Rước bánh trôi - mỹ tục đẹp của lễ hội đền Hai Bà Trưng

Chia sẻ

Ngày 6/4/2022 - tức ngày 6 tháng 3 âm lịch, tại đền thờ Hai Bà Trưng (xã Hát Môn), huyện Phúc Thọ đã tổ chức trang trọng lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hai Bà Trưng - 2 vị nữ tướng hào kiệt đã làm rạng danh truyền thống anh hùng, bất khuất của phụ nữ Việt Nam.

Vùng đất cổ có 3 lễ hội đặc sắc

Là một vùng đất cổ ở xứ Đoài, làng Hát Môn vốn nằm ở cửa sông Hát (đoạn sông Đáy nối với sông Hồng), nay là một trong 21 xã, thị trấn của huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, nơi đây vào năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng cùng các tướng sĩ bốn phương tụ nghĩa, lập Đàn thề khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược, giành lại nền độc lập, tự chủ cho nước nhà. Tương truyền, sau khi chiến thắng, Hai Bà về đây khao quân và tắm gội sạch sẽ để xưng Vương. Đến năm 42, vua Hán cử tướng Mã Viện đem hàng vạn binh lính sang tái xâm lược nước ta. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đến năm 43 quân của Hai Bà Trưng không đủ sức kháng cự quân xâm lược. Trên đường rút quân, Hai Bà đã dừng chân gần dòng sông Hát và ăn bánh trôi, sau đó gieo mình xuống dòng Hát Giang để bảo toàn tiết hạnh, tránh sa vào tay giặc. Đó là ngày 6 tháng 3 âm lịch.

Đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, TP Hà NộiĐền thờ Hai Bà Trưng tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội

Sử sách ở làng Hát Môn xưa cũng ghi lại, dân làng đã lập ngôi đền thờ sau khi Hai Bà Trưng hoá sinh vào cõi bất diệt. Trải qua nhiều lần trùng tu, đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn là một trong ba đền thờ Hai Bà lớn nhất và lâu đời nhất ở nước ta. Đây là quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng trên một khu đất rộng 3ha, có thế “long chầu hổ phục”, phía trước là gò con rùa và sông Hát chảy từ bên hữu sang bên tả mang nghĩa đem dòng sinh lực từ dương về âm để muôn loài, muôn vật trong không gian này phát sinh, phát triển. Đền được các triều đại phong kiến nước ta đề cao, quan tâm sắc phong và trùng tu, tôn tạo, tiêu biểu như triều Lý, Lê, Nguyễn... Theo tài liệu của Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch), đền thờ Hai Bà Trưng gồm các công trình kiến trúc chính: quán Tiên, miếu Tạm ngự, nghi môn, nhà phương đình, đàn Thề, tam quan, tiền tế, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, gò Giấu ấn, nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định… cùng hệ thống 293 di vật, cổ vật có giá trị về văn hoá, lịch sử thuộc nhiều chủng loại và chất liệu phong phú như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy, kim loại... có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn đến nay.

Để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân và tôn kính Hai Bà Trưng, từ bao đời nay nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội vào các ngày âm lịch: mùng 6 tháng 3 (ngày giỗ Vua Bà), mùng 4 tháng 9 (ngày tế cờ khao quân khởi nghĩa), 24 tháng Chạp (ngày Hai Bà mộc dục - tắm gội, xưng Vương, sau đó về đóng đô ở Mê Linh). Hát Môn cũng trở thành một làng đặc biệt tại Việt Nam khi có 3 lễ hội trong năm, trong đó lễ hội đền Hai Bà Trưng ngày mùng 6 tháng 3 là lễ hội lớn nhất, tiêu biểu cho văn hoá đặc sắc của xứ Đoài. Dù đã trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, lễ hội đền Hai Bà Trưng hằng năm được tổ chức trang trọng với nhiều nghi lễ, phong tục truyền thống tốt đẹp như lễ trình khai hội, lễ tế nữ quan, rước lễ làng… Đặc biệt, ở phần lễ trong ngày 6 tháng 3 hằng năm không thể thiếu tục rước bánh trôi - vật phẩm theo tương truyền là Hai Bà đã ăn ở quán hàng nước trước khi gieo mình xuống sông tuẫn tiết. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chính quyền huyện Phúc Thọ và nhân dân trong vùng thực hiện phần lễ, dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hai Bà Trưng nhưng cũng không thể thiếu tục rước bánh trôi về đền. Đây chính là nét văn hoá độc đáo và đặc sắc mà hiếm có làng quê Việt nào có được.

Lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch gắn với mỹ tục rước bánh trôi tốt đẹpLễ hội đền thờ Hai Bà Trưng được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch gắn với mỹ tục rước bánh trôi tốt đẹp

Nét văn hoá truyền thống đặc sắc của lễ hội Hai Bà Trưng

Chị Trần Thị Hoa - Chủ tịch Hội LHPN xã, người con gái của làng quê cổ tự hào kể về những nét đẹp văn hoá truyền thống của địa phương. “Ngoài mâm bánh của đền thì các thôn trong xã đều tổ chức làm bánh để dâng lên Hai Bà. Xã Hát Môn có 10 thôn, mỗi thôn đều tổ chức một đoàn rước bánh về đền. Đặc biệt, thành viên của đoàn đều là cán bộ, hội viên, phụ nữ hiền lành, đảm đang, mặc áo dài truyền thống thể hiện nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Sau khi rước, bánh được đoàn thành kính dâng lên Hai Bà, kết thúc nghi lễ, bánh trôi được mời du khách thập phương thụ lộc”.

Tục rước bánh trôi đã tồn tại hàng trăm năm nhưng đến nay, quy trình làm bánh vẫn được bảo tồn, gìn giữ. Từ chiều ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch, không khí chuẩn bị làm bánh đã rất khẩn trương tại làng trên xóm dưới. Các gia đình đã bắt đầu nhào bột lần một để 3 giờ sáng hôm sau, đúng ngày chính lễ, khi màn đêm còn bao phủ, các nhà đã sáng đèn để chuẩn bị nhào bột lần 2. Theo chị Trần Thị Hoa, như vậy, bột sẽ dẻo và mịn, bánh mới ngon.

Đặc biệt, vì bánh trôi nước trong ngày lễ hội là bánh Thánh nên nhân dân xã Hát Môn từ già tới trẻ, khi làng chưa dâng bánh trôi tế Hai Bà (trước 10 giờ ngày 6 tháng 3 âm lịch hằng năm) thì không ai được ăn. Kể cả người con gái sinh ra và lớn lên ở xã đã đi lấy chồng nơi khác không được ăn bánh trôi để tỏ vẻ tôn kính với Hai Bà. Đó là lệ làng từ xưa vẫn được nhân dân trong xã thực hiện nghiêm túc.

Rước bánh trôi - mỹ tục đẹp của lễ hội đền Hai Bà Trưng - ảnh 3

Các gia đình ở Hát Môn cũng rất coi trọng việc chọn lựa các nguyên liệu làm bánh. Đó là sản vật nông nghiệp gắn với nền văn minh lúa nước sông Hồng như gạo nếp, đường mía và một số loại gia vị như hoa hồi, quế chi, thảo quả. Gạo nếp làm bánh là nếp cái hoa vàng; nước làm bánh được chắt lọc từ những giọt nước mưa tinh khiết lọc qua miếng vải trắng để lọc tạp chất. Các cụ trong Ban tu lễ không dùng máy nghiền gạo thành bột mà dùng cối và chày gỗ lim giã nhuyễn. Bánh trôi dâng lễ có nhiều nét riêng. Đó là bánh chay, không có nhân; bánh được viên tròn, to gấp 3-4 lần so với viên bánh thông thường. Bánh viên xong được thả vào nồi nước sôi để luộc và phải qua 3 sôi 2 lạnh. Khi bánh nổi lên lần thứ nhất, thứ hai, người luộc bánh cho thêm vào nồi một gáo nước lạnh để bánh lặn xuống. Ở lần thứ 3, sau khi bánh nổi lên, các cụ cao niên kiểm tra. Bánh chín phải đạt yêu cầu: trắng trong, không bị nát, tròn. Bánh vớt ra khỏi nồi, thả ngay vào nước lạnh để bánh săn lại, xếp ra từng bát, từ từ cho thêm nước mật. Nước mật làm từ đường mía, nấu cùng quế chi, thảo quả, hoa hồi có mùi thơm hấp dẫn.

Đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Hát Môn đã được Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, đền thờ nằm giữa làng quê yên bình, cổ kính và tĩnh lặng với những hàng cây xanh cổ thụ rợp bóng mát cùng những người dân hiền lành, chân chất. Về thăm đền thờ Hai Bà Trưng tại Hát Môn, du khách có cơ hội được tìm hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc; những nét đẹp văn hoá đặc sắc, được chạm vào những lớp rêu phong, cổ kính trên những di sản, hiện vật; những bậc thang trên triền đê xưa…

Chủ tịch Hội LHPN xã Trần Thị Hoa cũng cho biết: với những người phụ nữ Hát Môn, được làm bánh trôi nước để dâng lên Hai Bà trở thành niềm vinh dự và tự hào rất lớn của bản thân và gia đình. Cứ đến gần ngày lễ hội mùng 6 tháng 3, các gia đình đều rất trang trọng và chăm chút để làm bánh nên từ tấm bé, con trẻ đều được ông bà, bố mẹ kể lại những tích truyện hào hùng trong cuộc khởi nghĩa giành độc lập, tự chủ của Hai Bà Trưng và truyền dạy những kinh nghiệm làm bánh trôi vừa ngon vừa đẹp dâng lên Hai Bà. Vì vậy, các bạn thuộc lớp trẻ trong xã đều biết làm bánh, tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương. Những giá trị đặc biệt đã tạo nên nét đặc sắc, độc đáo của lễ hội truyền thống đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng. Năm 2016, lễ hội đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.