Ông tôi

Nguyễn Thị Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vậy là ông tôi đã đi xa, sau gần 5 tháng đổ bệnh và 2 tuần rơi vào trạng thái hôn mê trong bệnh viện. Khi thấy tôi khóc vì thương ông, bác sĩ điều trị nói: “Ông của cháu vậy là sướng đấy. Ông không biết là mình đã mất đâu. Ông cháu vẫn đang ở trong một giấc ngủ dài”.

Cơn tai biến quái ác đã biến ông tôi từ một người khỏe mạnh trở nên sa sút cả về thể chất lẫn tinh thần. Những buổi chiều, thay cho việc tự đi bộ để tập thể dục, ông phải ngồi trên xe lăn.

Vốn là một người hướng ngoại, yêu thiên nhiên, phải ngồi bất động nhìn mọi thứ qua ô cửa sổ với ông thật là khó chịu. Nhưng rồi, ngay cả việc ngồi xe lăn dần dần cũng quá sức ông. Ông yếu dần cho tới khi phải nằm bẹp trên giường, vệ sinh cá nhân tại chỗ.  

Bác sĩ nói, bệnh của ông nặng lắm, khó mà bình phục được. Ông tôi giống như chiếc xe xuống dốc không phanh, cứ lao vun vút như thế cho tới khi xuống đáy vực thì dừng. 

Và rồi ông tôi cứ thế lịm dần đi trong giấc ngủ mê man, chưa một lần tỉnh lại. Ông không còn nhận ra ai, chỉ còn lại ông với thế giới của riêng mình. Cho tới khi ông trút hơi thở cuối cùng, chúng tôi cũng chẳng một lần được nghe ông dặn dò.

Tang lễ của ông diễn ra trong quy mô nhỏ nhưng chu đáo, đầy đủ các nghi thức. Bố mẹ tôi tin rằng, làm như vậy thì linh hồn của ông sẽ được thanh thản về nơi bồng lai tiên cảnh. 

Sau 49 ngày mất của ông, tôi lấy từ trong tủ ra một chồng quần áo của ông được gấp gọn gàng. 

- Chỗ quần áo và đồ cá nhân của ông cháu để bà đem đi đốt rồi chôn cháu ạ - bà trẻ là em của ông tôi nói.

- Sao lại vứt đi hả bà? Cháu muốn giữ lại để mặc. Hồi trước khi ông còn sống cháu toàn mặc đồ của ông thôi. Lần nào cất đồ giặt, quần áo của cháu và của ông cũng bị lẫn lộn. Ông thì không mặc đồ của cháu vì nó teen, nhưng, cháu thì mặc đồ của ông rất ổn.

- Không được cháu ạ. Đồ của người đã khuất thì người sống không được mặc chung. Người ta kiêng vì làm vậy sẽ bị ma bắt cháu ạ.

- Cháu không tin điều đó. Không lẽ, ông là ông của cháu mà lại làm hại cháu hay sao?

Và tôi kiên quyết giữ lại đồ của ông để dùng. Tôi mặc áo của ông, thấy hơi ấm của ông vẫn đang ấp ủ lấy tôi. Tôi thấy như ông tôi vẫn đang còn sống và luôn hiện diện trong nhà. 

Ông tôi - ảnh 1
Ảnh minh họa

Không những thế, mỗi lần nhớ ông, tôi lại xuống phòng của ông ngủ. Tôi nằm trên chiếc giường của ông, gối đầu lên chiếc gối ông hay gối, đắp chăn của ông. Tôi nhớ lại lúc ông còn sống, ông cháu tôi thường nằm bên nhau như thế. Khi tôi nhỏ thì ông xoa lưng, kể chuyện cổ tích và còn hát ru cho tôi ngủ.

Khi trời sáng trở dậy, tôi thấy mình đã được bế về phòng từ lúc nào liền òa khóc, đòi được xuống lại phòng ông. Lớn lên tôi tìm đến ông như một chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp khó khăn.

Có thể ông không giúp gì được cho tôi nhưng tôi chỉ cần được ông lắng nghe, chia sẻ với tôi như một người bạn lớn tuổi là đủ.

Như mọi ông bà khác, ông tôi rất yêu thương con cháu. Chỉ tiếc là tuổi cao sức yếu không cho ông ở bên gia đình chúng tôi nhiều hơn. Bà trẻ tôi vẫn rất lo khi thấy tôi dùng đồ của ông vì bà sợ tôi sẽ gặp xui xẻo.

Nhưng, tôi lại thấy ngược lại. Những kỷ vật của ông hình như khiến tôi thêm mạnh mẽ, tự tin hơn và thực sự thì tôi không thấy mình thiếu đi may mắn.

Tôi nghĩ rằng, sau khi người thân của mình qua đời, mình sẽ xử lý ra sao với đồ của người mất là tùy vào quan niệm của mỗi người. Còn tôi, đó mãi mãi là dấu ấn của tình yêu thương mà không bao giờ tôi muốn xóa bỏ chúng.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.