗi lòng mang tên “hiếm muộn” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tổn thương tinh thần, kiệt quệ tài sản

Năm nay gần 30 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Phượng (quê Hải Dương) vẫn chưa được hưởng trọn vẹn niềm vui, lại còn mang tiếng là “không chịu đẻ” khi lấy chồng gần 5 năm mà vẫn chưa có con. Vì chữa chạy hiếm muộn, chị Phượng đành nghỉ việc, bỏ hết sự nghiệp và cuộc sống thân quen để vào TP Hồ Chí Minh tìm thầy, tìm thuốc. Nhưng giờ sắp năm thứ 3 chữa trị mà con vẫn đang ở đâu chưa chịu đến, tiền của dần cạn kiệt, đất ở quê đã bán để chạy chữa, công việc không có, sức khỏe đi xuống.

Vì hiếm muộn, chị Phượng rất ngại những cuộc giao lưu cùng bạn bè, sợ phải có mặt rồi nghe người ta trêu đùa: “Chồng mày không sinh được con, hay là nhờ người khác đến giúp”. Rồi trong những câu chuyện, khi mọi người đang vui vẻ, chia sẻ về chuyện học hành hay nuôi dạy con, ai đó lại thốt lên: “Chưa có con làm sao biết được”. Nhất là trong những buổi giỗ chạp, đám cưới, hỏi của dòng họ, khi rượu đã ngà ngà, chuyện con trai, con gái, có con hay chưa có con được mấy ông bàn tán rôm rả, thậm chí đem ra làm thước đo để so sánh, đánh giá, phân biệt đối xử… khiến chồng chị tủi hổ vô cùng. Xấu hổ ở bên ngoài, cũng có lần anh mang giận dỗi, bực tức trút lên đầu vợ… Mọi thứ như một vòng luẩn quẩn với vợ chồng chị Phượng.

Nhiều lần vào bệnh viện làm thụ tinh, nhìn những cặp vợ chồng đưa nhau đi khám thai định kỳ, chị Phượng lại rơm rớm nước mắt, tủi hổ nghĩ thầm: Người ta có con đơn giản quá, còn tôi sao khổ sở thế này! Khóc hết nước mắt mà trời chẳng chịu thương. Không biết bao đêm chị Phượng mơ thấy mình sinh con, mơ rồi khóc khi bất ngờ tỉnh giấc, nhưng khóc rồi chị lại mơ… Mơ nhưng chị lại sợ vì kể cả sinh con bằng thụ tinh ống nghiệm thành công, chị vẫn phải đối mặt với sự nghi ngờ, điều tiếng cũng bủa vây lấy chị bởi vùng quê chị sống người ta nặng nề lắm. Lúc chị đi, đâu đó đã xì xào, làm thụ tinh thì chắc gì đứa con đúng là của chồng chị…

Nỗi lòng mang tên “hiếm muộn” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mỗi khi ngồi với bác sĩ để thăm khám, chị Phượng đều nghe tư vấn rằng: Bây giờ xã hội đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt cái nhìn với người hiếm muộn đã cải thiện hơn trước. Các cặp vợ chồng cần hiểu rằng đó là vấn đề phổ biến và cũng nên tự “cởi trói” cho tư tưởng của chính mình. Muốn vượt qua áp lực “phải có con bằng mọi giá”, cách hỗ trợ tốt nhất là “đừng làm gì hết”; có nghĩa là hãy coi việc chưa có con là chuyện bình thường, cứ làm lơ đi đừng “thèm” quan tâm gì cả. Đó là cách hỗ trợ tốt nhất trước khi giúp được một điều gì đó lớn hơn. 

Nhưng với những người lâm vào hoàn cảnh như chị Phượng, chị Toan, khi phải chịu quá nhiều áp lực dồn nén từ bên ngoài, thì việc tự giải phóng cho mình không hề dễ dàng. Và những gánh nặng tâm lý, tiền bạc vẫn luôn hiện hữu. Đâu đó, mặc cảm “có lỗi” đó luôn ám ảnh người hiếm muộn, khiến hành trình tìm con của họ thêm nặng nề. Khi cơ thể có gì đó bất thường, ai cũng có thể nhanh chóng đi khám, trừ khi bị hiếm muộn. Người ta lại mặc cảm không dám nói dù trong lòng đau khổ và có vô số thắc mắc, rằng “hiếm muộn” cũng là một bệnh mà tại sao người thông cảm thì ít, người gièm pha thì nhiều.

 

Tin cùng chuyên mục

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

(PNTĐ) - Chị khóc vùi bên mộ cha, gần 10 năm rồi chưa một lần được thăm cha mẹ, cho đến hôm nay chị cũng không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối cùng. Mẹ chị nói, cha chị yếu dần nhưng vẫn cố gắng hết sức để đợi chị về. Tâm nguyện cuối của ông trước khi ra đi là được gặp đứa con gái duy nhất của mình. Thế nhưng, tâm nguyện đó của ông cũng chẳng thể toại nguyện.
Tình đầu đâu có... xấu

Tình đầu đâu có... xấu

(PNTĐ) - Hôm đó, mẹ vợ anh trở bệnh phải nhập viện gấp. Hai vợ chồng anh lại đang ở xa. Anh liền nhắn tin cho Như “cầu cứu”: “Mẹ vợ anh vào viện em khám chỉ có một mình. Em lo cho bà giúp anh nhé. Nay vợ chồng anh đều không đưa bà đi được”.
Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

(PNTĐ) - Ngày nay, phụ nữ không chỉ tự tin, độc lập mà còn xây dựng các chuẩn mực, thước đo để khẳng định giá trị bản thân, hướng đến hình mẫu phụ nữ hiện đại. Họ dám nghĩ, dám làm, dám bước qua ranh giới và rào cản, quyết tâm theo đuổi đam mê, từ đó khẳng đinh tài năng trên từng lĩnh vực mà mình theo đuổi.