Nước mắt của bố

Chia sẻ

Chỉ vì mẹ gọi điện báo cho tôi là bố mới dương tính với Covid-19 mà bố giận mẹ, đùng đùng bỏ ra sân nằm. Mẹ lại gọi điện cho tôi mếu máo: “Con xem có khuyên được bố không? Chứ bố F0 mà ngủ ngoài sương lạnh, khéo chết không chừng”.

Tôi lúc đó cũng bấn loạn vì hai con mình mới lên “hai vạch”. Trong gia đình, các con tôi là những người đầu tiên mắc Covid-19. Ngày nào bố cũng gọi điện sang động viên an ủi, bảo tôi đừng lo lắng. Mẹ “nhát” hơn, vừa gọi điện vừa khóc, lo tôi vất vả. Chồng tôi đóng quân ở xa không thể về nhà. May mà có bà con hàng xóm hàng ngày đi chợ, mua giúp thực phẩm rồi treo ở cửa nên ba mẹ con vẫn có đủ đồ ăn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vì thế, bố đã cấm mẹ không được nói là bố bị bệnh, kẻo tôi lại lo. Bố bảo, tôi đã đủ mệt rồi, đừng trút thêm lo lắng cho tôi nữa. Nhưng, mẹ vốn là người không biết giữ bí mật, nhất là những việc liên quan đến sự an nguy của gia đình.

Nghe mẹ báo tin, tôi gọi điện về cho bố để hỏi thăm. Bố cười to bảo bố có sao đâu, khỏe như chưa bao giờ khỏe như thế. Con cứ yên tâm đi, không phải lo lắng gì. Nhưng như mẹ tôi nói sau đó, thực ra bố tôi đang bị ho rất nhiều, còn đau đầu và hâm hấp sốt.

Tôi lo cho bố quá vì người bình thường nằm sương gió còn dễ ốm, còn bố vừa tuổi cao, lại mang Covid-19 trong người. Chẳng biết làm thế nào, tôi gọi khuyên giải thì bố nhất quyết không nghe máy. Tôi đành “bắn” tin sang cho mẹ, ý rằng nếu bố không chịu vào nhà nghỉ ngơi thì tôi sẽ để hai con ở nhà một mình rồi bắt xe sang đón bố về nhà tôi để tôi được tự tay chăm sóc bố. Quả nhiên, lời dọa dẫm của tôi đã hiệu nghiệm. Mấy phút sau, tôi thấy mẹ nhắn tin báo bố đã chịu vào nhà.
Ngày hôm sau, tôi gọi đến hiệu thuốc, nhờ họ sắp cho mấy lọ thuốc bổ loại tốt, thuốc ho, cảm cúm, giảm sốt, long đờm, tiêu viêm… rồi chuyển sang nhà cho bố. Bố mẹ tôi đều già cả, ở xa con cái nên chắc chắn sẽ không chu toàn trong việc chăm sóc sức khỏe của mình. Tiền ship đắt gấp 4 lần tiền thuốc nhưng với tôi lúc này, sức khỏe của bố mới là quan trọng nhất.

Rồi tôi bí mật nhắn tin cho mẹ, nhờ mẹ chuyển lời tới bố nếu bố không uống thuốc thì tôi sẽ lại sang để đón bố.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chỉ vì sợ phiền con mà bố tôi trở nên thuần tính hẳn. Ông chịu khó uống thuốc, ăn cháo do mẹ tôi nấu, hàng ngày vẫn chăm chỉ tập thể dục nhẹ nhàng. Nhờ thế mà chỉ đến ngày thứ 4 mà bố đã không còn các triệu chứng mệt mỏi.

Tôi vừa mừng cho bố thì tối đó, tôi thấy người khó chịu, bứt rứt. Tôi thử test nhanh thì đã nhiễm bệnh từ hai con. Vậy là nhà tôi bây giờ chỉ toàn F0. Tôi không dám nói với ai, cứ âm thầm chữa cho con và cho mình. Hàng ngày bố mẹ tôi gọi tới, tôi cũng đều nói là mình ổn, các cháu của ông bà cũng ổn.

Cho tới khi con gái tôi trong một lần nói chuyện với ông ngoại, vô tình kể là tôi mắc Covid-19 thì bố mới biết. Ông liền gọi tới, mắng tôi một trận là dám giấu ông về tình trạng bệnh của mình. Ông đùng đùng đòi sang nhà hỗ trợ tôi cơm nước hàng ngày. “Bố mới hết bệnh Covid-19 rồi nên con đừng lo cho bố. Giờ, bố sang trông con, chăm cháu là hợp lý nhất. Mẹ thì vẫn nên ở nhà giữ sức khỏe”.

Tất nhiên là tôi không đồng ý để bố phải chăm sóc ba mẹ con tôi nhưng phải nói mãi thì bố mới nguôi ngoai. Tối đó, khi bố đã đi nghỉ, tôi rón rén nhắn tin cho mẹ hỏi thăm tình hình. Mẹ tôi nhắn lại: Bố buồn lắm vì con cháu ốm đau mà không giúp ích được gì. Bố không đồng tình khi con giấu bố mọi việc đâu. Thôi thì từ lần sau, con có thế nào cũng phải cho bố biết nhé”.

Điện thoại tắt rồi, tôi vẫn cứ nghĩ mãi về bố. Bố lúc nào cũng sợ mình sẽ gây phiền hà cho con cháu, nhưng lại luôn muốn mình được phiền hà khi con cháu gặp khó khăn. Nước mắt của các bậc cha mẹ lúc nào cũng chảy xuôi như thế.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.