Ông nội và các cháu gái
(PNTĐ) - Từ ngày Bi - cậu em trai duy nhất trong nhà ra đời, Phương có thể cảm nhận được sự khác biệt trong cách đối xử của ông nội với các cháu. Dù chưa bao giờ nói ra lời, nhưng Phương biết, trong lòng ông, luôn dành sự yêu chiều, cưng nựng cho cháu trai.
Phương còn nhớ lần sinh nhật Phương 15 tuổi. Bố mẹ có ý định tổ chức sinh nhật cho Phương ở nhà ông bà nội (vì nhà ông mới đủ rộng cho đông người tập trung). Kế hoạch đã được lên chu đáo, bố cũng đã mời mọi người đến nhà ông bà nội chung vui. Ấy thế nhưng, khi biết chuyện, ông nội không đồng ý rồi bảo: Cháu ở nhà nào thì về nhà đó làm sinh nhật, không được tổ chức “lung tung”.
Vậy mà đến lượt sinh nhật Bi, ông lại chủ động thông báo sẽ đứng ra tổ chức sinh nhật cho cháu. Lý do của ông vì Bi là cháu út, nên cần được “chăm” hơn các chị.
Rồi trước cùng một sự việc, ông có thể đánh giá các cháu trai và gái khác nhau. Khi cháu gái đến nhà ông chơi, nếu có làm ồn thì ông sẽ mắng rồi bảo: “Con gái thì phải ý tứ, dịu dàng. Các cháu chạy nhảy ầm ĩ làm ông đau đầu không chịu được”. Vì thế mà các cháu gái thường ít khi cười đùa to mà chỉ dám túm năm tụm ba ngồi trong phòng đọc sách. Còn cháu Bi, ngay cả khi có chạy nhảy khắp nhà, rồi còn làm đổ đồ đạc thì vẫn được ông bênh vực vì “trẻ con như thế mới khỏe mạnh. Cháu cứ chạy nhảy đi cho vui cửa, vui nhà”.

Đến bữa cơm, bố mẹ có ý để trẻ con ăn trước rồi người lớn ăn sau nhưng, ông lại luôn khắt khe với cháu gái. Ông nói: “Các cháu không được ăn trước người lớn, phải ăn cùng để còn dọn rửa”. Riêng với Bi, chỉ cần than với ông là đói bụng, thể nào ông cũng dắt ra một góc riêng, rồi tự tay xới cơm, lấy cho Bi những món ngon nhất. Ông nói: “Trẻ con ăn theo nhu cầu. Cháu ăn đi cho khỏe”. Ông không cho Bi đụng chân, đụng tay vào việc gì để giúp đỡ mọi người sau bữa cơm vì theo ông: “Con trai là phải ăn to nói lớn, gánh vác sự nghiệp. Mấy việc lặt vặt, dọn dẹp là của đàn bà con gái”.
Cuối năm học, các cháu của ông đều đạt được thành tích học tập tốt. Nhưng, với các cháu gái ông luôn nghiêm khắc: “Các cháu được bố mẹ tạo mọi điều kiện cho ăn học thì phải học giỏi là đúng”. Song, mỗi lần cháu Bi mang về khoe ông tờ giấy khen học sinh giỏi, là ông mừng rỡ, khoe khắp nơi. Với ông, dường như chỉ có Bi mới là tương lai, là niềm hy vọng của cả nhà.
Không ít lần, các em gái của Phương nói với nhau là không thích sang nhà ông nội chơi lắm vì ông chỉ yêu em Bi thôi. Lúc đó, Phương cũng đã cố gắng giải thích cho các em tin rằng, ông đều yêu các cháu như nhau, chỉ là ông quan tâm đến em Bi hơn một chút vì em còn nhỏ. Tuy nhiên, thực sự, đôi lúc, Phương cũng thầm tự hỏi: “Liệu ông có yêu các cháu gái không? Tại sao, lúc nào ông cũng coi trọng cháu trai hơn cháu gái”.
Phương rất mong một ngày nào đó, ông sẽ thay đổi, dành nhiều tình cảm trìu mến cho các cháu gái hơn cũng như ghi nhận nỗ lực, thành quả của các cháu như nhau. Phương biết ở tuổi đã ngoài 80, thay đổi ông thật khó nhưng Phương vẫn muốn thay mặt các em gái nói với ông rằng chúng cháu yêu ông và tình yêu ấy không phụ thuộc chúng cháu là con gái hay con trai.